Chưa nghỉ đã lo học hè

GD&TĐ - Thời điểm này, hầu hết các trường phổ thông đã tổ chức tổng kết năm học.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trừ số học sinh lớp 9 và lớp 12 còn “đèn sách” để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT/ xét tuyển đại học sắp tới, tất cả những học sinh còn lại đều được nghỉ hè.

Lý thuyết là vậy, song thực tế học sinh có được nghỉ hè hay không lại là chuyện khác. Có thể dễ dàng nhận thấy tại các bến xe, tàu hỏa, sân bay những ngày này, hành khách đi lại khá đông đúc, trong đó có rất nhiều em học sinh được cha mẹ cho đi du lịch. Nhưng như thế không có nghĩa là kì nghỉ hè của các em bắt đầu.

Ngay từ khi các trường chưa tổng kết năm học, Sở GD&ĐT nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã có văn bản “cấm dạy thêm trong hè” với những điều khoản “răn đe” cứng rắn nếu vi phạm.

Thực ra không phải đến hè này, các sở GD&ĐT mới có những văn bản cấm dạy thêm - học thêm trong hè như thế mà từ nhiều năm qua, các công văn ấy đã trở nên quen thuộc với các trường và cả phụ huynh học sinh. Nhưng không có năm nào mà tình trạng học thêm - dạy thêm trong những tháng hè được chấp hành triệt để cả.

Có nhiều nguyên nhân như chương trình dạy chính khóa quá nặng, nhiều em không theo kịp nên phải được “bồi dưỡng hè”, hoặc đồng lương của giáo viên hiện nay quá thấp không đủ cho những chi phí cần thiết hàng ngày nên dạy thêm như một cách để bù vào sự thiếu hụt đó… Một nguyên nhân không kém phần quan trọng, đó là sự “tiếp sức” của phụ huynh.

Không biết từ bao giờ, tâm lý sợ con mình “không theo kịp chúng bạn” đã ăn sâu vào máu thịt của nhiều phụ huynh khiến họ thiếu đi sự tự tin vào năng lực của con mình.

Hễ thấy con người ta đi học thêm chỗ nào đó, nghe nói chỗ ấy “uy tín lắm, chất lượng lắm”, là cứ thế gửi con vào học dù mới cách đó dăm hôm, những phụ huynh ấy khoe lên mạng xã hội những tấm giấy khen “học sinh giỏi” của chính đứa con họ đang gửi đi học thêm.

Không chỉ học sinh cấp hai, cấp ba mới học thêm mà ngay cả những cháu mẫu giáo, chuẩn bị vào lớp Một cũng đi học thêm. Mặc dù, ngành Giáo dục quy định, không được dạy chữ cho các cháu trước khi vào lớp Một nhưng đa số các cháu đã biết chữ, thậm chí làm cả những phép toán đơn giản ngay từ khi học mẫu giáo lớn.

Ba tháng hè là thời gian các em được nghỉ ngơi thoải mái nhất. Thầy, cô giáo cũng được “giải phóng” khỏi những áp lực suốt năm học nhưng lại là những tháng bận rộn chẳng kém gì lúc đang dạy chính khóa.

Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại hàng chục năm qua nhưng chưa có giải pháp khả dĩ có thể chấm dứt ngoài các văn bản được phát ra từ các sở GD&ĐT và chính quyền địa phương.

Biết đến bao giờ học sinh mới tận hưởng cảm giác vỡ òa như cha ông chúng đã từng có được từ hơn 80 năm trước qua bài thơ “Nghỉ hè” của Xuân Tâm:

“Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết

Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về

Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê

Ôi tất cả mùa Xuân trong mùa Hạ!”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ