Chứng chỉ ngoại ngữ: Toàn cảnh chương trình khảo thí

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những năm gần đây, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, nhất là tiếng Anh, được nhiều trường ĐH sử dụng trong xét tuyển và công nhận chuẩn đầu ra.

Lớp học ngoại ngữ của trẻ mầm non tại Trung tâm tiếng Anh Apollo. Ảnh: Internet
Lớp học ngoại ngữ của trẻ mầm non tại Trung tâm tiếng Anh Apollo. Ảnh: Internet

Phương thức này là động lực giúp học sinh, sinh viên nâng cao khả năng ngôn ngữ.

Miễn thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học

Từ năm 2014, theo Công văn số 6031/BGDĐT-KTKĐCLGD, Bộ GD&ĐT đã miễn thi và tính điểm 10 môn Ngoại ngữ trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT cho học sinh có chứng chỉ IELTS 4.0 và TOEFL ITP 450 điểm; TOEFL iBT 45 điểm. Quy định này vẫn được áp dụng trong Hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Theo đó, chứng chỉ tiếng Anh IELTS (International English Language Testing System, tạm dịch: Hệ thống Kiểm tra Anh ngữ quốc tế) là bài thi phổ biến nhất thế giới cho mục đích học tập, làm việc và định cư. Bài thi nhằm đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh một cách toàn diện ở 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và có giá trị trong 2 năm.

Bài thi IELTS được chấm theo thang điểm 1 - 9 dựa trên từng kỹ năng. Điểm số này được gọi là “band”, mỗi band tương ứng với một trình độ nhất định.

Hiện nay, ở Việt Nam, hai đơn vị được phép tổ chức kỳ thi IELTS theo phê duyệt của Bộ GD&ĐT gồm Hội đồng Anh và IDP. Lệ phí thi IELTS trên giấy và trên máy tính tại IDP và Hội đồng Anh đều là 4.664.000 đồng.

Còn chứng chỉ tiếng Anh TOEFL (Test of English as a Foreign Language, tạm dịch: Bài kiểm tra năng lực tiếng Anh quốc tế) được thiết kế và phát triển bởi Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS), có giá trị trong 2 năm. Bài thi nhằm đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh một cách toàn diện ở 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết trong môi trường học thuật.

TOEFL có nhiều dạng bài thi như TOEFL iBT; TOEFL ITP... Nếu TOEFL ITP phù hợp với những học sinh có dự định học đại học trong nước, thì TOEFL iBT phù hợp với học sinh có mong muốn du học. Lệ phí thi TOEFL dao động từ 3.700.000 đến 3.980.000 đồng (chưa bao gồm chi phí phát hành phiếu điểm).

Hiện nhiều cơ sở giáo dục đại học Việt Nam như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM... sử dụng chứng chỉ tiếng Anh IELTS, TOEFL trong xét tuyển đầu vào và công nhận chuẩn đầu ra. Bên cạnh đó, các trường cũng sử dụng kết quả chứng chỉ TOEIC và Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam...

Theo đó, TOEIC (Test of English for International Communication, tạm dịch: Bài kiểm tra tiếng Anh giao tiếp quốc tế) được nghiên cứu và phát triển bởi ETS và có giá trị trong 2 năm.

Bài thi TOEIC phổ biến là TOEIC 2 kỹ năng Reading Listening (nghe, đọc) và TOEIC 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết). Chứng chỉ này giúp đánh giá kỹ năng giao tiếp tiếng Anh trong môi trường làm việc của những người không nói tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ.

Điểm TOEIC từ 450 đến trên 750 được nhiều trường đại học sử dụng để xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Lệ phí thi dao động từ 950.000 – 3.070.000 đồng.

Còn VSTEP (Vietnamese Standardized Test of English Proficiency, tạm dịch: Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) là kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh tương đương với trình độ A1, A2, B1, B2, C1, C2 theo khung tham chiếu chung châu Âu (CEFR). Bài thi được Bộ GD&ĐT ban hành theo Thông tư ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam ngày 16/3/2014.

Bài thi gồm 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, có mục đích làm căn cứ thống nhất về yêu cầu năng lực cho tất cả ngoại ngữ được giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân. Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc chia làm 3 cấp (sơ cấp, trung cấp và cao cấp).

Theo danh sách Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) công bố vào tháng 8/2022, cả nước có 25 cơ sở giáo dục đại học được tổ chức thi và cấp chứng chỉ VSTEP. Có thể kể đến như Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội... Lệ phí thi dao động từ 1.500.000 – 1.800.000 đồng.

IELTS là một trong những chứng chỉ tiếng Anh phổ biến trên thế giới. Ảnh: Internet

IELTS là một trong những chứng chỉ tiếng Anh phổ biến trên thế giới. Ảnh: Internet

Phổ biến tại Việt Nam

Tuy không được sử dụng để xét tuyển đại học, một số chứng chỉ tiếng Anh khác cũng phổ biến tại Việt Nam, có thể kể đến như:

Aptis là bài thi đánh giá trình độ tiếng Anh trên máy tính ở 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết), được nghiên cứu và phát triển bởi Hội đồng Anh. Bài thi được kiểm soát và công nhận bởi Cục Kiểm định Chất lượng và Quy chế thi (Ofqual) của Vương quốc Anh.

Chứng chỉ Aptis không có thời hạn. Lệ phí thi là 2.000.000 đồng. Tại Việt Nam, nhiều trường đại học dùng Aptis để xét đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên như ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân... Chứng chỉ Aptis được Bộ GD&ĐT cấp phép liên kết tổ chức thi vào ngày 11/11.

Một chứng chỉ khác được Bộ GD&ĐT phê duyệt liên kết tổ chức thi là chứng chỉ tiếng Anh Cambridge. Chứng chỉ được cấp gồm Cambridge: A2 Key English Test (KET), B1 Preliminary English Test (PET), B2 First Certificate in English (FCE).

Chứng chỉ tiếng Anh Cambridge được chứng nhận bởi tổ chức hàng đầu thế giới về các kỳ thi tiếng Anh Cambridge và được công nhận trên toàn thế giới. Lệ phí thi dao động từ 900.000 – 3.300.000 đồng và có thời hạn vĩnh viễn.

Chứng chỉ này có nhiều cấp độ khác nhau, với các bài thi gồm 4 kỹ năng dành cho nhiều đối tượng và độ tuổi như học sinh tiểu học, THCS, THPT... Chứng chỉ tạo điều kiện cho thí sinh nâng cao từng kỹ năng tiếng Anh một cách có hệ thống, theo lộ trình khoa học tùy thuộc khả năng.

Ngoài ra, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế CEFR (Common European Framework of Reference for Languages – Khung tham chiếu chung châu Âu), cũng được công nhận tại Việt Nam.

Chứng chỉ do Hội đồng châu Âu xây dựng, nhằm cung cấp các tiêu chuẩn chung trên toàn thế giới để đánh giá khả năng giao tiếp tiếng Anh hiệu quả, dựa trên tiêu chuẩn ESOL của đại học Cambridge và tiêu chuẩn giảng dạy tiếng Anh của Hoa Kỳ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...