Chữa trị vết thương chỉ với một cái chạm

GD&TĐ - Các nhà khoa học Mỹ đã gây ấn tượng mẽ khi tuyên bố có thể chữa lành các vết thương ngoài da hay ở cơ quan nội tạng, chỉ bằng một cái chạm từ vi mạch đặc biệt.

Chữa trị vết thương chỉ với một cái chạm

Y học phát triển, cộng với các công nghệ hiện đại ra đời giúp con người có được những phương pháp chữa trị nhanh chóng và vô cùng hiệu quả. Các quá trình chẩn đoán diễn ra nhanh chóng hơn và quy trình phục hồi chức năng của các bộ phận, cơ quan trên cơ thể cũng được áp dụng những công nghệ tối tân.

Cũng nằm trong nhóm các công nghệ y học đặc biệt ấy, công trình của các nhà khoa học Mỹ đã gây ấn tượng mẽ khi tuyên bố có thể chữa lành các vết thương ngoài da hay ở cơ quan nội tạng, chỉ bằng một cái chạm từ vi mạch đặc biệt.

Với tên gọi Chuyển nạp nano mô sinh học, công trình được các nhà khoa học thuộc Trung tâm Y học Wexner trực thuộc Đại học bang Ohio phát triển với mục tiêu chữa lành các vết thương nội ngoại khoa, chỉ với tác động đơn giản của một vi mạch.

Theo báo cáo của công trình, công nghệ Chuyển nạp nano mô sinh học sẽ sử dụng một thiết bị siêu nhỏ tên là vi mạch sinh học và đặt trên bề mặt da của người bệnh. Sau đó, một điện trường hội tụ có cường độ cao sẽ được truyền vào vi mạch và giúp chuyển những thành phần cần thiết vào các tế bào da bên dưới, từ đó chuyển hóa những tế bào này thành những loại tế bào khác nhau để phục vụ cho việc chữa bệnh.

Cơ chế hoạt động chủ đạo của công nghệ này là việc sử dụng chính mô tế bào của người bệnh và biến nó thành một cơ quan phản ứng sinh học có tác dụng tạo ra các tế bào để thay thế những tế bào hư tổn xung quanh hoặc để sử dụng cho một khu vực khác đang cần được thay thế trong cơ thể người bệnh.

Với khả năng này, công nghệ sẽ được áp dụng hiệu quả để chữa lành các bộ phận hay cơ quan trong cơ thể của con người có nhiều mô sinh học bị tổn thương hoặc giúp phục hồi chức năng của những mô bị lão hóa bao gồm mô tế bào thần kinh, mô tế bào nội tạng, mô mạch máu…

Trước đó, nhóm của Tiến sĩ Chandan Sen đã tiến hành thử nghiệm công nghệ trong phòng thí nghiệm trên cơ thể của chuột và heo. Cụ thể, nhóm sử dụng công nghệ để lập trình vi mạch, biến các tế bào da thành những tế bào mạch máu trên chân đang bị thương của vật thí nghiệm, vốn đã được biến đổi để không có mạch máu chạy qua và ngăn chặn khả năng hồi phục của chúng.

Tuy nhiên, chỉ một tuần sau khi áp dụng công nghệ, các mạch máu đã bắt đầu xuất hiên trên chân hai loài động vật này và bước sang tuần thứ hai thì vết thương đã gần như bình phục. Trong một thí nghiệm khác, nhóm cũng đã lập trình biến đổi tế bào da thành tế bào thần kinh và giúp chú chuột bị chấn thương não bộ có thể phục hồi chức năng não bộ sau khi trải qua cơn đột quỵ.

Sau khi công bố công trình và thực nghiệm thành công trong phòng thí nghiệm trên chuột và sau đó là trên cơ thể của loài heo, các nhà khoa học tại Đại học bang Ohio đang lên kế hoạch tiến hành thử nghiệm thực tế lâm sàng trên con người, trước khi có thể đưa công trình đến với cộng đồng. 

Theo Medical Express

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ