Khủng hoảng tuổi dậy thì
Theo kết quả thảo luận tại Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt, với hơn 100 phụ huynh thì chỉ có khoảng 35% phụ huynh giải thích và dễ dàng chấp nhận việc tuổi dậy thì nảy sinh hiện tượng “gần bạn – xa mẹ”. Con số còn lại cho thấy chính các bậc cha mẹ cũng chưa thật sự chấp nhận những biến đổi tâm lý của con mình, vẫn còn khá cảm tính và chủ quan hay có khuynh hướng đè ép mọi thứ theo ý kiến của mình nếu như không muốn nói có phần chủ quan và độc đoán trong việc giáo dục con cái...
Tiếp xúc với các bậc phụ huynh có con tuổi “ổi ương”, không ít lời ca thán rằng, con gái vốn là đứa trẻ tình cảm nhưng giờ bỗng thay tính đổi nết đã biết “chống đối” lại cha mẹ hay cậu trống choai trước vốn là bạn thân của cha/mẹ, giờ lại xa cách – không còn thường xuyên kể lể chuyện trường lớp, bạn bè… lúc nào cũng bí mật, úp mở, thậm thụt khi nghe điện thoại hay nói chuyện với bạn. Nhiều cha mẹ thốt lên rằng: “Sao ngày học cấp 1 con ngoan, học giỏi nhưng bây giờ tự nhiên như vậy” hoặc “Sao trước kia con nhiều bạn thế mà bây giờ thì bị tẩy chay và thu mình”….
Chị Lê Thu Huyền, giảng viên Học viện Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) cho biết: “Con trai bắt đầu vào lớp 6 là ương bướng, nói năng thì cứ cộc lốc, nhắc nhở thì cháu cứ lùng bùng, có khi mẹ chưa nói con xong, con đã cãi xong. Tôi không hiểu vì sao cháu cứ chống đối tôi... mỗi lần nhắc việc học là y như chiến tranh xảy ra. Không ít lần tôi vào phòng riêng của cháu và sắp xếp sách vở cho con nhưng cậu bé cứ hét toáng lên... Không biết phải làm sao cho con nghe lời”.
Cần bắt kịp diễn biến tâm lý con trẻ
Theo chuyên gia Phạm Hiền, tâm lý tuổi dậy thì rất phức tạp và khó nắm bắt, đòi hỏi bố mẹ cần biết bắt nhịp với cảm xúc để hiểu con hơn. Để giúp trẻ kiểm soát, điều chỉnh được cảm xúc và hành vi của mình, cha mẹ cần có sự quan tâm sâu sát và sẻ chia đúng mực.
Một số trẻ đi qua tuổi dậy thì rất nhẹ nhàng, nhưng nhiều trẻ khác lại dễ bị tổn thương, dễ có những hành vi quá khích. Những lời dạy bảo của cha mẹ về mọi lĩnh vực: đạo đức, nghề nghiệp, tôn giáo, tình yêu, hôn nhân, cách cư xử đối với bạn trai, bạn gái... Những điều này không còn là những giáo điều luôn luôn đúng như các em vẫn nghĩ khi còn ở lứa tuổi nhỏ hơn nữa. Các em trở thành hoài nghi, thách đố, biện luận và chống đối.
Ở tuổi tiểu học môi trường ôn hòa hơn từ bạn bè, thầy cô… nhưng khi vào học cấp hai thì môi trường khốc liệt hơn bởi sự bè phái, chê bai, nói xấu, tẩy chay…, và phương pháp học khác nên khiến con lộ rõ nét những yếu kém trong sự không bắt nhịp được và từ đó rơi vào trạng thái thụ động, thậm chí bất cần.
Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền cho rằng, khi cha mẹ không lường trước sự phát triển tâm lý của các con, những áp lực của các con trong độ tuổi này nên đã làm thui chột đi sự phát triển toàn diện của con, thậm chí khiến cho con đi đến sự buông xuôi, hay có tư duy chống đối bởi chính cha mẹ cũng chưa nhìn ra thực sự con mình đang là ai, có thể là ai, muốn gì, cần gì… trong cuộc sống ngày càng hiện đại nhưng phức tạp này.
Chuyên gia tâm lý khuyên, phụ huynh nên khuyến khích con tham gia các hoạt động phù hợp với lứa tuổi và định hướng cho con về tình bạn. Bố mẹ cần có thái độ trung thực, thẳng thắn khi trao đổi với con những kiến thức liên quan đến vấn đề dậy thì để giúp con ổn định về mặt tâm lý. Bố mẹ cũng cần phải có sự phối hợp với giáo viên của con để theo dõi thái độ, hành vi, cư xử của con ở trường. Bên cạnh đó vẫn chăm sóc trẻ theo cách bình thường mà bạn dành cho con và đừng đột ngột thay đổi cách đối xử với con. Sự bao dung, độ lượng của bạn sẽ khiến con bạn tôn trọng bạn hơn. Hãy luôn cố gắng là tấm gương của trẻ để có thể tâm phục khẩu phục bạn.