Sau chuỗi ngày tăng nóng kéo dài, thị trường chứng khoán đã có một phiên sụt giảm chưa từng có trong lịch sử hơn 20 năm hoạt động. Áp lực chốt lời tăng vọt vào cuối phiên sáng, kéo chỉ số VN-Index tụt giảm 75 điểm, cao hơn tất cả những phiên giảm điểm mạnh trước đây.
VN-Index tụt giảm ngay trước ngưỡng 1.200 điểm. Giới đầu tư trước đó kỳ vọng thị trường sẽ vượt đỉnh cao kỷ lục 1.204 ghi nhận vài năm trước và sẽ đạt ngưỡng 1.300 điểm ngay trong nửa đầu 2021.
Việc cổ phiếu quay đầu giảm giá là điều đã được dự báo từ trước. Tuy nhiên, mức giảm mạnh như trên trong chỉ một phiên là điều bất ngờ. Trước đó, một số chuyên gia dự báo thị trường sẽ điều chỉnh giảm trong quý I rồi sẽ tăng trở lại trong quý II khi mà các doanh nghiệp đưa ra kế hoạch cho năm mới 2021.
Thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ còn tăng tiếp trong năm 2021 dựa trên nền tảng nền kinh tế sẽ tích cực. Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh 6-6,8% trong cả năm.
Hoạt động bán mạnh cũng diễn ra trong bối cảnh sàn HOSE trong khoảng 1 tháng qua gặp tình trạng nghẽn lệnh. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra một số giải pháp nhưng cũng cần thêm thời gian để khắc phục tình trạng này.
Hàng loạt các mã chứng khoán giảm sàn, trong đó có các mã chủ chốt như Vingroup (VIC), BIDV, Vietinbank, Eximbank, ACB, MBBank, Sacombank, SSI, Vinhomes, VPBank...
Trước đó, nhiều công ty chứng khoán cũng đã cảnh báo về khả năng thị trường gặp khó trước ngưỡng 1.200 điểm. Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index sẽ tiếp tục gặp khó trước vùng kháng cự 1.200-1.220 điểm. Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co quanh ngưỡng 1.200 điểm.
Mặc dù giảm sâu, nhưng sức cầu bắt đáy cũng rất lớn. Chỉ trong buổi sáng, trên HOSE đã ghi nhận gần 16,2 nghìn tỷ đồng giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng. Trên sàn HNX ghi nhận hơn 2,6 nghìn tỷ, còn trên Upcom là hơn 800 tỷ đồng.
Với lực cầu tăng lên trong phiên chiều, các chỉ số đã thu hẹp đà rơi và VN-Index đóng cửa chỉ còn giảm 60,94 điểm (-5,11%) xuống 1.131 điểm.
Mức giảm 5,11% trong phiên giao dịch đã đưa VN-Index trở thành thị trường có biến động "tệ" nhất Châu Á trong phiên 19/1. Vốn hóa của riêng sàn HoSE sau phiên 19/1 cũng bị "thổi bay" hơn 225 nghìn tỷ đồng (~9,7 tỷ USD).
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB) cho rằng, thị trường giảm là do áp lực chốt lời, thị trường phân hóa và có thể giảm tiếp trong vài phiên tới. Tuy nhiên, triển vọng thị trường nói chung vẫn tích cực và giá cổ phiếu có thể vào một đợt tăng mới sau 30/4 khi mà các doanh nghiệp họp đại hội cổ đông và có kế hoạch năm.