Chuẩn bị kỹ tâm lý cả khi du học và lúc trở về

GD&TĐ - Hiện nay, nhiều học sinh trong quá trình học phổ thông đã xây dựng kế hoạch cho bản thân sau khi tốt nghiệp THPT sẽ đi du học.

Chị Võ Hoài Phương, làm việc tại Công ty Công nghệ Giáo dục Fidutech (cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm Quốc gia Moscow, Liên Bang Nga). Ảnh: NVCC
Chị Võ Hoài Phương, làm việc tại Công ty Công nghệ Giáo dục Fidutech (cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm Quốc gia Moscow, Liên Bang Nga). Ảnh: NVCC

Theo đó, ngoài kiến thức vững chắc, người học phải tìm hiểu văn hóa, chương trình đào tạo cũng xây dựng lộ trình cụ thể để hòa nhập và đạt được hiệu quả trong môi trường sinh sống, học tập mới.

Nỗ lực phấn đấu khi du học

Là một du học sinh trở về nước sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, chị Võ Hoài Phương, làm việc tại Công ty Công nghệ Giáo dục Fidutech (cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm Quốc gia Moscow, Liên bang Nga) chia sẻ, mỗi quốc gia có một nền văn hóa, cách giáo dục khác nhau. Do vậy trước khi đặt chân đến một đất nước khác học tập, các bạn cần tìm hiểu văn hóa nước đó để tránh gặp phải những tình huống sốc văn hóa hay có hành động không phù hợp.

Song song với đó, các bạn cần tham khảo trước ngành học của mình nhằm có những chuẩn bị cần thiết, hiểu biết về văn hóa, ngôn ngữ và lượng kiến thức nền móng trước khi đi du học.

Chị Hoài Phương gợi ý: “Các bạn có thể xin lời khuyên, tư vấn từ anh chị đi trước trên các hội, nhóm du học để có thông tin thực tế về ngôi trường mình sắp học. Một yếu tố nữa cũng cần quan tâm đó là bạn bè. Khi đi du học, cuộc sống xa gia đình, người thân sẽ dễ sa ngã vào cám dỗ nếu bạn không đủ bản lĩnh. Tìm được những người bạn tốt, đáng tin cậy để kết giao, có ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần, giúp bạn có những suy nghĩ tích cực, vững vàng hơn trong quá trình học tập”.

Tương tự, bà Trần Phương Hoa - Tổng Giám đốc Tổ chức giáo dục Summit chia sẻ: “Học sinh muốn đi du học cần chuẩn bị cho bản thân các hành trang, trong đó quan trọng nhất là có trình độ ngoại ngữ vững chắc. Ngoại ngữ không chỉ để đạt kết quả thi chứng chỉ tốt nhằm trúng tuyển vào trường mà còn giúp các em nhanh chóng hòa nhập, thích nghi trong môi trường mới, tiếp cận với các kiến thức thuận lợi nhất, nâng cao khả năng tìm được cơ hội thực tập, việc làm sau tốt nghiệp.

Vì vậy, ngay từ hai, ba năm trước thời điểm du học, phụ huynh và học sinh nên tìm hiểu chi tiết về quốc gia mình dự định hướng đến nhằm chuẩn bị hồ sơ, tâm lý và các kiến thức kĩ năng cần thiết”.

“Phụ huynh có thể cho con tham gia một khóa học hè hoặc đi du lịch tới quốc gia mà mình quan tâm để con trải nghiệm và cân nhắc xem có phù hợp với việc du học ở đó hay không. Đặc biệt, học sinh nên tham gia hoạt động ngoại khóa ở bậc phổ thông để biết cách cân bằng cuộc sống trong và ngoài trường học, phát triển kỹ năng làm việc nhóm, tăng cường tính chủ động, sự tự tin khi ra ngoài. Bên cạnh đó, các em nên trau dồi cho mình nhiều kỹ năng khác như tự học, sắp xếp thời khóa biểu, giao tiếp… để hòa nhập, thích nghi tốt”, bà Hoa gợi ý.

Bà Phương Hoa cũng chỉ ra những thách thức mà du học sinh phải đối mặt khi ra nước ngoài như sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa. Theo đó, các bạn phải làm quen, từ cách chào hỏi, kết thân hay giải quyết mâu thuẫn. Ngoài ra, các bạn cũng nên nắm rõ những điểm cơ bản về pháp luật nước sở tại, các nội quy của trường học để đảm bảo an toàn cho bản thân, tránh gặp hậu quả vì những điều không nên làm.

Ví dụ, quy định sinh viên không làm thêm “chui” khi đang đi học hay những hình phạt rất nghiêm khắc cho việc đạo văn hay trích dẫn thông tin không có nguồn… Du học sinh cũng cần nắm rõ các quy định liên quan đến duy trì visa sinh viên, số tín chỉ tối thiểu cần học, số giờ làm việc tối đa trong/ ngoài trường…

Bà Phương Hoa nhấn mạnh: “Quá trình học tập ở nước ngoài đòi hỏi tính tự lập cao trong việc nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức. Do đó, các bạn không quen với việc chuẩn bị bài trước khi lên lớp, phân bổ thời gian làm bài nhiều ngày trước hạn, tự đặt câu hỏi, hẹn lịch gặp với giáo sư và trợ giảng... sẽ gặp khó khăn khi bắt nhịp với bạn bè đồng trang lứa”.

Bà Trần Phương Hoa - Tổng giám đốc Tổ chức giáo dục Summit. Ảnh NVCC.

Bà Trần Phương Hoa - Tổng giám đốc Tổ chức giáo dục Summit. Ảnh NVCC.

Chuẩn bị kỹ tâm lý khi trở về

Với kinh nghiệm của mình, chị Hoài Phương chia sẻ, sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài và có ý định trở về nước làm việc, các bạn cần chuẩn bị cho mình một định hướng rõ ràng về môi trường làm việc, mức lương cũng như những yêu cầu của các nhà tuyển dụng ở Việt Nam.

Ví dụ, nhiều bạn du học sinh sau khi trở về nước thường mơ mộng quá nhiều về mức lương mình có thể nhận được cao hơn các bạn trong nước và cho rằng tấm bằng sẽ “có giá” hơn học trong nước... Tuy nhiên, nhà tuyển dụng sẽ dựa trên những đóng góp thực tế của các bạn cho công ty để đánh giá và đưa ra mức lương phù hợp.

Nếu bạn làm việc không tốt, không linh hoạt, xử lý tình huống kém thì bạn chắc chắn không được đánh giá cao. Điều mà các nhà tuyển dụng cần là kinh nghiệm, năng lực thực tế của bạn chứ không phải tấm bằng tốt nghiệp ở nước ngoài.

“Chính vì vậy, du học sinh đừng nghĩ mình sẽ giỏi hơn các bạn học ở trong nước mà đòi hỏi những ưu đãi tốt hơn. Dù có “học Đông học Tây” thế nào thì năng lực thực tế vẫn là thước đo mà nhà tuyển dụng coi trọng. Do đó, trong quá trình du học, hãy cố gắng tích lũy nhưng kĩ năng cần thiết trong ngành nghề, công việc mà bạn muốn theo đuổi sau này, đừng chỉ cố gắng để hoàn thành việc học và có một tấm bằng đẹp.

Bản thân tôi sau khi trở về nước bắt tay vào làm việc, với nhiều tình huống tôi còn tự ti và cảm thấy bản thân xử lý không nhanh và tốt bằng những bạn đồng nghiệp học trong nước.

Bởi các bạn ấy đã có thời gian thực tập, tìm hiểu thực tế và cọ xát với môi trường làm việc hiện tại từ khi còn là sinh viên, như vậy đó sẽ lợi thế hơn những du học sinh từ nước ngoài trở về. Vì vậy, bản thân tôi giai đoạn đầu mới về nước làm việc phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều để bắt nhịp được với môi trường thực tế”, chị Phương nhấn mạnh.

“Có những bạn học giỏi và thành công trong môi trường giáo dục ở Việt Nam nhưng khi du học lại không chịu được áp lực do những thay đổi, cảm giác cô đơn, nhớ nhà, áp lực bài vở, áp lực phải đạt điểm cao để giữ học bổng… Nếu không có khả năng cân bằng và kiểm soát tốt về cảm xúc, năng lượng, thời gian thì quá trình thích nghi của du học sinh sẽ rất vất vả. Do vậy, học sinh cần trang bị cho bản thân thật tốt các kỹ năng trước khi đi du học”, bà Trần Phương Hoa - Tổng Giám đốc Tổ chức giáo dục Summit chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ