Chuẩn bị mọi nguồn lực cho năm học mới

GD&TĐ - Song song với công tác tuyển sinh, các cơ sở đào tạo trên địa bàn TP Cần Thơ đã và đang chuẩn bị nguồn lực phục vụ dạy học và nghiên cứu khoa học năm học mới 2016 - 2017.  

Chuẩn bị mọi nguồn lực cho năm học mới

Tạo lực hút với thí sinh

TP Cần Thơ hiện có 5 trường đại học (ĐH), một phân hiệu ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, 6 trường cao đẳng (CĐ); đó là chưa kể hệ thống các trường trung cấp, nghề trên địa bàn thành phố. Mùa tuyển sinh năm 2016, bên cạnh tăng chỉ tiêu, thêm ngành học mới, các trường còn thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, học bổng đối với HSSV (nhất là tân HSSV).

Bên cạnh việc áp dụng đầy đủ chế độ chính sách, miễn giảm học phí cho SV theo quy định, Trường ĐH Cần Thơ dành kinh phí khá lớn để cấp học bổng cho SV học giỏi và trợ cấp, cấp học bổng cho SV nghèo, học giỏi hoặc gặp khó khăn đột xuất, từ nguồn vận động tài trợ. Hằng năm, trường có hơn 4.000 lượt SV nhận học bổng. Tuyển sinh năm 2016, Trường ĐH Cần Thơ cấp học bổng khuyến khích học tập (trị giá là học kỳ I, năm học 2016 - 2017) cho thí sinh thuộc diện ưu tiên xét tuyển nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường.

Đối với Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, các tân sinh viên đạt thủ khoa ngành năm 2016 sẽ được miễn học phí học kỳ đầu tiên năm thứ nhất và được tiếp tục hưởng chính sách này nếu kết quả học tập ở các học kỳ tiếp theo đạt từ giỏi trở lên.

Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ cũng vừa ban hành Quy định chính sách học bổng đối với HSSV hệ chính quy của trường. Theo đó, trường có 3 loại học bổng khuyến khích gồm: Học bổng khuyến khích học tập; học bổng chính sách và học bổng chính sách nội trú dành cho HSSV.

TS Đỗ Thị Tuyết Nhung - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ - cho biết: 3 đối tượng thụ hưởng chính sách học bổng khuyến khích học tập gồm: HSSV có thành tích tốt trong học tập và rèn luyện; HSSV đạt thành tích cao trong các đợt sơ kết, tổng kết thi đua học kỳ, năm học và các kỳ thi khác do địa phương, khu vực, quốc gia tổ chức; thủ khoa các ngành học bậc cao đẳng trong kỳ tuyển sinh mỗi năm. Trong đó, trường dành khoản kinh phí đáng kể để trao học bổng cho HSSV thủ khoa các ngành học bậc CĐ trong kỳ tuyển sinh hằng năm.

Căn cứ kết quả tuyển sinh Kỳ thi THPT quốc gia, dựa trên tổng số điểm thi các môn trong tổ hợp lựa chọn xét tuyển theo ngành thuộc bậc CĐ, trường cấp cho mỗi thủ khoa ngành một suất học bổng có giá trị bằng học phí học kỳ I năm học đầu tiên. Dự kiến năm nay, trường dành khoảng 40 triệu đồng cho tân HSSV đạt thủ khoa các ngành.

Tập trung cho nguồn lực

Bên cạnh công tác tuyển sinh, các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố đã và đang chuẩn bị nguồn nhân lực, vật lực phục vụ cho năm học mới 2016 - 2017. Thời gian qua, Trường ĐH Cần Thơ đã và đang đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và nghiên cứu khoa học; củng cố và hoàn thiện chương trình đào tạo mới; mở rộng quy mô đào tạo ĐH, sau ĐH, nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ… Đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên học tập nâng cao trình độ.

Theo PGS.TS Lê Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ: Hiện nay, vấn đề quan trọng là tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Bên cạnh nguồn ngân sách, nhiều cán bộ, giảng viên trường tranh thủ “săn” học bổng các tổ chức quốc tế để có thể học tập, nâng cao trình độ. Hiện Trường ĐH Cần Thơ có hơn 2.000 cán bộ, viên chức và người lao động. Trong đó, trên 86% cán bộ có trình độ sau ĐH. Đây là lực lượng quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cũng như thực hiện hiệu quả Dự án “Nâng cấp Trường ĐH Cần Thơ thành trường ĐH xuất sắc về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ” bằng nguồn vốn ODA.

Tại thời điểm này, các trường: ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, CĐ Cần Thơ, CĐ Nghề Cần Thơ… đã sẵn sàng cho năm học mới. Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ không chỉ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị thực hành phục vụ dạy học, trường còn tổ chức Hội thi giảng viên giỏi cấp trường để giảng viên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy. Bên cạnh đó, cán bộ giảng viên nhà trường còn cập nhật, bổ sung kiến thức để chương trình đào tạo sát với thực tế, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của nhà tuyển dụng…

Trường hiện có hơn 200 cán bộ, giảng viên (trong đó có trên 90% giảng viên có trình độ sau ĐH), có 44 viên chức học sau ĐH (trong đó có 29 nghiên cứu sinh), đảm bảo đáp ứng phục vụ hơn 6.000 HSSV.

TS Đỗ Thị Tuyết Nhung chia sẻ: “Bên cạnh nguồn lực, trường đang chuẩn bị các điều kiện phục vụ việc đăng ký xét tuyển thí sinh vào trường. Đồng thời tổ chức sinh hoạt chuyên môn về công tác giảng dạy, cố vấn học tập, quy chế mới… giúp cán bộ, giảng viên chuẩn bị tâm thế tốt nhất để bước vào năm học mới”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ