Chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới: Khắc phục lỗi nghề nghiệp

GD&TĐ - Hoạt động bồi dưỡng và nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên (GV) được tổ chức thường xuyên hàng năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong quá trình dạy học, GV vẫn mắc phải những lỗi sai nghề nghiệp. 

Tiếp cận chính xác tâm lý học sinh đầu cấp là yêu cầu căn bản trong hoạt động nghiệp vụ của mỗi giáo viên tiểu học. Ảnh: Hữu Cương
Tiếp cận chính xác tâm lý học sinh đầu cấp là yêu cầu căn bản trong hoạt động nghiệp vụ của mỗi giáo viên tiểu học. Ảnh: Hữu Cương

Để thực hiện CT và SGK mới, đòi hỏi công tác đào tạo, bồi dưỡng phải nắm sát thực tế, đổi mới, điều chỉnh cho phù hợp và hiệu quả. 

Nhìn thẳng nói thật

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội chỉ ra: Số đông nhà giáo chưa thể hiện được đặc trưng nghề nghiệp. Mặt khác còn mắc bệnh nghề nghiệp như chạy theo lý thuyết kinh điển, bám vào trí thức có sẵn trong SGK, không gắn với thực tiễn đời sống.

Mặt khác, khi đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp giáo dục được coi như “chìa khóa” để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và thực hiện triển khai CT, SGK mới, vẫn còn không ít GV chưa thực hiện. Nguyên nhân chính bởi coi thường những đợt tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ của từng trường hoặc cơ quan quản lý giáo dục tổ chức.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, do không nắm được tâm sinh lý lứa tuổi HS, không hiểu được phương pháp giáo dục, kinh nghiệm giáo dục tiên tiến nên nhiều GV dễ xảy ra tình trạng tùy tiện và mắc sai lầm trong quá trình giáo dục.

PGS.TS Đào Thị Oanh, Viện Nghiên cứu Sư phạm – Trường ĐHSP Hà Nội chỉ ra 6 nhóm lỗi mà GV tiểu học thường mắc phải khi ở trên lớp như: Tổ chức quản lý môi trường lớp học; Quản lý thời gian ở trên lớp; Quản lý bản thân ở trên lớp; Quản lý phương pháp, phương tiện dạy học ở trên lớp; Tổ chức giao tiếp ở trên lớp; Kiểm tra đánh giá trong lớp học.

Những lỗi này thể hiện qua: GV có những quy định vô lý, tùy tiện. Phê phán con người thay vì phê phán hành vi của HS. Không có quy tắc ứng xử rõ ràng, thiếu nhất quán. Không nhận biết được vấn đề tiềm ẩn ở HS. GV lao về phía HS khi các em có vấn đề và lạm dụng hình thức phạt trực tiếp. Đáng nói, nhiều GV còn không thể hiện tình cảm đối với HS, không nắm được thông tin sơ bộ về từng HS, không nhận diện được nhu cầu của học trò…

PGS.TS Đào Thị Oanh cho rằng: Xét theo mức độ ý thức, GV mắc lỗi một cách không cố ý mà xuất phát từ sự hình dung chủ quan, không phù hợp với tình trạng khách quan của sự vật. Mặt khác, do không thể dự liệu từ trước, hấp tấp, mệt mỏi và bị phân tán, quên lãng…

Ảnh minh họa/ INT
 Ảnh minh họa/ INT

Để giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới

Đội ngũ GV tiểu học được nhìn nhận như những người tiên phong trong đổi mới CT, SGK từ năm học 2020 – 2021. Chính vì vậy, cần có những biện pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp.

Theo PGS.TS Đào Thị Oanh: Có thể bổ sung vào chương trình đào tạo GV tiểu học nội dung “Tổ chức khoa học lao động sư phạm của GV” với phương pháp, hình thức tổ chức, kiểm tra đánh giá kết quả, điều kiện phục vụ đào tạo. Từ đó, hình thành ở sinh viên (SV) sư phạm năng lực tổ chức hoạt động sư phạm một cách khoa học, SV có thể hình dung được các lỗi kĩ thuật nghề nghiệp để ngăn ngừa…

Mặt khác, cần thực hiện đổi mới chương trình đào tạo GV tiểu học thông qua việc phát triển chương trình theo hướng tiếp cận phân tích lỗi. Thay vì chỉ dạy về những điều đúng, chuẩn mực, có thể đưa vào dạy cả những điều thiếu chuẩn mực… để SV có thể hình dung tốt hơn về kết quả và dự liệu chính xác con đường đi đến kết quả mong muốn khi xây dựng các hoạt động dạy học trên lớp.

Công tác bồi dưỡng, đào tạo lại GV cũng vô cùng quan trọng và có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Để thực hiện tốt công tác bồi dưỡng GV, những đặc trưng cơ bản của hoạt động bồi dưỡng cần được vận dụng một cách hiệu quả. Việc đánh giá nhu cầu bồi dưỡng và xây dựng hệ thống nội dung bồi dưỡng linh hoạt, đáp ứng đúng nhu cầu của GV cũng cần được quan tâm.

Bên cạnh đó, đội ngũ GV nói chung và GV tiểu học nói riêng cần quan tâm tới giải pháp tự bồi dưỡng nhằm khắc phục, ngăn ngừa những lỗi nghề nghiệp ở trên lớp, đồng thời có thể phát triển năng lực tự học. - PGS.TS Đào Thị Oanh

PGS.TS Đào Thị Oanh lưu ý, thực hiện bồi dưỡng tại chỗ thông qua sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học là một biện pháp phát triển nghề nghiệp theo hướng bền vững. Song cách tốt nhất, bền vững nhất vẫn là sự giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau giữa các đồng nghiệp bên cạnh việc tham gia vào các chương trình bồi dưỡng thường xuyên do Bộ GD&ĐT hoặc sở/phòng GD&ĐT tổ chức.

Hơn thế, cũng không thể xem nhẹ các khóa bồi dưỡng tập huấn mang tính chính quy, bởi qua đó sẽ cập nhật cho GV những kiến thức, phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học hiệu quả, nhằm giúp họ tránh được tối đa những lỗi kĩ thuật trên lớp.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, để dạy người và tạo ra năng lực cá nhân cho HS thông qua các bộ môn khoa học, người thầy phải thay đổi phương pháp giảng dạy. Muốn vậy, GV phải được huấn luyện kĩ hơn về các phương pháp đổi mới dạy học như: Nêu vấn đề, dạy theo nhóm, theo dự án…

GV cần tiếp thu cách dạy học theo cảm nhận, trải nghiệm sáng tạo của phương pháp dạy giá trị sống, kĩ năng sống. Giờ dạy các bộ môn không thể là giờ đọc chép hay “nhìn chép”, nó phải thiết thực, sôi động như chính cuộc sống.

Khi GV ý thức được những hạn chế, lỗi chuyên môn mắc phải thì bản thân cần tìm cách loại trừ, khắc phục để nâng cao hiệu quả nghề nghiệp. Mặt khác, đó cũng là cách để GV khẳng định năng lực bản thân, nâng cao lòng tin của xã hội đối với giáo dục. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ