Chuẩn bị đồng bộ các điều kiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông

Chuẩn bị đồng bộ các điều kiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông

(GD&TĐ) - Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực hạn hẹp, được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, với những nỗ lực của đội ngũ nhà giáo và học sinh, giáo dục phổ thông (GDPT) đã đạt những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

->> Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: Những nhân tố mới xuất hiện không còn là cá biệt
->> Các chuyên gia góp ý về chương trình, SGK phổ thông
c
GS Đào Trọng Thi phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Đó là đánh giá tại dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa (CT - SGK) giáo dục phổ thông (GDPT)  của Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (Ủy ban VHGDTNTN&NĐ) tại hội nghị lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo báo cáo nói trên tổ chức ngày 15/7 tại Hà Nội - Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ Đào Trọng Thi chủ trì hội nghị. Đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tham dự, phát biểu, lắng nghe ý kiến tham vấn.

CT-SGK phổ thông có những đổi mới tích cực

Theo báo cáo giám sát, nhìn chung, việc biên soạn CT - SGK được tiến hành theo quy trình chặt chẽ trên cơ sở kế thừa và phát huy những kinh nghiệm trong nước cũng như có sự tham khảo, cập nhật các kết quả nghiên cứu về phát triển CT của một số nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; đồng thời đã huy động được nhiều nhà khoa học, nhà sư phạm, cán bộ quản lý, giảng viên sư phạm và giáo viên giỏi tham gia vào quá trình biên soạn và thí điểm. Công tác thí điểm và tổ chức thẩm định CT - SGK GDPT được tiến hành nghiêm túc.

CT được xây dựng với đầy đủ các thành tố cơ bản là mục tiêu giáo dục, chuẩn kiến thức, phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục, định hướng phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục; đã chú ý đến tính liên thông theo nguyên tắc kế thừa và phát triển; đã chú ý đến giáo dục toàn diện; đã xây dựng được chuẩn kiến thức, kỹ năng mỗi cấp học, các môn học làm căn cứ thống nhất trong chỉ đạo, quản lý…

Nội dung SGK nhìn chung đã đảm bảo hệ thống chuẩn kiến thức và kỹ năng được quy định trong CT môn học, cơ bản đảm bảo tính chính xác, khoa học, tương đối cập nhật, phù hợp với thực tiễn nước ta. Phần lớn SGK đã xác định rõ những vấn đề trọng tâm ở từng bài, từng chương; thiết kế, trình bày có hệ thống theo cấu trúc đường thẳng hoặc đồng tâm, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, trình độ nhận thức của học sinh. Hình thức của nhiều cuốn sách có giá trị thẩm mỹ cao, kết hợp hài hòa kênh hình, kênh chữ, cỡ chữ, màu sắc sinh động…

Bên cạnh đó, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và CT - SGK cũng như đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên về chất; tỷ lệ ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục liên tục tăng và giữ vai trò chủ yếu trong tổng nguồn lực đầu tư cho GDPT.

Tuy nhiên, báo cáo giám sát cũng nhận định, CT giáo dục hiện nay còn nặng về truyền đạt kiến thức, chưa chú trọng đúng mức rèn luyện tư duy sáng tạo, tự học, nghiên cứu; chưa cân đối giữa “dạy chữ” với “dạy người” và định hướng nghề nghiệp… Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ở nhiều trường học còn thiếu, lạc hậu và hiệu quả sử dụng hạn chế…

Một trong những yếu tố vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến động lực làm việc, từ đó chi phối chất lượng dạy học là đời sống giáo viên. Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng theo dự thảo báo cáo giám sát, thực tế hiện nay, chính sách đã ngộ đối với giáo viên chưa đồng bộ, đủ mạnh nên chưa có tác động tích cực trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. Tiền lương là nguồn thu nhập duy nhất của giáo viên nên cùng với quá trình lạm phát, giá trị thu nhập thực tế qua lương của đại bộ phận giáo viên còn thấp; cơ chế chi trả lương, nâng lương đối với giáo viên chưa thực sự gắn với hiệu quả công việc và chưa đảm bảo việc chăm lo chu đáo đời sống vật chất tinh thần của đội ngũ giáo viên…

Cần gì cho CT-SGK giáo dục phổ thông sau 2015?

GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh: CT - SGK phải được thiết kế, xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, tuyệt đối không được thoát ly thực tiễn. Nếu không làm được điều này, CT-SGK đó sẽ không khả thi và như vậy, không đáp ứng được yêu cầu.

Còn theo PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, CT - SGK phổ thông sau năm 2015 phải là chương trình đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDPT thời kỳ CNH - HĐH đất nước trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Vì vậy, cần có sự đổi mới về quan điểm GDPT, nhận thức đúng về vai trò, vị trí của GDPT trong hệ thống giáo dục là giáo dục nền tảng với mục tiêu hình thành và phát triển nhân cách con người.

“Tổ chức triển khai thay SGK sau 2015 cần chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị, đồ dùng dạy học; tổ chức bồi dưỡng giáo viên về CT - SGK mới; giao cho các trường sư phạm đào tạo lại giáo viên về phương pháp dạy học, phương pháp giáo dục” - PGS.TS Trần Thị Tâm Đan nhấn mạnh.

GS.TS Nguyễn Đức Chính (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG HN) thì cho rằng: Với chương trình GDPT hiện tại, chỉ cần cấu trúc lại theo hướng hình thành năng lực, tích hợp, phân hóa, kế tục và liên thông. Điểm cốt lõi là hướng dẫn thực hiện chương trình sao cho giáo viên không còn lên lớp để truyền đạt kiến thức mà để tổ chức các hoạt động cho học sinh và thông qua đó, học sinh sẽ tự tạo kiến thức cho mình. Trong quá trình này, kiểm tra, đánh giá phải được sử dụng như một công cụ để dạy học chưa không phải chỉ để đánh giá kết quả cuối cùng của học sinh.

Khẳng định đổi mới CT -SGK phổ thông là cần thiết, GS.TS Nguyễn Đình Hương lưu ý, đây là việc làm hệ trọng, cần phải chuẩn bị khẩn trương nhưng chu đáo, hiệu quả vì nó gắn chặt với trình độ giáo viên và học sinh, liên quan đến hàng triệu người và hàng trăm đối tượng khác nhau. Đổi mới CT - SGK phổ thông phải lấy hệ thống các trường sư phạm làm nòng cốt, không để các trường sư phạm đứng ngoài cuộc như vừa qua.

“Các trường sư phạm không chỉ làm nòng cốt đổi mới CT - SGK phổ thông mà đây là nơi đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên thực hiện đổi mới CT - SGK phổ thông. Vì vậy, các trường này phải là lực lượng chủ công cần được huy động và đầu tư thỏa đáng” - GS.TS.Nguyễn Đình Hương nhấn mạnh.

Đồng ý quan điểm sư phạm phải đi trước, nhưng Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng sự đi trước đó phải trên cơ sở một số nguyên tắc căn bản của đổi mới chương trình phổ thông đã có, đã được kết luận.

Nguyễn Nhung

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ