Lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) kéo dài từ mùng 6 tháng Giêng tới tháng 3 âm lịch được xem là lễ hội dài nhất trong năm. Tại Suối Yến - đường dẫn vào quần thể chùa Hương, Ban tổ chức năm nay tăng số lượng đò lên 5.000 chiếc nhằm tránh tình trạng quá tải, gây mất an toàn. Các đò được kiểm định chất lượng, chủ đò phải ký cam kết với chính quyền địa phương về việc chở đúng số người quy định, đúng giá vé niêm yết 35.000 đồng/người với thuyền không có ghế, 40.000/người với thuyền có ghế ngồi cộng thêm 50.000 vé tham quan.
Suối Yến được mở rộng, khai thông dòng chảy, do đó, đò có thể lướt nhanh hơn. Ngày khai hội trời không mưa, nhiệt độ khoảng 27 độ C, rất thuận lợi cho người dân du xuân.
Có đoàn khách ngẫu hứng hát quan họ ngay trên thuyền, được mọi người vỗ tay tán thưởng.
Khu vực cáp treo không xảy ra tình trạng chen lấn, xếp hàng chờ đợi lâu như mọi năm.
Với nhiều phật tử như bà Thu và bà Toán, hành hương thực sự là phải đi bộ, leo lên những bậc thềm đá rêu phong. Năm nào hai bà cũng rủ nhau leo bộ lên chùa Hương.
Đúng 9h sáng tại chùa Thiên Trù, lãnh đạo thành phố Hà Nội, sư trụ trì và hàng nghìn phật tử đã làm lễ khai hội.
Đại đức Thích Minh Hiền cùng các tăng, ni dâng hương và đánh trống khai hội tại chùa Thiên Trù.
Với sự nhắc nhở của ban tổ chức, việc mang đồ lễ mặn như thịt lợn, gà vào các chùa và động Hương Tích đã được hạn chế. Du khách hầu như chỉ mang bánh kẹo, nước ngọt, vàng mã vào làm lễ.
Động Hương Tích, trung tâm của khu du lịch quốc gia Hương Sơn - nơi tập trung đông người hành hương nhất - không có tình trạng chen lấn, lộn xộn như mọi năm.
Các mâm lễ hầu như không còn đồ mặn.
Tiền lẻ không xuất hiện nhiều trên những đĩa lễ, nếu có, Ban tổ chức sẽ thu lại cho vào hai chiếc chum đặt hai bên ban thờ trong động Hương Tích.
Sau khi hành lễ, nhiều người đưa tay hứng những giọt nước từ nhũ đá mà họ tin sẽ chữa được bệnh và đem lại may mắn. Năm ngoái, chùa Hương có 1,5 triệu lượt khách mùa lễ hội.