Chuẩn hóa giá trị văn hóa dân gian để đưa vào giảng dạy

Chuẩn hóa giá trị văn hóa dân gian để đưa vào giảng dạy

(GD&TĐ) - Văn hóa dân gian từ lâu vẫn được xem là "văn hóa gốc", "văn hóa mẹ" là bản sắc văn hóa dân tộc. Chủ trương đưa văn hóa dân gian vào trường học trong những năm gần đây góp phần không nhỏ trong việc giáo dục toàn diện học sinh. Thực tiễn cho thấy, việc này được học sinh đón nhận một cách khá thích thú. Tuy nhiên, vấn đề đang được đặt ra hiện nay là có nên "chuẩn hóa" các giá trị này để đưa vào giảng dạy hay là để phát triển tự nhiên vì bản chất của văn hóa dân gian là linh hoạt và sáng tạo?

Thực tế hiện nay, ở các địa phương hầu hết đều có các tài liệu khảo sát đặc trưng văn hóa dân gian. Song chúng lại chưa mang tính hệ thống, liên kết trên khắp cả nước, đôi chỗ còn trùng lặp. Mục tiêu của các tài liệu này cũng chưa phải nhắm vào mục đích giảng dạy mà đơn thuần là sưu tầm, giới thiệu văn hóa địa phương. Bởi vậy việc sắp xếp, biên soạn văn hóa dân gian phục vụ giảng dạy là cần thiết.

Việc biên soạn tài liệu giảng dạy văn hóa dân gian cần được phân chia theo các nhóm như:

- Ngữ văn dân gian bao gồm: Tự sự (thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện cười, ngụ ngôn, vè, sử thi, truyện thơ… Trữ tình (ca dao, dân ca); Thành ngữ, tục ngữ, câu đố dân gian.

- Nghệ thuật dân gian bao gồm: Nghệ thuật tạo hình (kiến trúc, hội họa, trang trí…); nghệ thuật biểu diễn (âm nhạc, múa, sân khấu…).

- Tri thức dân gian bao gồm: Tri thức về môi trường tự nhiên (địa lý, thời tiết, khí hậu…); tri thức về con người (bản thân), y học; tri thức ứng xử xã hội (ứng xử cá nhân và ứng xử cộng đồng); tri thức sản xuất (kỹ thuật và công cụ sản xuất).

- Tín ngưỡng, phong tục và lễ hội dân gian.

- Trò chơi dân gian.

Trò chơi dân gian đang từng bước tạo sân chơi bổ ích trong nhà trường
Trò chơi dân gian đang từng bước tạo sân chơi bổ ích trong nhà trường

Đối với nghiên cứu văn hóa dân gian theo quan điểm của GSTS. Ngô Đức Thịnh (Viện văn hóa dân gian) đây là cách phân chia văn hóa dân gian làm phá vỡ tính "nguyên hợp" vốn có của nó. Theo đó trong giảng dạy, cách phân chia này lại là sự lựa chọn hợp lí. Qua sự phân chia, người dạy, người học có được sự nhận diện đối tượng tương đối dễ dàng. Ngoài ra, nó còn mang lại cho chúng ta nhiều thuận lợi khi thực hiện chủ trương đưa văn hóa dân gian vào trường học.

Trước nhất là sự chọn lọc có chủ đích. Không phải hoạt động nào chúng ta cũng có thể đưa vào nhà trường. Việc biên soạn tài liệu giảng dạy giúp chúng ta chọn lọc những hoạt động mang tính giáo dục, an toàn, vệ sinh... Ví dụ, trò chơi leo cột mỡ mang đậm tính dân gian nhưng không phù hợp với trường học, nhất là ở cấp tiểu học. Trò chơi đánh khăng, chọi cù (có nơi gọi là chọi gụ) không an toàn vì dễ gây chấn thương... cần được loại bỏ. Những giá trị đang có nguy cơ bị thất truyền như: Hát xẩm, múa rối... cần được quan tâm gây dựng, giới thiệu sâu kĩ hơn. Qua sự chọn lọc, sắp xếp chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy "sức nặng" của văn hóa dân gian đến các mặt của đời sống con người từ văn hóa tư tưởng, lao động sản xuất đến ngay cả cách ứng xử (hay kỹ năng sống) của con người trong xã hội...

Thứ đến, tài liệu sẽ xóa đi lằn ranh của không gian địa lí và thời gian lịch sử. Lâu nay do khoảng cách lịch sử khá lớn nên từ bản thân các thầy cô đến các em học sinh chưa thực sự hiểu hết được cách thức chơi, ý nghĩa của các hoạt động. Hoặc do sự khác biệt về địa lí nên giáo viên, học sinh chỉ tổ chức những hoạt động ở địa phương mình mà không quan tâm đến những nơi khác. Vì lẽ đó xây dựng nguồn tài liệu giảng dạy sẽ góp phần nâng cao hiệu quả việc truyền bá văn hóa dân gian. Tất cả mọi người ai cũng có thể chủ động tiếp cận được cách chơi, cách biểu diễn... Đồng thời, khi được tập hợp một cách đầy đủ, văn hóa dân gian của vùng miền, địa phương này sẽ đến được với giáo viên, học sinh ở vùng miền, địa phương khác. Hay nói cách khác, đây chính là sự "kết thông" văn hóa dân gian.

Cuối cùng, xin nhấn mạnh rằng việc xây dựng ngân hàng văn hóa dân gian làm tài liệu giảng dạy không phải là sự "chuẩn hóa" như chúng ta nghĩ. Bởi lẽ, tài liệu biên soạn ra chỉ mang tính chất định hướng hoạt động. Phần còn lại, đội ngũ giáo viên tại các nhà trường căn cứ vào mục tiêu, đối tượng, đặc trưng văn hóa vùng miền, điều kiện cơ sở vật chất để triển khai. Điều này giúp các đơn vị trường học luôn chủ động trong việc đổi mới các hoạt động, không lo sợ bị lặp lại nhàm chán, từ đây tạo nên thế chủ động trong tiếp nhận, kích thích được sự sáng tạo của cả thầy lẫn trò; đảm bảo tính linh hoạt của văn hóa dân gian.                    

Vũ Xuân Triệu

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.
Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.