Chủ trường, giáo viên ngoài công lập nỗ lực vượt khó trong đại dịch

GD&TĐ - Hơn 6 tháng tạm ngừng hoạt động do dịch bệnh, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở Cần Thơ gặp không ít khó khăn. Địa phương cùng ngành Giáo dục đã đồng hành hỗ trợ, tiếp sức giáo viên và chủ trường.

Một nhóm trẻ - lớp mẫu giáo độc lập ở TP Cần Thơ đóng cửa nhiều tháng qua do dịch bệnh.
Một nhóm trẻ - lớp mẫu giáo độc lập ở TP Cần Thơ đóng cửa nhiều tháng qua do dịch bệnh.

Gắng gượng vượt qua khó khăn chung

Bà Vũ Thị Kiều Oanh, Hiệu trưởng Trường mầm non Minh Ngọc, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) chia sẻ: Hằng năm nhà trường nhận giữ khoảng 200 trẻ. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, nhiều người dân gặp khó khăn và thất nghiệp nên năm học này không thể biết được bao nhiêu trẻ trở lại trường.

"Tình hình dịch bệnh phức tạp, khó khăn chung nên phải cố gắng vượt qua. Rất may trường được xây dựng trên đất nhà nên không bị ảnh hưởng bởi chi phí thuê mặt bằng. Áp lực lớn nhất hiện nay của trường là giữ chân giáo viên và chính sách hỗ trợ để giáo viên tiếp tục gắn bó với nhà trường", bà Oanh cho biết.

Hiện Trường mầm non Minh Ngọc có khoảng 21 giáo viên đều gắn bó với nhà trường và sẵn sàng trở lại trường đón học sinh. Thời gian qua nhà trường phối hợp cùng ngành Giáo dục quận làm các thủ tục, hồ sơ và nhận hơn 70 triệu đồng theo Nghị quyết 68 hỗ trợ cho 21 giáo viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tại Trường Mầm non Việt Úc, quận Ninh Kiều, 81 cán bộ giáo viên và nhân viên đang gắn bó, đồng hành cùng nhà trường trong suốt thời gian qua. Bà Hà Kim Thoa cho biết hơn 6 tháng qua, nhà trường tạm ngưng không hoạt động, không có nguồn thu để trả lương cho giáo viên.

Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhà trường làm đúng thủ tục, hồ sơ và nhận được 2 đợt hỗ trợ cho cán bộ giáo viên và người lao động tại trường. Mỗi người nhận được khoảng 1,8 đến 2,9 triệu đồng...

Theo bà Thoa, hiện nay giáo viên và nhà trường đã tổ chức công tác vệ sinh, khử khuẩn trường lớp, đồng thời bố trí dung dịch sát khuẩn và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch phức tạp trở lại thì người dân cũng không yên tâm đưa con đến trường. "Rất may cơ sở trường do mình tự đầu tư, nếu mà đi thuê chắc giờ phá sản mất rồi", bà Thoa nói.

Khó khăn do dịch bệnh, nhiều cán bộ, giáo viên trường tư thục lựa chọn đổi nghề để duy trì cuộc sống.
Khó khăn do dịch bệnh, nhiều cán bộ, giáo viên trường tư thục lựa chọn đổi nghề để duy trì cuộc sống.

Khó khăn trong hỗ trợ cán bộ, giáo viên trường tư thục

Trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Lê Thị Hường, Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy cho biết: Quận có 32 cơ sở Giáo dục mầm non ngoài công lập, với 336 cán bộ, giáo viên và người lao động.

Thời gian qua, Phòng chỉ đạo các đơn vị, trường học trong và ngoài công lập trên địa bàn rà soát, thống kê các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, để tham mưu hỗ trợ.

Tuy nhiên, vẫn còn một số đối tượng lao động tại các trường tư thục vẫn chưa thể được nhận hỗ trợ do chưa đủ điều kiện theo quy định. Đặc biệt là các nhân viên cấp dưỡng tại các nhóm trẻ, cam kết làm việc theo tháng, thời vụ ngắn nên gặp nhiều khó khăn trong công tác hồ sơ nhận hỗ trợ.

Thời gian tới, Phòng sẽ tham mưu UBND quận tiếp tục hỗ trợ các đối tượng giáo viên, nhân viên và người lao động tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Ngoài ra, Phòng cũng đang chỉ đạo các đơn vị rà soát, thống kê các trường hợp giáo viên, nhân viên chưa nhận hỗ trợ, để phối hợp Phòng LĐ-TB&XH quận tháo rỡ vướng mắc...

Do thời gian nghỉ dịch quá lâu, nhiều giáo viên gặp khó khăn, một số giáo viên chuyển nghề khác để mưu sinh hoặc trở về quê nhà để ổn định cuộc sống.

Chị N.T.X.T, ngụ quận Cái Răng (TP Cần Thơ) chia sẻ: "Trước đây tôi là giáo viên mầm non trường tư thục. Do dịch Covid-19, trường tạm dừng hoạt động nên thất nghiệp hơn 3 tháng qua. Dù rất yêu nghề, nhưng để duy trì cuộc sống hiện tại, tôi phải đi tìm việc mới".

Cô Nguyễn Thị Hồng Lan, giáo viên một trường tư thục tại quận Ninh Kiều cũng cho hay chị đã gắn bó với trường cũng gần 10 năm. Trong thời gian dịch cô cũng được nhà trường hỗ trợ rất nhiều, mặc dù không được trả lương nhưng cũng được nhà trường làm các thủ tục hồ sơ để nhận hỗ trợ từ Nhà nước.

"Dịch bệnh thì ai cũng khó khăn, chỉ biết cố gắng cùng nhà trường vượt qua đại dịch. Trong thời gian ở nhà đợi trường mở cửa hoạt động trở lại, tôi cũng mở bán hàng online để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống", cô Lan cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chùm ảnh cá bơi lội bên xe tăng

Chùm ảnh cá bơi lội bên xe tăng

GD&TĐ - Tại bảo tàng quân sự dưới nước đầu tiên của Jordan, xe tăng, máy bay trực thăng và xe bọc thép nằm dưới đáy biển gần thành phố Aqaba.