“Cỗ áo giáp chống dịch” vô cùng tốn kém này đang bị biến chủng Omicron thách thức, nhưng chắc chắn Trung Quốc sẽ chưa thể sớm cởi bỏ.
Một số địa phương tại Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi làn sóng Covid-19 từ cả hai biến chủng Delta và Omicron, với tỷ lệ tử vong và khả năng lây truyền cao hơn. Trong khi đó, nước này đang đứng trước hai nguy cơ bùng phát dịch lớn nhất trong năm là dịp Tết Nguyên đán với số lượng lớn người dân trở về quê hương và Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh chuẩn bị khai mạc vào ngày 4/2.
Hàng loạt thành phố lớn của Trung Quốc như Tây An (Thiểm Tây) và An Dương (Hà Nam) đang phải áp dụng lệnh phong tỏa trên diện rộng sau khi xuất hiện các ca nhiễm Omicron trong cộng đồng, trái với xu hướng sống chung với dịch trên thế giới.
Tất cả các biện pháp chặt chẽ này nhằm ngăn chặn dịch tấn công thủ đô Bắc Kinh, thành phố chủ nhà của Thế vận hội 2022.
Tuy nhiên, các lệnh hạn chế vẫn không thể ngăn cản biến chủng Omicron khi Bắc Kinh báo cáo trường hợp nhiễm đầu tiên trong cộng đồng hôm 15/1. Bệnh nhân là một phụ nữ 26 tuổi, không có lịch sử di chuyển nội địa trong thời gian gần đây. Các nhà chức trách địa phương xác định nguyên nhân lây nhiễm Omicron của bệnh nhân này có thể là từ một bưu kiện quốc tế gửi từ Canada.
Tới ngày 19/1, Bắc Kinh tiếp tục ghi nhận thêm 5 ổ dịch mới trên địa bàn. Tuy nhiên, khác với các thành phố khác sẽ lập tức phong tỏa sau khi phát hiện các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, Bắc Kinh hiện chưa có thông báo nào về việc này.
Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ chỉ cho biết trong các cuộc họp rằng cần phải chú ý nhiều hơn đến các khâu vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng đông lạnh để ngăn chặn virus lây lan.
Giải thích dễ hiểu về động thái này là do Bắc Kinh sắp làm chủ nhà Thế vận hội mùa Đông nên không thể áp dụng lệnh phong tỏa dễ dàng. Tiến sĩ Willy Lam, một thành viên cấp cao chuyên về Trung Quốc tại Quỹ Jamestown Foundation (Mỹ), nhận xét rằng, đây là thời điểm căng thẳng dịch bệnh tại Bắc Kinh do biến chủng Omicron, nhưng để đóng cửa hoàn toàn thành phố thì sẽ khiến Trung Quốc “mất mặt với quốc tế”.
Điều này cũng khiến nhiều chuyên gia phỏng đoán, có thể Bắc Kinh cùng với Thượng Hải, hai thành phố lớn nhất Trung Quốc đang có cách thức tiếp cận phòng chống dịch Covid-19 linh hoạt hơn phần còn lại của đất nước. Theo đó, hai thành phố này có thể không áp dụng phong tỏa nhanh cả một khu vực lớn như đang phổ biến ở Trung Quốc mà khoanh vùng hẹp hơn.
Trong khi đó, vũ khí chống dịch hiệu quả nhất hiện nay là vắc-xin ngừa Covid-19 thì Trung Quốc cũng thuộc nhóm nước có tỷ lệ tiêm cao nhất thế giới. Hiện đã có hơn 85% dân số nước này được tiêm chủng đầy đủ và nhiều người đã tiêm mũi tăng cường.
Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, tính đến ngày 17/1, đã có khoảng 2,94 tỷ liều vắc-xin được phân phối sử dụng.
Dù có tỷ lệ tiêm chủng cao và tự chủ về nguồn cung vắc-xin, các chuyên gia y tế vẫn hoài nghi về sự thay đổi trong chiến lược chống dịch theo kiểu “quét sạch virus” của Trung Quốc.
Một trong những lý do mà các chuyên gia giải thích cho việc Trung Quốc sẽ tiếp tục “duy trì áo giáp chống dịch tuyệt đối” là nếu mở cửa quá nhanh, biến chủng Omicron với khả năng siêu lây nhiễm vẫn có thể gây ra tình trạng quá tải cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc.