Nhiều trường đã và sẽ tiếp tục phải dồn lớp, tăng sĩ số HS vượt quá quy định để có chỗ học cho các em. Lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP Biên Hòa cho biết, với tình hình CSVC hạn chế trong khi số lượng HS tăng đột biến như hiện nay gây ra hiện tượng quá tải, nên nhiều trường tiểu học, THCS công lập trên địa bàn sẽ phải tiếp tục dạy, học ca ba trong năm học mới.
Căng thẳng ở các khu dân cư lớn
Theo thống kê của Phòng GD&ĐT TP Biên Hòa, năm học 2016 - 2017, bậc học mầm non của TP có 63.500 trẻ, tăng 3.700 trẻ so với năm học trước. Các trường mầm non công lập trên địa bàn chỉ có thể đáp ứng chỗ học cho hơn 9.500 trẻ. Số trẻ còn lại sẽ tập trung vào các trường mầm non, các nhóm trẻ ngoài công lập.
Bậc tiểu học có 88.700 HS, tăng 4,4 ngàn em so với năm học trước. Bậc THCS có 53.700 HS, tăng hơn 3.700 em. Số lượng HS tăng quá nhanh cộng với việc đầu tư CSVC chưa theo kịp khiến nhiều trường học không đáp ứng được nhu cầu về sĩ số HS.
Cụ thể, phường Long Bình, nơi có số dân nhập cư đông và số lượng HS tăng nhanh, có 3 trường tiểu học sẽ phải học ca ba. Đó là: Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh, Trường Tiểu học Phan Đình Phùng và Trường Tiểu học Phan Bội Châu.
Ở phường Trảng Dài, do chưa đầu tư xây dựng kịp một trường tiểu học ở khu phố 2 nên toàn phường chỉ có 2 trường tiểu học. Những năm qua, bài toán học ca ba, mượn phòng, mượn lớp, tận dụng phòng chức năng dù được lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng vẫn chưa có phương án giải quyết.
Năm học tới, Trường Tiểu học Trảng Dài tiếp tục phải học ca ba (dự kiến 32 lớp) vì Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai và tiểu học Hà Huy Giáp không thể tiếp tục cho mượn cơ sở để giải quyết 27 lớp ca ba của năm học trước.
Ngoài ra, Trường Tiểu học Phước Tân (xã Phước Tân) cũng có ít nhất 6 lớp sẽ phải học ca ba. Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (phường Tân Hiệp) có 6 lớp không có chỗ học sẽ phải tổ chức ca ba nếu nhà trường không thuê mướn được cơ sở bên ngoài để giảng dạy như năm học trước.
Bài toán khó giải
Từ năm học 2015 – 2016, Trường THCS Trảng Dài (phường Trảng Dài) bắt đầu rơi vào tình trạng quá tải vì số HS tăng cao. Có những lớp học, sĩ số lên tới 60 em/lớp. Giờ ra chơi, HS không có chỗ chơi vì sân trường quá hẹp so với lượng HS.
Cô Trần Thị Thu Thùy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để HS có chỗ ngồi trong lớp, trường phải bố trí cho các em ngồi vào các ghế đơn chứ không kê ghế dài vì không đủ chỗ. Có những lớp, bàn học đầu tiên phải kê sát gần bục giảng mới đủ chỗ kê bàn ghế. Việc dồn lớp, tăng sĩ số ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng GD của nhà trường”.
Tháng 6 vừa qua, công trình Trường THCS Trảng Dài 2 được khởi công xây dựng trên địa bàn phường. Thời gian để công trình hoàn thành dự kiến mất khoảng 8 tháng. Do vậy, chưa thể chia tách trường trong năm học 2016 - 2017.
Để tránh tình trạng ca ba, Trường THCS Trảng Dài phải tận dụng các phòng chức năng để giảng dạy. Toàn trường dự kiến có 64 lớp với 3.585 HS, tăng 367 học sinh. Sĩ số bình quân khoảng 56 HS/lớp, riêng khối 6 là 60 em/lớp.
Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (phường Tân Phong) có hai cơ sở với 29 phòng học. Năm học tới, trường có tất cả 57 lớp với gần 2,8 ngàn học sinh. Do 5 phòng học cấp bốn tại cơ sở 2 ở giáo xứ Thuận Hòa hiện đã xuống cấp nặng nên nhà trường chỉ có khả năng bố trí phòng học cho 48 lớp. Còn lại 9 lớp không có chỗ học sẽ phải mượn cơ sở của giáo xứ Thái Hiệp để tổ chức dạy, học mới mong tránh được ca ba.
Bên cạnh những trường quá tải kể trên, trong năm học tới, còn nhiều trường dự kiến có sĩ số HS/lớp đông như Tiểu học Nguyễn Du, Tiểu học Quang Vinh, Tiểu học Trịnh Hoài Đức, Tiểu học Hòa Bình, Tiểu học Bình Đa, Tiểu học Hóa An…