Chuẩn cơ sở giáo dục đại học tạo động lực nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, Trường Đại học Công nghệ TPHCM. Ảnh: HUTECH
Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, Trường Đại học Công nghệ TPHCM. Ảnh: HUTECH

Các trường đại học đã có những bước chuẩn bị để đạt được những tiêu chuẩn, tiêu chí trong Thông tư này.

6 tiêu chuẩn, 20 tiêu chí

Theo Thông tư 01, chuẩn cơ sở giáo dục đại học bao gồm 6 tiêu chuẩn và 20 tiêu chí là các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học. Thông tư 01 có hiệu lực từ ngày 22/3/2024; đồng thời bãi bỏ Thông tư số 24/2015/TT-BGDĐT ngày 23/9/2015 của Bộ GD&ĐT quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học.

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là cơ sở để thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; đánh giá và giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật. Chuẩn cơ sở giáo dục đại học bao gồm 6 tiêu chuẩn và 20 tiêu chí.

Trong đó, tiêu chuẩn 1 gồm 4 tiêu chí, quy định về tổ chức và quản trị. Tiêu chuẩn này yêu cầu cơ sở giáo dục đại học phải có tổ chức bộ máy ổn định, hệ thống quản trị hiệu quả, minh bạch.

Tiêu chuẩn 2 gồm 3 tiêu chí, quy định về giảng viên. Tiêu chuẩn này yêu cầu cơ sở giáo dục đại học có đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu về số lượng, trình độ và quỹ thời gian để bảo đảm chất lượng giảng dạy và nghiên cứu.

Tiêu chuẩn 3 gồm 4 tiêu chí, quy định về cơ sở vật chất; yêu cầu cơ sở giáo dục đại học có khuôn viên, cơ sở vật chất, hệ thống thông tin và học liệu đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu.

Tiêu chuẩn 4 gồm 2 tiêu chí, quy định về tài chính; yêu cầu cơ sở giáo dục đại học duy trì được cân đối tài chính, hiệu quả hoạt động và khả năng phát triển bền vững.

Tiêu chuẩn 5 gồm 5 tiêu chí, quy định về tuyển sinh và đào tạo. Những yêu cầu cơ sở giáo dục đại học duy trì được chất lượng và hiệu quả về tuyển sinh, đào tạo và hỗ trợ người học chính là những nội dung chính của tiêu chuẩn này.

Phòng mô phỏng hoạt động nghề nghiệp kế toán của Trường Đại học Công Thương TPHCM. Ảnh: HUIT

Phòng mô phỏng hoạt động nghề nghiệp kế toán của Trường Đại học Công Thương TPHCM. Ảnh: HUIT

Cuối cùng, tiêu chuẩn 6 gồm 2 tiêu chí, quy định về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Các tiêu chí này đánh giá các cơ sở giáo dục đại học có năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, thể hiện qua nguồn thu từ các hoạt động này và kết quả công bố khoa học.

Theo Thông tư 01, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học cung cấp, cập nhật dữ liệu phục vụ việc xác định các chỉ số và đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí của chuẩn cơ sở giáo dục đại học vào hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học. Bộ sẽ công bố kết quả thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học của các cơ sở giáo dục đại học trước ngày 30/6 hàng năm, bắt đầu thực hiện từ năm 2025 cho năm báo cáo trước liền kề.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học cung cấp, cập nhật đầy đủ, chính xác và nhất quán số liệu phục vụ việc xác định các chỉ số và đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí của chuẩn cơ sở giáo dục đại học vào hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học.

Thời điểm chốt số liệu là ngày 31/12 hàng năm; đối với số liệu về tài chính, thời điểm chốt số liệu là ngày 31/3 của năm tiếp theo. Cơ sở giáo dục đại học thực hiện các biện pháp cần thiết để thường xuyên giám sát, cải tiến chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục đại học, bảo đảm đạt được tất cả tiêu chuẩn, tiêu chí của chuẩn cơ sở giáo dục đại học thuộc phạm vi áp dụng cho cơ sở giáo dục đại học từ năm 2025.

Ngoài ra, cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện trách nhiệm giải trình đối với người học, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và các bên có liên quan về chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục đại học thông qua kết quả thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

Phòng thí nghiệm của Khoa Cơ khí Động lực, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Phòng thí nghiệm của Khoa Cơ khí Động lực, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Điều chỉnh để đáp ứng tiêu chuẩn

Sau khi Thông tư 01 ban hành, nhiều trường đại học đã triển khai đến các phòng, ban, khoa đào tạo; rà soát các tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định và lập kế hoạch để thực hiện.

Được thành lập năm 1982, trực thuộc Bộ Công Thương, Trường Đại học Công Thương TPHCM (HUIT) hiện là trường đào tạo đa ngành với 34 ngành đại học, 10 ngành thạc sĩ và 3 ngành trình độ tiến sĩ. Theo báo cáo 3 công khai năm học 2023 - 2024, HUIT có 590 giảng viên cơ hữu (trong đó có 1 giáo sư, 23 phó giáo sư, 163 tiến sĩ). Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong năm trước đó 2021 - 2022 là 3,3 tỷ đồng (trong tổng số nguồn thu là hơn 559 tỷ đồng).

Đối chiếu các tiêu chuẩn, tiêu chí trong Thông tư 01 với tình hình thực tế của HUIT, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thật ra với những quy định trong Thông tư 01, các trường đại học, nhất là khối công lập đã phấn đấu để đạt được từ lâu. Chẳng hạn, từ khi thực hiện cơ chế tự chủ vào năm 2016 đến nay, tiêu chuẩn về đội ngũ giảng viên của chúng tôi cơ bản đã đạt.

Tuy nhiên, không phải tiêu chuẩn nào cũng có được kết quả như vậy”. Ví dụ, ở tiêu chuẩn số 3 về cơ sở vật chất, nhà trường chưa đạt tiêu chí “diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25m2” và “ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt”. Hiện, nhà trường chỉ mới đạt 12,5m2 đất/sinh viên; chỗ làm việc riêng của giảng viên chưa đạt được tỷ lệ trên.

Tương tự, tiêu chí “số lượng công bố khoa học và công nghệ với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ không phải trường đào tạo ngành đặc thù không thấp hơn 0,6 bài/năm” thuộc tiêu chuẩn 6 về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo là một bài toán khó.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, muốn làm được điều này, phải đặt ra lộ trình phấn đấu cụ thể, đồng thời phải có nguồn kinh phí dồi dào để hỗ trợ, thưởng cho giảng viên nghiên cứu và công bố khoa học. Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hoàn, ở tiêu chuẩn này, tiêu chí “tỷ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%” không dễ.

“Chẳng hạn, với một trường đại học có doanh thu 1.000 tỷ đồng, theo quy định này cần phải có nguồn thu từ khoa học và chuyển giao công nghệ là 50 tỷ. Trong khi đó, hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn có tư duy ‘xài chùa’ hoặc công rất rẻ cho những kết quả nghiên cứu nên hiệu quả thu về từ hoạt động này không cao”, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn nói.

ThS Phùng Quán, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, qua rà soát sơ bộ, các tiêu chí thuộc tiêu chuẩn 1 tổ chức và quản trị của nhà trường (do đơn vị này phụ trách) đều đạt. Hiện, các vị trí lãnh đạo chủ chốt (chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng) của nhà trường được kiện toàn. Nhà trường có hệ thống văn bản quy chế, quy định nội bộ đã được ban hành đầy đủ theo quy định của Luật Giáo dục Đại học.

Ngoài ra, trường cũng ban hành chiến lược, kế hoạch phát triển. Riêng các tiêu chí về cơ sở vật chất, giảng viên… nhà trường vẫn đang trong giai đoạn kiểm kê, tính toán bởi quá trình này mất nhiều thời gian, liên quan đến nhiều phòng, ban. “Thực ra các tiêu chuẩn về cơ sở giáo dục đại học trước đây đã có, các trường cũng phải thực hiện rồi. Bộ tiêu chí mới theo Thông tư 01 ra đời, các trường phải rà soát lại để điểm nào chưa đạt thì hoàn thiện”, ông Phùng Quán cho hay.

Khu giảng đường của Trường Đại học Nông Lâm TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng
Khu giảng đường của Trường Đại học Nông Lâm TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Động lực để phấn đấu

TS Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, tinh thần của Thông tư 01 không bắt buộc các trường phải đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí ngay lập tức mà tạo điều kiện cho sự chuẩn bị với mốc thời gian 2030. “Việc công bố tiêu chí lúc này mang tính thông báo cho các trường, để họ căn cứ vào các tiêu chuẩn, tiêu chí đó, có sự điều chỉnh phù hợp. Có thể hiểu, đây là một động lực để các trường chuẩn bị, đáp ứng bộ tiêu chuẩn mới”, TS Phương đánh giá.

Không chỉ các trường đại học tư thục mà ở khối công lập, nhiều trường gặp nhiều khó khăn để đạt được tiêu chuẩn về cơ sở vật chất; trong đó phần lớn là thiếu đất. Có nhiều trường đại học chỉ có quy mô diện tích 2 - 3ha trong nội thành nhưng tuyển sinh hàng nghìn chỉ tiêu đại học mỗi năm.

“Trước đây, khi chưa có chuẩn cơ sở giáo dục đại học, các trường có thể cho qua các tiêu chí này, hoặc nhiều trường tìm cách lách quy định về đảm bảo cơ sở vật chất. Bây giờ, họ phải có kế hoạch tăng cường việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất hoặc điều chỉnh quy mô đào tạo cho phù hợp với thực trạng”, TS Lê Đông Phương cho biết.

Cũng theo TS Lê Đông Phương, chuẩn cơ sở giáo dục đại học chính là cơ sở để thực hiện Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Bộ GD&ĐT đang triển khai xây dựng. Đây sẽ là căn cứ để các địa phương bố trí đất đai, cơ sở vật chất, đáp ứng theo đúng chuẩn.

Để đạt theo tiêu chuẩn của Thông tư 01, theo lãnh đạo các trường đại học, để bên cạnh sự “tự thân vận động” rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chủ quản, địa phương. PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn cho biết, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường sẽ được cải thiện nếu thời gian tới đây, trường tiếp nhận trụ sở của một viện thuộc Bộ Công Thương.

Nguồn thu nhà trường cũng sẽ cải thiện nếu bộ chủ quản có chính sách để các doanh nghiệp đặt hàng các dự án nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với trường. “Hoặc diện tích sàn xây dựng có thể được nâng nếu TPHCM hỗ trợ các trường từ nguồn quỹ đất dành cho giáo dục”, ông nói.

Bên cạnh đó, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ là tiêu chí được nhiều trường đại học ngoài công lập lo lắng. Bởi “tỷ lệ không thấp hơn 40% và từ năm 2023, không thấp hơn 50% với cơ sở giáo dục có đào tạo tiến sĩ” là quá cao – theo nhận định của một lãnh đạo trường tư thục ở TPHCM. Một số trường đề xuất tỷ lệ này áp dụng theo từng ngành/nhóm ngành, không nên tính chung trên toàn trường.

Cuối tháng 2/2024, Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TPHCM (Hội đồng Hiệu trưởng) tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 và thông qua chương trình hoạt động trong năm 2024.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM, Chủ tịch Hội đồng khẳng định quyết tâm của TPHCM trong việc đầu tư, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và giáo dục đại học.

Theo đó, thành phố sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp lý, đất đai, quy hoạch để các trường đại học phát huy nguồn lực đất đai trong đầu tư và phát triển. Đồng thời, thành phố sẽ thông qua chương trình kích cầu đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, sẽ nghiên cứu chính sách cho vay. Nhiều trường đại học trước đây đã hưởng thụ từ chương trình này và rất có hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ