Xây dựng

Chuẩn CT đào tạo về vi mạch bán dẫn: Bảo đảm khoa học, liên thông và hội nhập

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT xây dựng Chuẩn chương trình đào tạo (CTĐT) các trình độ của giáo dục đại học về vi mạch bán dẫn.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Chuẩn này không chỉ là căn cứ để cơ sở giáo dục đại học xây dựng và tổ chức thực hiện các CTĐT, mà còn là nền tảng để thiết kế và triển khai CTĐT thí điểm, chương trình thứ hai và liên thông liên quan đến vi mạch bán dẫn.

Bảo đảm kiến thức nền tảng vững chắc

GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), Chủ tịch Hội đồng tư vấn xây dựng Chuẩn CTĐT các trình độ của giáo dục đại học về vi mạch bán dẫn nhấn mạnh, xây dựng chuẩn nhằm trang bị kiến thức cơ bản và chuyên sâu về khoa học và công nghệ vi mạch bán dẫn; phát triển kỹ năng thiết kế; mô phỏng, chế tạo, kiểm tra vi mạch; nâng cao khả năng giao tiếp, làm việc nhóm và giải quyết vấn đề trong môi trường liên ngành và đa văn hóa; khuyến khích sinh viên tham gia dự án thực tế, tư duy sáng tạo; đào tạo khả năng làm việc toàn cầu, tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế.

Nhấn mạnh chuẩn đầu ra của các CTĐT về vi mạch bán dẫn, GS.TS Chử Đức Trình trao đổi, khi có chuẩn sẽ bảo đảm người học có kiến thức nền tảng vững chắc, kỹ năng chuyên sâu và khả năng tự chủ, trách nhiệm trong lĩnh vực này. Các chuẩn đầu ra được thiết kế riêng cho từng hướng chuyên sâu như: Thiết kế thiết bị tích hợp (Integrated Device Manufacturer – IDM); Thiết kế không xưởng (Fabless Design); Gia công sản xuất vi mạch (Foundry) và Sản xuất thiết bị và công cụ (Tool Manufacturer).

Các chuẩn đầu ra được xây dựng với mục tiêu giúp người học phát triển năng lực chuyên biệt phù hợp yêu cầu của từng hướng công nghiệp bán dẫn, đồng thời bảo đảm khả năng ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn sản xuất và nghiên cứu.

Về chuẩn đầu vào, GS.TS Chử Đức Trình cho hay, đối tượng tuyển sinh là người được công nhận tốt nghiệp THPT của Việt Nam hoặc có bằng tốt nghiệp nước ngoài, được công nhận trình độ tương đương; người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề cùng nhóm ngành dự tuyển và hoàn thành đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa bậc trung học phổ thông theo quy định của pháp luật.

Với đối tượng đầu vào là sinh viên năm thứ 2, 3, 4 (không phải sinh viên năm cuối) từ các ngành học khác phải có học lực từ khá trở lên; bảo đảm có khối kiến thức về toán, khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học) và tin học/nông nghệ (điện - điện tử) đạt điểm trung bình từ 65% trở lên của thang đánh giá.

Với lĩnh vực bán dẫn cần có chương trình tài năng, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh gợi mở. Tuy nhiên, việc quy định khối lượng các học phần tăng cường, nâng cao về kiến thức và kỹ năng chuyên sâu trong CTĐT hệ tài năng nhiều hơn tối thiểu 20% tổng số tín chỉ CTĐT hệ “chuẩn” có thể khiến người học thấy nản.

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai đề xuất, cần để người học có thể liên thông cả 2 chương trình. Theo đó, sinh viên giỏi có thể chuyển vào chương trình tài năng, ngược lại ở chương trình tài năng nhưng sinh viên không đủ sức tiếp tục theo học có thể liên thông chuyển ngược về chương trình chuẩn. Bên cạnh đó, cần có nguồn lực, nhất là từ ngân sách Nhà nước để hỗ trợ học phí, học bổng; từ đó có thể tuyển chọn được những sinh viên giỏi và đủ tài chính để đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

bao-dam-khoa-hoc-lien-thong-va-hoi-nhap-2.jpg
Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) trong giờ học. Ảnh: Anh Thư

Cần hình thành liên minh trường đại học

Đánh giá cao nỗ lực của Bộ GD&ĐT cũng như các chuyên gia trong xây dựng Chuẩn CTĐT về vi mạch bán dẫn, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) khẳng định, đây là bước tiến lớn nhằm đáp ứng nhu cầu về nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Song, để hoàn thiện chương trình, cần tăng tỷ lệ thực hành lên 40 - 50% tổng khối lượng chương trình. Qua đó, giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng thiết kế và sản xuất thực tế.

Ngoài tính đặc thù, GS.TS Nguyễn Hiếu Minh - Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã cho rằng, cần có tính hội nhập để mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên. Muốn vậy, phải nâng chuẩn ngoại ngữ. Vi mạch bán dẫn không phải ngành mới nhưng trước đây việc đào tạo chỉ mang tính nhỏ lẻ. Vì thế, cần hình thành liên minh giữa các trường đại học để chia sẻ kiến thức nền tảng, định hướng, giáo trình tài liệu... dựa trên thế mạnh của mỗi trường. Điều này sẽ giúp hệ thống đào tạo bán dẫn mang tính đa dạng, có thể phát triển nhanh.

Mong muốn các cơ sở đào tạo đồng lòng xây dựng nền công nghiệp vi mạch bán dẫn ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) phân tích, nếu các trường, thầy, cô giáo không quyết tâm sẽ khó để thu hút người giỏi tham gia vào lĩnh vực này, bởi đây là lĩnh vực đặc thù, yêu cầu người học phải có nền tảng kiến thức nhất định.

PGS.TS Nguyễn Anh Dũng nhất trí cao với kiến nghị về tăng cường thời lượng thực hành thực tập và phát triển cơ sở vật chất, cũng như giải pháp về hình thành liên minh giữa các trường, tổ chức doanh nghiệp để tăng cường nguồn lực phát triển cơ sở vật chất, thời gian thực hành thực tập của sinh viên. Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương có cơ chế nhằm tăng cường sự tham gia sâu hơn của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo.

Ngành công nghiệp bán dẫn, với vai trò nền tảng của hầu hết công nghệ hiện đại, đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội và công nghệ toàn cầu. PGS.TS Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 4/12/2024 về đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và một số ngành công nghệ số cốt lõi và các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao về việc thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ GD&ĐT thành lập Hội đồng tư vấn xây dựng Chuẩn CTĐT các trình độ của giáo dục đại học về vi mạch bán dẫn.

“Đối với Việt Nam, một trong những nhiệm vụ quan trọng để triển khai thành công và nắm bắt cơ hội liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn là chuẩn bị nguồn nhân lực. Để làm được việc này, chúng ta trông cậy vào các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt cơ sở giáo dục đại học hàng đầu về đào tạo các ngành kỹ thuật công nghệ, trong đó có vi mạch bán dẫn”, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng bày tỏ.

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn được xây dựng không chỉ đào tạo trình độ đại học, mà còn tiếp cận và tiếp nhận những sinh viên năm thứ 2, 3, 4 có nhu cầu chuyển sang học vi mạch bán dẫn; đồng thời tiếp cận theo hướng đào tạo những người tốt nghiệp đại học nhưng vẫn có nhu cầu học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ