Chuẩn bị trước và trong quá trình du học Mỹ

Du học đến Mỹ là ước mơ của nhiều học sinh Việt Nam, nhiều bạn muốn du học nhưng chưa biết phải thực hiện như thế nào. Cùng nghe những du học sinh chia sẻ về kinh nghiệm du học của họ.

Chuẩn bị trước và trong quá trình du học Mỹ

Chuẩn bị trong nước

Tường Vân trong chia sẻ về du học với người trẻ Việt
Tường Vân trong chia sẻ về du học với người trẻ Việt.

Du học là một cuộc chiến trường kỳ, bạn không thể chuẩn bị nhiều thứ trong một thời gian ngắn, sau đó du học. Tất cả là một quá trình gian nan và không kém vất vả.

Tiếng Anh là thử thách đầu tiên cần vượt qua, đa phần nhiều bạn phải học ngôn ngữ này trong nhiều năm trước khi đủ trình độ để thi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, việc làm bắt buộc nếu muốn du học Mỹ.

Phương Anh - Du học sinh tại trường đại học Elizabethtown - chia sẻ về quá trình học tiếng Anh của cô: “Bắt đầu học tiếng Anh từ khi còn nhỏ. Đến lớp 11, em tập trung thi chứng chỉ TOELF IBT và IELTS để chuẩn bị gửi thư và hồ sơ đến các trường đại học”.

Tiếng Anh chỉ là một phần nhỏ trong một quá trình tổng thể trước khi du học, muốn được các trường chấp nhận, cũng như nhiều học sinh Mỹ khác, các bạn cũng phải trải qua kỳ thi chuẩn hóa SAT. 

Đây là kỳ thi nhằm cho các trường đại học tại Mỹ đánh giá về chất lượng học sinh trước khi nhận vào học. Với 3 môn: Đọc chuyên sâu, Toán, Viết và thi trong thời gian gần 4h đồng hồ. 

Bài thi “khủng” ngay với học sinh bản địa, vì vậy sinh viên ngoại quốc sẽ phải mất nhiều thời gian để ôn tập và làm quen đề thi.

“Mới đầu, em ôn thi SAT tại các trung tâm, nhưng khi đã quen dần các dạng bài tập, em tự ôn ở nhà. Như thế, em vừa tự học được cách tìm ra lỗi sai của chính mình và tiết kiệm được chi phí ôn tập” - Trần Thạch Thảo, sinh viên trường Clark University cho biết.

Mong muốn làm đẹp hồ sợ của mình, nhiều bạn chọn tham gia các hoạt động xã hội hoặc có những tài năng nổi bật như: Biết chơi nhạc cụ, tình nguyện tại bệnh viện, gây quỹ từ thiện, làm việc bán thời gian tại bảo tàng,… 

Các trường đại học Mỹ đánh giá cao những hồ sơ mà ở đó các bạn nêu bật được những hoạt động của mình đóng góp cho xã hội.

Thạch Thảo chia sẻ: “Khi ở trong nước, em có tham gia tình nguyện làm việc tại Bảo tàng Dân tộc học, các chương trình thiện nguyện tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Tuy những hành động như vậy làm đẹp hồ sơ của mình hơn, nhưng chính mình cũng phải yêu thích công việc đó và mong muốn góp sức”.

Bài luận gửi tới các trường cũng không kém phần quan trọng, trong bài thí sinh cần phải thể hiện được rõ nét cá tính riêng của mình. 

Lê Ngọc Tường Vân - Sinh viên từng được Tổng thống Mỹ 4 lần trao bằng khen - tâm sự về bài luận giúp cô được nhận vào Havard: “Trong bài luận, em viết về mẹ và gia đình, cảm nhận của em thế nào khi em lớn lên. 

Sau khi đi du học, em cảm thấy không có nơi nào có thể cho ta thoải mái và hạnh phúc như nào. Qua bên này, em phải làm việc mới thấy hết sự vất vả của cha mẹ để nuôi nấng mình…Bài của em giống như một lá thư để cảm ơn cha mẹ”.

Theo Vân, bài luận không có gì to tát cả, viết những cái gì mình gặp hàng ngày hay cảm nhận của mình về bất cứ một vấn đề miễn là phải thể hiện được cá tính của bản thân trong đó. 

Phải làm sao cho các trường đại học cảm thấy họ cần mình đến học, trong mỗi hồ sơ cũng cần thể hiện sự đam mê của bạn với những gì đã làm.

Chân dung du học sinh Trần Thạch Thảo
Chân dung du học sinh Trần Thạch Thảo.

Tài chính cũng là điều cần cân nhắc, theo Thạch Thảo, mỗi hồ sơ chuyển đi cô mất khoảng 100 đô. Thảo gửi 20 hồ sơ đến các trường đại học khác nhau, số tiền gửi hồ sơ không nhỏ vì vậy cần cô chia sẻ: “Các bạn học sinh trong nước cần cân nhắc số lượng hồ sơ gửi đi để hạn chế chi phí”.

Hòa nhập với môi trường mới

Sau khi đến học và trở thành sinh viên tại Mỹ, điều cần làm đầu tiên là bạn cần phải hòa nhập được với cuộc sống và cách học tập có phần khác biệt lớn so với trong nước. 

Tường Vân đã có 7 năm du học tại Mỹ, cô đã hòa nhập được hoàn toàn với nên văn hóa tại quốc gia này. Nhưng với các bạn học trong nước, Vân cho rằng: “Trước khi du học, các bạn được học làm thế nào để hòa nhập và chống sốc văn hóa. Nên em nghĩ các bạn sẽ không bị bỡ ngỡ nhiều lắm”.

Có lẽ cũng chỉ đúng một phần, nhiều bạn học trong nước khi ra nước ngoài vẫn gặp phải những khó khăn nhất định, Trần Thạch Thảo là một sinh viên như vậy. 

Trong nước Thảo học tiếng Anh chủ yếu để lấy được các chứng chỉ quốc tế. Đến lúc là sinh viên thì hoàn toàn khác, sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành, cô phải dành cả buổi để tra từ điển vì có nhiều từ khó hiểu. Năm nhất là năm chỉ dành thời gian để bắt kịp kiến thức với các bạn cùng lớp.

Thêm vào đó là các khác biệt về cách học, Thảo chia sẻ: “Trong nước, nếu em không biết gì và hỏi thầy cô, chắc chắn sẽ bị nhiều bạn đánh giá và coi thường. 

Ở Mỹ thì khác, nếu chẳng may lơ đãng không chú ý đến bài giảng, sinh viên hoàn toàn có thể giơ tay hỏi lại thầy cô cho đến khi hiểu thì thôi. Sinh viên Mỹ quan tâm đến kiến thức họ thu lượm được trong quá trình học hơn là đánh giá từ người khác”.

Dù đã học nhiều thứ về văn hóa Mỹ khi ở trong nước, tiếp xúc với cuộc sống và nét văn hóa mới, cô bạn vẫn gặp phải những khó khăn nhất định để hòa nhập. Có một số điều, khi trong nước, Thảo không nghĩ có thê xảy ra. Bên Mỹ, đó lại là chuyện bình thường.

“Có bạn party nhiều, học vẫn rất giỏi, em cảm thấy kỳ lạ với điều đó. Ngược lại, bạn ấy lại cho rằng, phải vừa tiệc tùng vừa học thì kết quả mới tốt được” - Thảo cho biết.

Trường Clark mà Thảo theo học là một trong những ngôi trường có nhiều sinh viên quốc tế từ khắp nơi trên thế giới đang học. Theo cô, phải dần dần hòa nhập và chấp nhận con người, văn hóa của từng quốc gia, mọi thứ sẽ suôn sẻ và hòa đồng được với mọi người.

Theo tamguong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ