Cần triển khai sớm
Hiện nay, việc chênh lệch về nhu cầu việc làm và số lượng sinh viên ra trường là rất lớn. Trong khi đó có không ít cơ sở giáo dục đặt nặng vấn đề lợi nhuận nên đào tạo tràn lan mà không chú trọng kiểm soát chặt chẽ chất lượng và tìm hiểu thị trường việc làm. Ngoài ra, công tác tư vấn, hướng nghiệp tuyển sinh không hiệu quả cũng đang trở thành rào cản lớn.
Nhằm đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp tuyển sinh cho học sinh THPT, nhiều trường đại học, cao đẳng tổ chức buổi tư vấn hướng nghiệp ngắn vào thời điểm năm cuối THPT. Công tác này hầu như mang tính chất tuyển sinh là chính, giới thiệu những ngành học “hot”, phương thức đào tạo cũng như điều kiện vật chất hiện đại hấp dẫn học sinh.
Trong khi đó từ khi bước vào đầu cấp THPT, các em đã có thể tự đề ra kế hoạch định hướng nghề nghiệp cho mình thông qua việc học tốt phân ban KHTN hay KHXH. Định hướng cảm tính này sau 3 năm học khiến chính các em rơi vào tình trạng loay hoay với việc chọn ngành nghề nhất định. Khi chưa có sự trải nghiệm, chưa tiếp cận thực tế việc làm, học sinh dễ ngộ nhận vào đại học thường có xu hướng chuyển ngành nghề, chuyển trường…
Do vậy, việc hướng nghiệp ở cuối năm lớp 12 hay đầu cấp THPT vẫn chưa đủ, đánh giá chưa cao tầm quan trọng trong công tác tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh gây ảnh hưởng lớn. Học sinh cần có lộ trình định hướng nghề lâu dài từ các chuyên gia đào tạo, chuyên gia việc làm từ các cơ sở giáo dục. Câu chuyện “mưa dầm thấm lâu” các em càng có nhiều cơ hội tìm hiểu những giá trị nghề, góp phần xây dựng hướng đi đúng.
Thạc sĩ Phạm Mạnh Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kĩ thuật Bạc Liêu - chia sẻ: “Tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh trong giáo dục phổ thông, việc tư vấn phân luồng học sinh từ lớp 9 là điều thiết yếu. Từ năm 2012 trường cũng kết hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tại những địa phương trên địa bàn tỉnh như: Thị xã Giá Rai, huyện Phước Long, huyện Hòa Bình, huyện Hồng Dân… Thực hiện song hành 2 chương trình giúp các em vừa học văn hóa và có thể đăng kí học nghề. Mô hình tạo thuận lợi cho các em kết thúc chương trình văn hóa đồng thời có được bằng nghề. Đến nay, trường nhận thấy hiệu quả khả quan và tiếp tục thực hiện”.
Chỉ nhà trường là chưa đủ
Thạc sĩ Phạm Mạnh Cường cũng nhấn mạnh việc hướng nghiệp đóng vai trò quan trọng nhằm định hình năng lực nghề nghiệp cho các em, tập trung vào trọng tâm thực hành, xây dựng chiến lược đào tạo bài bản. Tuy nhiên, để hướng nghiệp đạt hiệu quả cao cần tích cực đổi mới chương trình và linh hoạt phương thức đào tạo (theo niên chế, tín chỉ, mô - đun…), hướng đến mục tiêu chung của giáo dục nghề nghiệp.
Vấn đề hướng nghiệp đến cấp THCS chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều trường phổ thông, tâm lí các em muốn học THPT để có cơ hội vào đại học. Còn những em không có khả năng theo đuổi bậc học cao hơn, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế thì học hết THCS có hướng đi học nghề. Nhận diện được nhu cầu người học, nhiều cơ sở giáo dục nghề chuyên nghiệp đã mạnh dạn đổi mới cách thức tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh. Nhất là đề cao vai trò hướng nghiệp hơn nhu cầu tuyển sinh, giải quyết nhu cầu lao động cũng như đẩy mạnh việc đào tạo chất lượng cao.
Cũng theo thầy Phạm Mạnh Cường, để lộ trình hướng nghiệp được giám sát chặt chẽ, trường đã tổ chức nhiều cuộc trao đổi thông tin tư vấn hướng nghiệp ở cấp THCS và đây là bước đi đầy quyết định đối với các em không theo học cấp THPT. Việc hướng nghiệp cho học sinh thời điểm này rất quan trọng, nên cần cẩn trọng tư vấn thông tin đúng cách, đòi hỏi phải “được lòng” phải thuyết phục phụ huynh, cần đi sâu phân tích vấn đề là những hướng đi nào cho học sinh sau THCS, gồm điều kiện như thế nào để các em có được quyền lợi tối đa.