Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cho việc đưa Chương trình, SGK mới vào giảng dạy

GD&TĐ - Bước vào năm học 2015 – 2016, các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc đã tích cực triển khai các giải pháp đổi mới GD&ĐT, có nhiều chính sách trong việc hỗ trợ học sinh, sinh viên, giáo viên vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học, huy động tối đa học sinh dân tộc thiểu số đến trường.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển giao nhiệm vụ tại hội nghị
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển giao nhiệm vụ tại hội nghị

Đây là đánh giá về những nỗ lực của ngành Giáo dục các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc (vùng thi đua số 1 các Sở GD&ĐT) trong Hội nghị giao ban lần thứ Nhất năm học 2015 – 2016 được tổ chức ngày 28/1, tại TP Tuyên Quang.

Tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Trong học kỳ I năm học 2015 - 2016, Sở GD&ĐT các tỉnh đã tích cực tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền đẩy mạnh các giải pháp đổi mới GD&ĐT đã đề ra trong Chương trình hành động của Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch hành động của các cấp chính quyền triển khai Nghị quyết số 29 của BCH T.Ư Đảng khóa XI; Tập trung đề xuất các giải pháp phát triển giáo dục phù hợp với thực tế của địa phương và giải quyết kịp thời những khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong giáo dục;

Năm học này quy mô mạng lưới các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú của các tỉnh trong vùng tiếp tục được quy hoạch, mở rộng đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân các dân tộc trong vùng, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc.

Các tỉnh Bắc Kạn, Lào Cai, Quảng Ninh, Sơn La, Hà Giang, Bắc Giang đã tham mưu cho Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các Nghị quyết về hỗ trợ và khuyến khích GD&ĐT; Tập trung ưu tiên phát triển trường lớp và nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; triển khai thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014-2015 và lộ trình đến năm 2020.

Hội nghị giao ban lần thứ Nhất năm học 2015 – 2016 vùng thi đua số 1
 Hội nghị giao ban lần thứ Nhất năm học 2015 – 2016 vùng thi đua số 1

Các tỉnh trong vùng đã tích cực triển khai sáng tạo, có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm làm chuyển biến rõ rệt về chất lượng giáo dục toàn diện; Tập trung bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục;

Tăng cường các biện pháp nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức các hội thi để nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên các cấp đáp ứng yêu cầu và thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục; đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Đẩy mạnh đổi mới kiểm tra, đánh giá

Ở cấp tiểu học tiếp tục thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30; Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam (GPE - VNEN); tiếp tục quản lý và thực hiện có hiệu quả việc dạy học theo mô hình Dự án, trong đó chú trọng các giải pháp tăng cường tiếng Việt, nhất là việc dạy học theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục để đảm bảo học sinh lên lớp 2 đạt chuẩn năng lực tiếng Việt.

Cấp trung học cơ sở triển khai dạy học mô hình trường học mới - Việt Nam; các sở GD&ĐT đã tổ chức tốt hoạt động trải nghiệm sáng tạo, cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh; thực hiện sinh hoạt, trao đổi, quản lý các hoạt động chuyên môn qua mạng internet trên trang "Trường học kết nối"; tổ chức triển khai các phương pháp dạy học tích cực; tăng cường kỹ năng thực hành và vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh...

Học kỳ vừa qua, các Sở GD&ĐT đã đẩy mạnh thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá; chú trọng công tác xây dựng ngân hàng đề thi đảm bảo được tính khách quan trong kiểm tra đánh giá học sinh và phản ánh được thực trạng công tác dạy và học từ đó đề ra giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Ngay từ đầu năm học, các Sở đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các đơn vị tổ chức các kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; Đã tổ chức thi chọn học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, chuẩn bị tốt cho kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm 2016;

Đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, chuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi năm 2016; Tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác khảo thí và kiểm định chất lượng của các phòng GD&ĐT và các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tự đánh giá theo Bộ tiêu chuẩn.

Chuẩn bị tốt các điều kiện cho đổi mới GD&ĐT

Các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc tiếp tục nhân rộng có hiệu quả mô hình trường học mới - VNEN
 Các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc tiếp tục nhân rộng có hiệu quả mô hình trường học mới - VNEN

Giao nhiệm vụ hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đề nghị các Sở GD&ĐT trong học kỳ cuối của năm học chuẩn bị tốt những điều kiện cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016; Tiếp tục tập trung đổi mới công tác quản lý giáo dục, công tác thanh tra, tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất cho các cấp học, đặc biệt là các trường vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa;

Quan tâm đến công tác giáo dục dân tộc, triển khai dạy và học Tiếng Việt theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 – CNGD, chú trọng giữ vững và phát huy các thành quả phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, THCS; chuẩn bị tốt Tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi cùng các điều kiện khác để các em sẵn sàng bước vào lớp 1 đầu cấp.

Ở phổ thông, chuẩn bị tốt các điều kiện để đón đầu việc đưa CT, SGK vào giảng dạy năm 2018; Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các nhà trường, nhân rộng mô hình trường học mới – VNEN, các tỉnh có mô hình trường học mới ở THCS tiếp tục chú trọng triển khai, xây dựng mô hình trường học gắn với địa phương;

Tiếp tục triển khai cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh Trung học, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh; tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh các cấp; đẩy mạnh đổi mới phương pháp theo hướng dạy học tích cực; triển khai “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân từ nay đến năm 2020”;

Đặc biệt là dạy Tiếng Anh gắn với việc phát triển văn hóa, du lịch của địa phương; Công tác giáo dục thường xuyên chú trọng vào đẩy mạnh xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, đẩy mạnh các hoạt động nâng cao văn hóa đọc cho học sinh các cấp và cộng đồng. Tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền và phối kết hợp với các Sở, ngành đẩy mạnh công tác giáo dục chuyên nghiệp, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn đào tạo nhân lực tại chỗ cho địa phương.

Toàn vùng Trung du miền núi phía Bắc có 740 trường phổ thông dân tộc bán trú, gồm 295 trường tiểu học, 445 trường trung học cơ sở. Một số tỉnh có số trường phổ thông dân tộc bán trú cao như Hà Giang, Lào Cai (115 trường), Điện Biên (118 trường). Các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Sơn La, Cao Bằng tiếp tục vừa cải tạo, sửa chữa năng cấp cơ sở vật chất của các trường tiểu học, THCS cũ để đáp ứng yêu cầu chăm sóc, tổ chức bán trú cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ