Xử lý lạm thu cần nhìn vào căn nguyên

GD&TĐ - Mặc dù đã có nhiều giải pháp chấn chỉnh, nhưng lạm thu vẫn là trăn trở mỗi đầu năm học. Sai phạm phổ biến thường là lợi dụng việc thu, chi dưới danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh kêu gọi đóng góp tự nguyện; vận động quyên góp, tài trợ xây dựng trường trái quy định… dù văn bản quy phạm đã đầy đủ, rõ ràng.

Xử lý lạm thu cần nhìn vào căn nguyên

Một trong những nguyên nhân khiến lạm thu vẫn diễn ra dai dẳng là kinh phí hoạt động của các trường học còn khó khăn. Hiện nay, kinh phí này chủ yếu dựa trên nguồn thu từ ngân sách Nhà nước. Cơ cấu chi thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: Tối đa 82% chi lương, các khoản có tính chất lương; 18% chi giảng dạy, học tập, quản lý nhà trường. Tỷ lệ này chủ yếu mới chỉ bảo đảm trong năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách.

Các năm sau, khi thực hiện cải cách tiền lương, tỷ lệ chi lương và các khoản có tính chất lương tăng, nhưng chi hoạt động không được phân bổ tăng tương ứng. Chưa kể, trong thời kỳ ổn định ngân sách, các đơn vị dự toán còn phải thực hiện tiết kiệm chi khi nguồn thu khó khăn.

Khó nguồn kinh phí, ngân sách Nhà nước cấp cơ bản chỉ đủ chi lương và các khoản có tính chất lương; trong khi đó, để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục hằng năm, đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải được trang bị thêm phương tiện, thiết bị, trang trí lớp học, các công nghệ dạy học. Đây có thể nói là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng có những khoản thu ngoài quy định ở các trường trong những năm gần đây.

Để chấn chỉnh lạm thu, về phía Bộ GD&ĐT đã có nhiều giải pháp. Mới đây nhất có thể nói tới Công văn số 1052/KHTC ngày 18/3/2019 gửi các Sở GD&ĐT, yêu cầu chấn chỉnh dạy thêm, học thêm và hoạt động thu, chi chưa đúng quy định của Nhà nước; Công văn số 2976/KHTC ngày 15/7/2019 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu thực hiện chỉ đạo điều hành giá và các khoản thu trong các cơ sở giáo dục…

Trước đó, năm 2018, Thông tư quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân đã được Bộ GD&ĐT ban hành. Đây là căn cứ pháp lý giúp các cơ sở giáo dục quản lý hiệu quả, sử dụng đúng mục đích các nguồn tài trợ không thuộc nguồn ngân sách Nhà nước. Đồng thời, giúp nhà đầu tư yên tâm để ủng hộ, tài trợ và tham gia xây dựng cơ sở vật chất phù hợp thực tế tại cơ sở giáo dục.

Bộ GD&ĐT cũng đề xuất sửa Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021, để phù hợp với quy định thực hiện lộ trình tự chủ của các cơ sở giáo dục, khả năng đóng góp thực tế của người dân, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hằng năm và điều kiện của từng địa bàn dân cư.

Đặc biệt, Luật Giáo dục mới được Quốc hội thông qua ghi rõ: Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách Nhà nước. Với con số cụ thể của ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục trong Luật, hy vọng các cơ sở giáo dục sẽ được bố trí đủ kinh phí chi cho con người và chi phục vụ học tập, giảng dạy, góp phần giảm bớt tình trạng lạm thu thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, để chấn chỉnh lạm thu bắt buộc phải có sự vào cuộc trách nhiệm và quyết liệt của địa phương. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi; xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra lạm thu. Bản thân cha mẹ học sinh cũng cần nắm vững quy định để không thỏa hiệp với những khoản thu sai trong nhà trường. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.