Đối tượng của câu nói… dễ quê đó là một cô gái trạc 30, đang nhìn người vừa chỉ trích cái sự “thiếu hiểu biết” của mình bằng nét mặt vừa bị tổn thương, vừa có vẻ… không thèm chấp. Rồi chậm rãi ngó chị phụ nữ kia một cái từ đầu đến chân, lướt mắt xuống bộ đồ mặc ở nhà xuềnh xoàng bằng thun lạnh, đôi dép kẹp lẹt xẹt, sang chiếc xe số cũ kỹ lỗi thời, cô gái bình thản bỏ đi.
Chị phụ nữ như lúng túng khi bị mọi người nhìn soi vào mình, phân bua: Tại cổ hỏi cái bó dây kia để làm gì mà bán ở hàng rau!
Không ai nỡ trách câu buột miệng của chị. Bởi, căn cứ vào bề ngoài có phần lam lũ ấy, hẳn chị đang tự trói đời mình và muốn áp đặt cả người khác vào những thứ chuẩn mực cũ kỹ do chính bản thân nghĩ ra.
Câu chuyện vu vơ ngoài chợ bỗng làm tôi nhớ đến cái thời mình mới lớn, ở cái xứ mà người ta dùng chữ “gả con” để chỉ việc một cô gái lập gia đình. Bà mẹ nào có con gái tuổi cập kê là nơm nớp sợ con mình… bị ế. Mẹ tôi cũng không ngoại lệ. Mỗi việc tôi làm đều bị mẹ “soi” kỹ lưỡng, kèm theo câu hăm dọa cửa miệng là “vụng về cẩu thả như thế, mai mốt người ta đổ lên đầu”.
Mẹ sát sao từ việc chà mớ xoong chảo cho sạch bóng lọ nghẹ (hồi ấy vẫn đun nấu bằng củi) đến quét cái nhà sao cho tinh tươm. Từ cách đổ rau câu, làm gà làm vịt, đến tỉa quả ớt cọng hành thành những cái hoa, tôi đều phải thuần thục.
Cứ mỗi lần trong xóm có đám tiệc gì là nhà nhà đều gửi con gái sang phụ giúp một tay, gọi là đi “giùm đám”. Đó là cơ hội để nhìn trước ngó sau mà học hỏi, khoe tài, là dịp mấy thím mấy dì chỉ cho đám con gái lơ ngơ cách bếp núc nội trợ, đặng mai sau về làm dâu nhà người.
Làm dâu! Hai chữ đó thôi cũng đủ để các cô gái nơm nớp lo. Cứ như thể mẹ chồng là hùm beo, nhà chồng là hang sói, lúc nào cũng săm soi xét nét, ác độc như trong phim hay mấy vở cải lương vậy.
May quá, cuối cùng thì tôi cũng “hết lo ế”. Về nhà chồng, bạn bè gặp lại, thường hỏi nhau chỉ một câu: “Mày có phải làm dâu không đấy?”. Rồi sau đó, hoặc thở ra nhẹ nhõm, hoặc chia sẻ tâm trạng: “Khổ thân mày rồi, bà ấy có ghê gớm không?”.
Dấn mình vào… hang cọp rồi tôi mới biết, cái thời ba mẹ chồng ăn xong là con dâu phải vội vã buông đũa, đứng lên rót nước lấy tăm đã xa lắm. Mẹ chồng tôi bây giờ, trước khi đi chợ còn dò ý hai đứa con dâu, xem muốn mua gì, thức nào mà dâu kêu ngán là loại ra ngay.
Mẹ cũng chưa từng nói những câu kiểu như “thời tôi làm dâu thế này thế nọ” hay “con dâu bây giờ sao sướng vậy không biết”. Tất cả đều ngầm hiểu, đàn bà thời nay hay thời xưa gì cũng không ai sướng cả. Chỉ là mỗi thời mỗi khác. Mỗi cuộc đời mỗi hoàn cảnh. Đàn bà cứ hay tự làm khổ nhau bởi những định kiến của mình.
Tôi tất nhiên cũng không chu toàn được như kỳ vọng của mẹ ruột. Phụ nữ bây giờ vừa phải bon chen ngoài xã hội, vừa phải cáng đáng con cái, gia đình, áp lực kiếm tiền, nuôi dạy con, giữ chồng trước muôn vàn cám dỗ bên ngoài, quả là chẳng dễ dàng gì.
Thời nào rồi mà còn bắt đàn bà phải cung phụng cả gia đình chồng, trong khi mấy ai nghĩ lại, phía nhà chồng đã giúp được gì, có thương yêu đỡ đần gì được cho họ chưa? Nhưng thôi, cuộc sống thay đổi, những chuẩn mực của một cô con dâu đương nhiên cũng phải khác.
Mẹ chồng gắng theo kịp cuộc sống hiện đại. Con dâu cũng giữ gìn lại một chút gì đó của công dung ngôn hạnh, không phải để nai lưng ra hầu hạ phục tùng, mà để biết cách làm cho bếp nhà mình đỏ lửa là tốt lắm rồi. Nghĩ vậy đi, cho nó lành!
Tôi từng nghe một lời nhận xét cực choáng: “Thím ấy giỏi quá, sao mà làm dâu được!”. Chao ơi, đàn bà giỏi giang thì không thể nào bó đời mình trong xó bếp, nên không đạt chuẩn làm dâu thật ư?
Vậy nên, chẳng ngạc nhiên khi chị phụ nữ sáng nay ở hàng rau đã nghĩ, “làm dâu” thì phải biết tất tần tật mọi thứ liên quan tới bếp núc… Vì chị đã trải đời mình như thế, nên sẵn lòng buông lời chê bai người khác; hay chị cho rằng, phải như thế thì mới đúng là một nàng dâu truyền thống?
Còn cô gái ban sáng, giả sử cô là nhân viên văn phòng, một chồng một con, chẳng hạn. Cô có thu nhập đủ sống, biết dọn dẹp nhà cửa, biết phân biệt cà rốt Trung Quốc với hàng Đà Lạt, biết chi xài ngân sách chung sao cho hợp lý, trong danh bạ điện thoại có sẵn số điện thoại taxi và bác sĩ nhi để phòng khi cần.
Cô biết cách nấu cháo cho con sao cho đủ mấy nhóm dinh dưỡng. Mẹ chồng cô bị bệnh tiểu đường, cô biết chọn những thứ trái cây ít ngọt cho cả nhà tráng miệng. Có thể cô không rành cách nấu những mâm cỗ cầu kỳ, nhưng cô biết nơi đặt món, biết lựa thực đơn sao cho vừa túi tiền, biết thương lượng kỹ lưỡng các vấn đề liên quan. Nhiêu đó là quá đủ xài rồi. Còn đòi hỏi chi cao xa hơn?
Giờ còn được mấy cặp trai gái cưới nhau muốn chung sống với gia đình chồng? Hẳn là không nhiều lắm! Vậy những đôi ra riêng, cô con dâu kia không phải “làm dâu”, tức là có thể quên hết mọi bổn phận trách nhiệm lễ nghĩa với gia đình chồng ư?
Dù ở thời nào và có ở chung hay không thì “làm dâu” vẫn là một khái niệm quen thuộc, chẳng đến mức đáng sợ, đáng ghét nếu không bị chính những người phụ nữ trong cuộc mang ra đặt chuẩn mà làm khổ nhau.