Chữa ung thư ở Việt Nam: Những phương pháp nào đáng tin cậy?

- Ngoài việc thông tin về 4 phương pháp chính thống đang được áp dụng chữa bệnh ung thư ở Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện K - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư Trần văn Thuấn còn chia sẻ quan điểm về các phương pháp khác như thực dưỡng Ohsawa; kiềm hóa máu hay kiêng thịt, sữa...

Chữa ung thư ở Việt Nam: Những phương pháp nào đáng tin cậy?

Khi phát hiện ra bị mắc bệnh ung thư, bệnh nhân chắc chắn sẽ vô cùng hoang mang, không biết mình sẽ phải điều trị như thế nào và làm thế nào là tốt nhất. Họ cũng thường có suy nghĩ "có bệnh thì vái tứ phương", vừa tốn kém, chưa chắc đã hiệu quả mà có khi còn bỏ qua "giai đoạn vàng" chữa khỏi bệnh.

PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư đã chia sẻ với phóng viên về vấn đề này.

Chua ung thu o Viet Nam: Nhung phuong phap nao dang tin cay? - Anh 1

Giám đốc viện K Trần Văn Thuấn

4 phương pháp chính thống chữa bệnh ung thư

Theo PGS Trần Văn Thuấn, hiện nay có thể chia các phương pháp điều trị ung thư thành 4 nhóm chính, các phương pháp này đã được thử nghiệm, có minh chứng rõ ràng và đã được các trung tâm ung thư trên toàn thế giới áp dụng.

Cụ thể, điều trị phẫu thuật là phương pháp được chỉ định cho ung thư giai đoạn khối U khu trú. Phẫu thuật là phương pháp hiệu quả nhất để điều trị triệt căn ung thư giai đoạn sớm.

Điều trị xạ trị là sử dụng tia bức xạ ion hóa để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị là phương pháp căn bản và thiết yếu để điều trị ung thư. WHO xếp xạ trị là một trong các phương pháp quan trọng nhất để điều trị và kiểm soát ung thư. 50-70% bệnh nhân ung thư có chỉ định xạ trị. Chỉ định xạ trị tùy theo loại ung thư, giai đoạn bệnh, type mô bệnh học... Xạ trị có thể tiến hành điều trị đơn thuần hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật, hóa chất.

Điều trị hóa chất là sử dụng các thuốc gây độc tế bào nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Tất nhiên, độc cho tế bào ung thư nhiều hơn độc cho tế bào lành của cơ thể. So với hiệu quả đem lại, các tác dụng phụ do hóa trị là có thể chấp nhận và kiểm soát được. Hóa trị chỉ định chủ yếu cho ung thư giai đoạn di căn, sau đó là vai trò bổ trợ cho ung thư giai đoạn khu trú sau điều trị tại chỗ, có nguy cơ cao tái phát di căn.

Điều trị nhắm đích (Targeted therapy) là sử dụng các thuốc ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của tế bào ung thư bằng cách cản trở các phân tử đặc hiệu liên quan đến quá trình sinh ung thư và sự phát triển của khối u. Bởi vì các nhà khoa học gọi các phân tử này là phân tử đích (moleculer targets), nên các phương pháp điều trị ngăn cản chúng gọi là điều trị nhắm đích phân tử (moleculerly target therapies). Bao gồm các kháng thể đơn dòng (monoclonal antibody – mab) và các thuốc phân tử nhỏ (small-molecule drugs, inhibitor – ib).

Những phương pháp không có cơ sở

Trả lời phóng viên về quan điểm đưa ra điều trị ung thư bằng phương pháp thực dưỡng của GS. Ohsawa theo quy luật cân bằng âm dương, PGS Thuấn cho biết: Phương pháp thực dưỡng Ohsawa cũng như một hình thức ăn chay. Nhìn tổng thể những người ăn chay do không ăn thịt nên sẽ ăn nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc hơn những người ăn bình thường. Nếu đảm bảo đầy đủ năng lượng thì đây cũng là chế độ ăn tốt vì ăn nhiều rau, hoa quả, từ lâu đã được khoa học y học thừa nhận dự phòng một số một số loại ung thư, đặc biệt ung thư đại trực tràng.

“Tuy nhiên, chế độ ăn chưa bao giờ được thiết kế nghiên cứu như một phương pháp điều trị đặc hiệu ung thư. Do vậy lựa chọn chế độ ăn nào đó và coi đó là phương pháp điều trị ung thư là một sai lầm và dĩ nhiên sẽ không mang lại hiệu quả” – Giám đốc Bệnh viện K khẳng định.

Về quan điểm không ăn thịt, đường, sữa để không nuôi tế bào ung thư phát triển được, PGS Thuấn cũng cho rằng, đây là quan điểm không có cơ sở khoa học, Theo ông, với bệnh nhân ung thư, các bác sĩ thường khuyên ăn chế độ đầy đủ chất dinh dưỡng bao gồm vitamin, nước, khoáng chất, đường, đạm, chất béo. Ngoài ra cần giữ cân năng hợp lý, hạn chế uống rượu, không hút thuốc lá và tập thể dục đều đặn.

“Một số khuyến cáo hướng dẫn nên ăn chủ yếu các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, chứ không phải hoàn toàn kiêng thịt, cắt bỏ hoàn toàn thịt trong khẩu phần ăn hàng ngày. Nếu người bệnh muốn chọn chế độ ăn chay, phải đảm bảo rằng đây là một chế độ ăn chay lành mạnh, đa dạng, phong phú và cung cấp đầy đủ năng lượng. Nếu người bệnh không được cung cấp đủ năng lượng sẽ dẫn đến gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khỏe để chống chọi với bệnh tật cũng như không đáp ứng được các phương thức điều trị ung thư đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị” – PGS Trần Văn Thuấn lưu ý.

Gần đây, mạng xã hội đang lan truyền phương pháp kiềm hóa máu vào cơ thể để trị ung thư; dùng sodium bircarbonate vì rẻ tiền và dễ uống, điều trị ung thư bằng cách này không gây đau đớn… Thậm chí họ còn khuyên những người mắc bệnh “không cần chữa bệnh, chỉ cần sửa chữa những sai lầm hàng ngày như hành động, tư tưởng, ăn uống sai quy luật vũ trụ, tự nhiên bệnh tật sẽ giảm dần và hết hẳn.

Cũng có lời khuyên rằng, mọi người hãy ăn 100% thực phẩm tạo kiềm để máu và nước trong cơ thể PH = 7,4 thì mọi bệnh vốn cần dùng đến kháng sinh sẽ không còn, PH = 8,5 ung thư chết”…

“Những điều nói trên hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Cho đến nay chưa có bất kỳ nghiên cứu hay khuyến cáo nào cho thấy sử dụng các phương pháp nêu trên có tác dụng điều trị ung thư” - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư khẳng định.

Về liệu pháp miễn dịch được giới thiệu tại triển lãm Y dược gần đây, PGS Trần Văn Thuấn cho biết, đây chưa được coi là phương pháp điều trị chính thống và thời gian tới, bệnh viện K sẽ tham gia nghiên cứu về liệu pháp này.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có những bệnh nhân sau khi bị bệnh viện trả về vì đã hết hy vọng nhưng sau đó uống thuốc nam lại khỏi, Giám đốc bệnh viện K khẳng định, đó là những người đã từng chữa bằng các phương pháp chính thống, sau đó về sử dụng thuốc nam chứ không phải là những người không được chữa trị và bị bệnh viện trả về.

Giám đốc bệnh viện K khuyên người dân cũng như bệnh nhân ung thư cần tìm hiểu và tham khảo các nguồn thông tin, tài liệu chính thống về phòng chống căn bệnh này từ các bác sĩ chuyên khoa và các cơ sở y tế, các hiệp hội ung thư uy tín.

Đặc biệt, bệnh nhân ung thư cần hỏi bác sĩ chẩn đoán, điều trị của mình thật nhiều để hiểu rõ về bệnh tình, các phương pháp điều trị, khả năng đáp ứng và tiên lượng.

“Điều trị ung thư là vấn đề rất lớn, rất phức tạp và đòi hỏi chuyên môn sâu, kết hợp đa mô thức, đa chuyên khoa mới có thể hiệu quả. Không nên dễ dàng cả tin, tốn kém tiền bạc, thời gian, đánh mất cơ hội điều trị chính thống vì lựa chọn các phương pháp không chính thống, chưa có cơ sở khoa học” – PGS Trần Văn Thuấn nói.

Trước đó, Giám đốc Bệnh viện K cũng phủ nhận thông tin cho rằng, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới. Ông Thuấn cho biết, có 172 quốc gia được báo cáo thì tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam là quốc gia đứng thứ 78, xếp theo tỷ lệ tử vong từ cao xuống thấp.

"Như vậy, thông tin từ nhiều bài báo gần đây cho rằng Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tử vong do ung thư cao nhất thế giới là KHÔNG CHÍNH XÁC" - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư khẳng định.

Theo VnMedia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.