Chuẩn bị gì để bước vào “thế giới bất định”

GD&TĐ - Trong cuốn sách “Tôi, Tương lai & Thế giới”, tác giả Nguyễn Phi Vân đã bày tỏ quan ngại về một thế giới bất định đã và đang diễn ra hiện nay. Đại ý tác giả nói, đây là thời kỳ mà điều kỳ lạ oái ăm nào cũng có thể xảy ra, cuộc Cách mạng 4.0 bỗng dưng lật nhào mọi khái niệm xưa cũ. 

Chuẩn bị gì để bước vào “thế giới bất định”

Sẽ ra sao khi máy móc “soán” ngôi con người?

Cách đây không lâu người ta vẫn có niềm tin rằng, gì thì gì vẫn có một số lĩnh vực máy móc không thể thay thế con người, đó là các lĩnh vực ngành nghề như: giáo viên, luật sư, bác sĩ, nông dân, nhà nghiên cứu khoa học. Nhưng những thông tin mà tác giả Nguyễn Phi Vân đưa ra trong cuốn sách của mình khiến mỗi chúng ta không khỏi giật mình lo lắng, khi máy móc đang dần thay thế con người trong các lĩnh vực công việc từ 30% - 60%. Như vậy, không một lĩnh vực nào máy móc không dần thay thế rồi tiến đến thay thế toàn bộ con người.

Trong “Thế giới bất định” biến chuyển hàng ngày này, nếu ta chỉ chuẩn bị cho mình một chuyên môn nhất định trong một khuôn khổ nào đó, dù thật chuyên sâu cũng chưa có gì làm đảm bảo. Phải hình dung rằng, hôm nay những công việc mình đang đảm đương không thể không cần người. Nhưng một lúc nào đó với sự tiến bộ của công nghệ, máy móc có thể thay thế và làm tốt hơn con người thì sao. Con người sẽ bị thừa ra, bị đào thải. Như vậy chúng ta phải chuẩn bị cho mình một lĩnh vực khác, một môi trường khác thay thế để có việc làm và làm việc tốt. Tốt hơn cả là không nên đạt mình vào thế chạy đua với máy móc mà phải vươn lên vị trí điều hành máy móc, vận hành máy móc theo yêu cầu của con người.

Chọn học gì và học như thế nào để thích nghi?

Giáo sư Trương Nguyện Thành của Đại học Utah – Hoa Kỳ cho rằng: Luật tiến hóa của vạn vật sẽ là tấm lưới chọn lọc những ai tồn tại. Đó không phải là người thông minh nhất, cũng không phải là người mạnh nhất hay nhanh nhất mà là người có khả năng thích nghi cao nhất. Để có thể thích nghi được với “Thế giới bất định” , theo tác giả Nguyễn Phi Vân, người đã sinh sống, học tập và làm việc tại hơn 80 quốc gia có lời khuyên rằng: Chúng ta phải sẵn sàng để trở thành “Công dân toàn cầu”, phải học các “Kỹ năng sinh tồn trong thế giới mới”, chúng ta phải không ngừng học, “Học cả đời” để hội nhập tương lai.

Mùa tuyển sinh Đại học đang đến gần. Học sinh cuối cấp THPT ở các nhà trường đang có rất nhiều băn khoăn về những điều cần chuẩn bị trong hành trang “bước lên con tàu 4.0”. Hơn bao giờ hết, mỗi học sinh cần nhận thức được, mình phải tự trang bị một số điều kiện được cho là không thể thiếu để có thể tự tin, sải bước tới tương lai. Trước tiên là thành thạo ngoại ngữ, nếu không chuẩn bị được 2,3 ngôn ngữ của những nền kinh tế lớn thì cũng phải sử dụng được ngôn ngữ thông dụng nhất là tiếng Anh để giao tiếp. Một nghiên cứu cho biết, tiếng Anh là ngoại ngữ được sử dụng tại hơn 100 quốc gia với hơn 1,5 tỷ người.

Tiếng Anh là chìa khóa để mở cửa tương lai, tuy thế, tiếng Anh mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ phải có chuyên môn nghề nghiệp vững vàng. Máy móc có thể giúp con người đẩy nhanh tiến độ công việc nhưng nó không thể thay thế bộ não của con người. Thêm một thực tế là, con người sử dụng máy móc trong công việc, nếu không vững vàng một nền tảng tri thức công nghệ thì sẽ hết sức khó khăn. Cho nên cần phải chuẩn bị trong hành trang cá nhân thời 4.0 một nền tảng kiến thức chuyên môn chắc chắn chứ không chỉ là tấm bằng cử nhân mang tính hình thức, trang trí.

Chuẩn bị tiếp theo là khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn. Bởi vì tiêu điểm của cuộc cách mạng 4.0 là công nghệ thông tin và Internet kết nỗi vạn vật, con người phải nắm được kiến thức khoa học để ứng dụng máy móc trong giao tiếp, điều hành máy móc giao tiếp với con người và vận hành máy móc giao tiếp với nhau.

Phải chuẩn bị các kỹ năng mềm thành thạo, đó là lợi thế hòa nhập với các mục tiêu làm việc. Trong cuộc sống hiện đại, các kỹ năng mềm luôn được đề cao. Các kỹ năng này sẽ quyết định bạn là ai, làm việc như thế nào và là thước đo hiệu quả công việc. Các nghiên cứu đã chỉ ra kỹ năng mềm sẽ chiếm 75% thành công của một con người còn kỹ năng cứng (chuyên môn, kiến thức) chỉ chiếm 25%. Biết kết hợp cả hai kỹ năng này sẽ giúp bạn nắm trong tay chìa khóa thành công trong công việc.

Vậy chọn học trường nào, ngành gì cho phù hợp? Hiện nay có nhiều các trường Đại học đã đón đầu xu hướng, mở ra các chuyên ngành đào tạo các kiến thức kỹ năng thiết thực trong tương lai. Không chỉ đào tạo chuyên sâu một lĩnh vực mà còn đào tạo liên ngành, tổng hợp nhiều lĩnh vực, rút ngắn thời gian đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng đã dạng phong phú cho người học. Ngoài việc lắng nghe tiếng nói sở trường của mình để chọn ngành học, chọn nghề tương lai thì học sinh thế hệ mới cần tìm hiểu lựa chọn các trường Đại học tiên tiến, các ngành học tổng hợp giúp con người có thể vững vàng trong thời đại máy.

Có thể tranh thủ thời gian để trang bị cho mình nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết bằng các khóa học ngắn hạn, bằng các chương trình đào tạo từ xa, tiếp cận để có được những chứng chỉ đào tạo chuẩn quốc tế. Điều quan trọng là phải thực học và vận dụng vào thực tế, để những gì học được không chỉ là “lí thuyết màu xám” mà phải đem lại kết quả xanh tươi. Đó là một vài góp ý để các bạn học sinh suy nghĩ thêm về việc chọn học gì khi mùa tuyển sinh vào các trường Đại học đang đến gần.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ