Phượng sinh năm 1978, quê Nam Định, tốt nghiệp thạc sĩ ở Nga về lĩnh vực dầu khí, hiện chị làm kỹ sư cao cấp cho một công ty nước ngoài tại Việt Nam.
Sau nhiều năm làm việc cật lực, chị đã tậu được ôtô,nhà riêng ở TPHCM và Hà Nội. Được đồng nghiệp đánh giá cao bởi năng lực làm việc, ngoại hình ưa nhìn, sự tự tin, cá tính, song chị Phượng luôn cảm thấy chưa hạnh phúc bởi chưa tìm được "một nửa" phù hợp để yên bề gia thất.
Cả năm bận rộn với công việc ở TPHCM, chị Phượng chỉ tranh thủ mấy ngày Tết bay về quê thăm gia đình. Ấy vậy mà mỗi lần về nhà, đều nghe điệp khúc giục lấy chồng của bố mẹ, anh chị em, hàng xóm kiểu như "Bao giờ lấy chồng? Đã tìm được ai chưa? Người đâu đến nỗi nào mà ế nhỉ?...", khiến chị cảm thấy vô cùng nặng nề.
"Bạn bè cũ có con cái hết rồi. Bố mẹ cũng bảo con gái 35 tuổi rồi phải lấy chồng đi, không thì làm sao sinh nở được nữa, phụ nữ lớn tuổi khó sinh lắm làm mình chạnh lòng ghê gớm. Nhưng chồng đâu phải là mớ rau con cá, muốn là được" - Chị Phượng bộc bạch.
Hai tháng nay, chị Phượng đã đăng ký tài khoản trên một trang web mai mối online với mong muốn tìm được chàng trai tâm đầu ý hợp để tính chuyện trăm năm nhưng đến giờ vẫn chưa có kết quả. Chị thú thật dù rất muốn có chồng, nhưng không vì thế mà vội vàng vơ bèo vặt tép.
"Mình muốn tìm một người thực sự phù hợp và đồng điệu. Tết này chưa có nên mình định không về nhà, lấy lý do là công ty tổ chức tập huấn nên phải ở lại. Đón xuân xa nhà sẽ buồn lắm nhưng mình sợ bị nghehỏi "Bao giờ lấy chồng?" lắm rồi".
Trải lòng về chuyện tình cảm, Trung cho biết cách đây 5 năm, anh từng lên kế hoạch kết hôn với cô bạn gái kém anh 2 tuổi. Gần đến ngày cưới, phát hiện người yêu vẫn còn tình cảm và quan hệ với bạn trai cũ, anh quyết định hủy hôn.
"Đến tận bây giờ, tôi thực sự không còn niềm tin vào phụ nữ. Tôi luôn sợ chuyện đó lặp lại một lần nữa". Từ sau nỗi đau ấy, anh chưa yêu thêm ai dù có nhiều cô gái quan tâm ngỏ ý.
Anh Trung sinh năm 1980, làm trưởng phòng phân phối của một công ty kinh doanh về linh kiện, phụ kiện điện thoại tại Hà Nội cũng lên kế hoạch trốnTết vì mặc cảm kiếp độc thân.
Nhìn chàng trai với vẻ ngoài khôi ngô, tự tin, quần áo thẳng mượt, giầy đánh bóng, đầu tóc chỉnh tề, móng tay vuông vức không ai ngờ rằng anh đang khổ tâm vì chưa tìm được một người vợ ưng ý.
Trung bảo, bố ở quê thường xuyên gọi điện thúc cưới vợ và khuyến cáo đàn ông 35 là cái tuổi bản lề nên tính đến chuyện kết hôn nếu không sẽ muộn.
Đặc biệt với người quê Thái Bình, điều này càng quan trọng bởi văn hóa làng xã hay dè bỉu: "Tuổi ấy mà chưa có vợ chắc chắn là có vấn đề".
Bản thân mẹ anh cũng vì lo nên từ năm ngoái đến giờ liên tục giới thiệu cho con nhiều cô gái làng trên xóm dưới nhưng anh nằng nặc không chịu gặp mặt.
"Tết năm ngoái còn có hai cô gái là con của bạn mẹ đến nhà chơi để gặp mặt. Lúc đó tôi rất khổ tâm, người ta đến nhà một hai lần không sao chứ đến lần thứ 3 mà không thành đôi thì mang tiếng lắm. Họ lại cho là mình khó tính hay có vấn đề".
Anh Trung bảo, để tránh tình cảnh này lặp lại trong mùa Tết năm nay, anh đang có kế hoạch đi du lịch Trung Quốc, chỉ về nhà đúng ngày mùng một và hai. Nhóm du lịch Tết cùng anh có tới gần 10 người đều trong hoàn cảnh "ế".
Thúy Lệ làm việc ở Hà Nội, cách quê nhà Hải Dương chưa đầy 90 km, nhưng Tết này cô gái sinh năm 1987 quyết định chỉ về quê trước ngày giao thừa để đưa quà cho bố mẹ rồi nhanh chóng trở lại Hà Nội.
"Mình bảo phải trực tại cơ quan thay cho các chị đồng nghiệp, sau đó hết Tết mới về nhà bù để tránh bị hỏi thăm chuyện chồng con". Cô gái tuổi Mão cho biết đang nhờ đến dịch vụ kết nối online với hy vọng cuộc đời độc thân khép lại bằng một kết thúc có hậu cùng "bạch mã hoàng tử" nào đó.
Ông Nguyễn Tấn Đạt, quản lý một websitechuyên mai mối kết hôn có trên 200.000 thành viên tại Hà Nội cho biết, khoảng một tuần nay đơn vị này nhận được hàng trăm cuộc gọi của các thành viên "hội ế" tâm sự rằng muốn tránh về quê ngày Tết vì nhiều lý do khác nhau.
Thống kê dữ liệu trong hồ sơ đăng ký cho thấy đặc điểm chung của các thành viên này đều là người có học thức, thu nhập và địa vị xã hội cao, hơn 80% là trưởng phòng trở lên, song vẫn chưa tìm được ý trung nhân.
Cụ thể từ đầu tháng đến nay, trung tâmnhận được hơn 100 hồ sơ đăng ký tìm bạn đời để đi đến kết hôn gấp. Con số này không ngừng gia tăng, dự kiến đến cận Tết Nguyên Đán sẽ có khoảng hơn 200 người, tăng trên 200% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khảo sát trên các website cung cấp dịch vụ mai mối qua mạng cho thấy, xu hướng kết hôn muộn ngày càng nở nộ, đặc biệt trong giới trí thức văn phòng. Độ tuổi càng cao thì khả năng tìm kiếm một người bạn đời phù hợp càng khó.
"99% những đối tượng độc thân, kết hôn muộn đều ý thức được rằng phải tìm người để đi đến kết hôn. Tuy vậy, ảnh hưởng từ gia đình, xã hội mới là động lực chính giúp họ thực hiện điều đó chứ không phải từ chính bản thân họ" - Ông Đạt nhận xét.