"Chúng ta là thế hệ cuối cùng có thể ngăn biến đổi khí hậu"

Phát biểu trong phiên khai mạc COP21 tại Paris, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định chúng ta là thế hệ cuối cùng có khả năng chống tình trạng trái đất ấm lên.

"Chúng ta là thế hệ cuối cùng có thể ngăn biến đổi khí hậu"

Khoảng 40.000 người - bao gồm 151 nguyên thủ quốc gia và 3.000 nhà báo - tham dự ​Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (COP21), BBC đưa tin.

Ông Manuel Pulgar Vidal​ - Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu tại Peru năm 2014, mở màn phiên khai mạc COP21. Các nhà lãnh đạo thế giới dành 1 phút mặc niệm các nạn nhân khủng bố Paris.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố, các cường quốc có thể đạt thỏa thuận về giảm khí thải và tránh tình trạng ấm lên toàn cầu. "Chúng ta chưa đạt được thành công, nhưng nó nằm trong tầm tay của chúng ta", ông nhận định.​​

Ông Francois Hollande, Tổng thống Pháp, phát biểu trong phiên khai mạc rằng những lời chúc tốt đẹp và tuyên bố hùng hồn sẽ không thể giúp loài người chống hiệu ứng nhà kính. Theo ông, loài người đang tiến tới một dấu mốc vô cùng cấp bách.

"Paris phải là khởi đầu của một thay đổi lớn lao", ông bình luận.

Tổng thống Mỹ Barack Obama, khẳng định: "Chúng ta là thế hệ đầu tiên có thể cảm nhận tác động của biến đổi khí hậu và là thế hệ cuối cùng có thể hành động để ngăn nó".

Christiana Figueres, quan chức Liên Hợp Quốc phụ trách các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu, nói rằng một số ít người (các nhà lãnh đạo) đang đảm nhận trách nhiệm rất lớn đối với hành tinh.

"Cả thế giới đang dõi theo các ngài. Cả thế giới trông chờ vào các ngài", ông nhấn mạnh.

Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết rằng hai nước sẽ hợp tác để thúc đẩy thỏa thuận về biến đổi khí hậu tại các cuộc đàm phán quốc tế ở Paris.​​

Trước cuộc hội đàm song phương với nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Obama khẳng định sự dẫn dắt của hai nước là yếu tố quan trọng trong nỗ lực vận động các nước giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.​

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thái tử Charles của Anh cũng nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu là hiểm họa lớn nhất mà nhân loại đang đối mặt.​​ "Một thỏa thuận tại Paris sẽ đặt nền móng cho một tương lai an toàn hơn", ông nói.​

Hội nghị về chống biến đổi khí hậu lớn nhất lịch sử​​

COP21 diễn ra trong bối cảnh Nghị định thư Kyodo sắp hết hạn vào năm 2020. Nó đặt các nhà lãnh đạo thế giới dưới áp lực đạt được thỏa thuận mới mang tầm quốc tế, phù hợp với điều kiện các nước và bảo vệ môi trường toàn cầu.​

Bà Segolene Royal, Bộ trưởng Sinh thái Pháp
Bà Segolene Royal, Bộ trưởng Sinh thái Pháp, chào đón Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon tại Trung tâm Hội nghị ở Paris hôm 30/11. Ảnh: Reuters

Nghị định thư Paris cần giải quyết các vấn đề nan giải, tạo ra sự bình đẳng và ràng buộc pháp lý với tất cả các bên tham gia về vấn đề môi trường. Nó cũng cần linh hoạt, được xây dựng trên tinh thần tự nguyện của các nước và có thể được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với những diễn biến về khí hậu trong vài thập kỷ tới.​​​​

Biến đổi khí hậu tạo ra những mối nguy mà ai cũng hiểu rõ. Tuy nhiên, các quốc gia đang khá mâu thuẫn về lượng khí thải carbon cần cắt giảm. Các nước phát triển muốn gây áp lực để những quốc gia đang phát triển cắt giảm nhiều hơn khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhưng chưa được chấp thuận vì lý do tốn kém và làm tăng giá thành sản phẩm.

Siết chặt an ninh

Để chuẩn bị cho COP21, Pháp đã triển khai tổng cộng 120.000 cảnh sát và hiến binh được huy động trên toàn nước Pháp để đảm bảo an ninh. Trong đó, ​2.800 cảnh sát và hiến binh nhằm đảm bảo an ninh ở Le Bourget, phía bắc thủ đô Paris, địa điểm tổ chức hội nghị. Khoảng 8.000 cảnh sát được triển khai tại khu vực biên giới trong 11 ngày diễn ra hội nghị để kiểm soát xe cộ đi vào biên giới nước Pháp.

Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất không phải ở khu vực Le Bourget. Nơi đây khá khép kín và chia thành 3 địa điểm chính, những khu vực công cộng cách xa trung tâm hội nghị, chỉ cho phép các đại biểu và nhà báo ra vào.

Lực lượng an ninh Pháp được tăng cường trên cả nước để đảm bảo an toàn cho hội nghị. Ảnh: Getty
Lực lượng an ninh Pháp được tăng cường trên cả nước để đảm bảo an toàn cho hội nghị. Ảnh: Getty

Pháp cũng cấm người dân tiến hành các cuộc biểu tình, tuần hành trên toàn lãnh thổ. Lực lượng an ninh ngăn chặn hai cuộc tuần hành vì khí hậu dự trù diễn ra ngày 29/11, trước ngày khai mạc hội nghị và ngày 12/12, sau ngày bế mạc. Giới chức sẽ phạt nặng những người không tuân thủ lệnh cấm.

Các tuyến đường dẫn tới sân bay lớn ở Paris sẽ bị phong tỏa. Bộ trưởng Nội vụ Cazeneuve cũng kêu gọi người dân thủ đô không sử dụng xe riêng trong những ngày này. Tất cả phương tiện giao thông công cộng miễn phí giá vé để giúp giảm tắc nghẽn. Xe buýt và tàu điện ngầm tại Paris bổ sung 70.000 chỗ ngồi với chi phí ước tính khoảng 10 triệu USD. Các công ty nhận lệnh hoãn giao hàng và nhân viên được làm việc tại nhà.

Sau khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện một loạt cuộc tấn công và nói rằng Paris là mục tiêu đầu tiên trong chuỗi những âm mưu khủng bố, chính phủ Pháp tăng cường kiểm soát biên giới đồng thời tiếp tục tiến hành các cuộc rà soát và bắt giữ chiến binh cực đoan nhằm phá vỡ các âm mưu khủng bố. Theo ông Cazeneuve, giới chức nước này đã bắt hơn 300 phần tử cực đoan từ ngày 13/11 và hiện vẫn giam giữ 200 người.​​

Theo news.zing

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

ICTU xây dựng hệ sinh thái giáo dục số.

ICTU xây dựng hệ sinh thái giáo dục số

GD&TĐ -Trong thời đại công nghệ số phát triển nhanh chóng, việc đào tạo nhân lực số ngày càng đóng vai trò quan trọng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.