Chứng chỉ ngoại ngữ: Có thể tiệm cận quốc tế?

GD&TĐ - Để chứng chỉ ngoại ngữ nội khẳng định chỗ đứng trên sân nhà đòi hỏi kỳ thi bảo đảm chất lượng, đủ độ tin cậy.

Nhu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ ngày càng tăng đối với học sinh. Ảnh: TG
Nhu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ ngày càng tăng đối với học sinh. Ảnh: TG

Muốn vậy, cần quy chuẩn hóa đề thi theo hướng tiệm cận với trình độ quốc tế; quy trình cấp chứng chỉ hoàn thiện hơn.

Ông Phạm Quốc Khánh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT): Hoàn thiện căn cứ pháp lý

Tính đến tháng 9/2022, có 25 đơn vị đủ điều kiện thực hiện tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP). Trong đó, 24 đơn vị được Trung tâm Khảo thí quốc gia thuộc Cục Quản lý chất lượng phối hợp, hỗ trợ cung ứng đề thi và phần mềm tổ chức thi trên máy tính.

Theo quy định của Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, Cục Quản lý chất lượng thực hiện công tác quản lý, theo dõi và kiểm tra công tác thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ tại các đơn vị tổ chức thi; xử lý những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền. Trước mỗi đợt thi, đơn vị tổ chức thi đều có báo cáo gửi về Cục Quản lý chất lượng. Cùng với đó, các đơn vị cũng gửi báo cáo tổng hợp quá trình và kết quả tổ chức thi trong năm để phục vụ việc theo dõi, quản lý.

Thực tế, tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ trong các năm 2018, 2019 và 2020 cho thấy, công tác tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam dần đi vào nền nếp, ổn định. Điều này góp phần chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc dạy học và thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục đại học và các tổ chức giáo dục có liên quan.

Tuy nhiên, thực tế của công tác tổ chức thi cũng đồng thời cho thấy những hạn chế, bất cập cần phải điều chỉnh, bổ sung một số nội dung quy định của Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ bảo đảm phù hợp, thuận lợi và hiệu quả hơn.

Đáp ứng đòi hỏi đó, Cục Quản lý chất lượng đã chủ trì tham mưu xây dựng và trình lãnh đạo Bộ ban hành Thông tư số 24/2021/TT-BGDĐT ngày 8/8/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT ngày 29/9/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Nội dung điều chỉnh của Thông tư số 24/2021/TT-BGDĐT tăng cường các quy định bảo đảm điều kiện tổ chức thi; quy định rõ quyền tự chủ của đơn vị tổ chức thi; Từ năm 2023 chỉ tổ chức thi trên máy tính; số lượng, chất lượng đề thi đáp ứng yêu cầu tổ chức thi; bảo đảm phân công rõ nghĩa vụ, quyền hạn của các bên phối hợp trong cung cấp đề thi và tổ chức thi.

Ý kiến phản hồi của một số đơn vị tổ chức thi cho thấy, Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ đã góp phần hoàn thiện các căn cứ pháp lý để chỉ đạo tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ vừa bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc hơn vừa sát thực tế hơn, tạo thuận lợi cho công tác quản lý và thực thi tại đơn vị tổ chức thi cũng như người dự thi.

Thời gian tới, Cục Quản lý chất lượng tiếp tục nghiên cứu phương án công nhận chứng chỉ thi năng lực ngoại ngữ 6 bậc theo Khung năng lực ngoại ngữ dùng cho Việt Nam để miễn thi môn Ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT; phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức thi trong cả năm, công bố công khai trên trang web của đơn vị tổ chức thi để tạo điều kiện cho thí sinh dự thi.

Từ năm 2023, chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP chỉ tổ chức thi trên máy tính. Ảnh: TG

Từ năm 2023, chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP chỉ tổ chức thi trên máy tính. Ảnh: TG

Ông Hà Xuân Thành - Giám đốc Trung tâm Khảo thí quốc gia: Dừng tổ chức thi nếu không đáp ứng yêu cầu

Từ cuối năm 2018 đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ các đơn vị tổ chức 250 đợt thi. Công tác chuẩn bị và tổ chức thi cơ bản bảo đảm đúng quy định của Quy chế thi. Cán bộ Trung tâm tham gia hỗ trợ kỹ thuật trên phần mềm, giám sát chung việc tổ chức thi của đơn vị tại các điểm thi.

Từ công tác quản lý và kết quả kiểm tra có thể đánh giá: Về cơ bản các đơn vị đã triển khai nghiêm túc Đề án tổ chức thi được Bộ GD&ĐT xác nhận đủ điều kiện đảm bảo chất lượng; tổ chức thi theo đúng quy định của Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ. Các đợt thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đáp ứng yêu cầu đề ra.

Các đơn vị đều có trang thông tin điện tử để phục vụ tổ chức thi; hệ thống máy tính gồm máy chủ, máy trạm, thiết bị bảo mật hợp nhất cho hệ thống; thiết bị lưu trữ dữ liệu, thiết bị lưu điện, nguồn điện dự phòng, thiết bị phụ trợ đảm bảo đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật để tổ chức thi trên máy tính. Hệ thống máy chủ và mạng ổn định; có đủ thiết bị ghi âm, phát âm, ghi hình, phần mềm chuyên dụng đáp ứng yêu cầu tổ chức thi, đồng thời có hệ thống máy chủ và thiết bị phụ trợ phòng thi online.

Khu vực thi đảm bảo các yêu cầu an toàn, bảo mật; hệ thống phòng chống cháy nổ được định kỳ rà soát, kiểm tra theo quy định. Hệ thống phòng thi đảm bảo các điều kiện tổ chức thi cho 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và có camera giám sát toàn bộ diễn biến của phòng thi trong suốt thời gian thi; có thiết bị kiểm tra an ninh nhằm kiểm soát, ngăn chặn việc thí sinh mang tài liệu, đồ dùng trái phép vào phòng thi.

Một số đơn vị đã nỗ lực bổ sung thêm cán bộ chấm thi nói và viết so với Đề án tổ chức thi, đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được Bộ GD&ĐT xác nhận đủ điều kiện tổ chức thi.

Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục triển khai Đề án thi nghiêm túc, đầy đủ quy định của Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, các đơn vị tổ chức thi cần thường xuyên tự rà soát điều kiện bảo đảm chất lượng và nâng cao năng lực tổ chức thi. Trường hợp không đáp ứng yêu cầu về điều kiện tổ chức thi, đơn vị phải dừng tổ chức thi và báo cáo Bộ GD&ĐT. Chỉ khi đáp ứng tất cả yêu cầu, đơn vị mới được tổ chức thi trở lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ