Chủ tịch Quốc hội: Quảng Ninh cần sớm giải quyết thiếu hụt nguồn nhân lực

GD&TĐ - Phát biểu chỉ đạo trong Đại hội Đai biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, Ủy viên Bộ Chính Trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, chủ trương phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội giúp Quảng Ninh có những bước đi toàn diện và vững chắc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.

Sáng 26/9, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, khai mạc với sự tham dự của 350 đại biểu đại diện cho hơn 102.500 đảng viên Đảng bộ tỉnh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và phát biểu chỉ đạo đại hội.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh đã phát huy truyền thống cách mạng, khai thác các tiềm năng, thế mạnh, triển khai bài bản, nghiêm túc, sáng tạo các kỷ cương của Đảng và Nhà nước vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức đạt được những kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Trong nhiệm kỳ 2016-2020, kinh tế Quảng Ninh liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân đạt 10,7%/năm. Cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chuyển dịch theo hướng tích cực; dịch vụ du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chất lượng tăng trưởng tiến bộ, quy mô, tiềm lực nền tinh tế tăng mạnh, có sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Thu nội địa của Quảng Ninh luôn nằm trong tốp dẫn đầu cả nước.

Chủ tịch Quốc hội nhận định, Quảng Ninh đã kiên trì, chủ động, sáng tạo và thực hiện 3 đột phá chiến lược, có trọng tâm trọng điểm, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị được đầu tư tương đối đồng bộ.

Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong lĩnh vực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với 3 năm liên tục (2017-2019) có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS)… thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội

Chủ trương phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi, đảm bảo công bằng xã hội đã giúp cho Quảng Ninh có bước đi toàn diện và vững chắc. Qua đó từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương, vùng, miền trong tỉnh; chất lượng sống ở thành thị nông thôn từng bước được nâng lên nhất là các khu vực kinh tế còn khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo.

Thu nhập bình quân đầu người của Quảng Ninh đến hết năm 2020 dự kiến đạt trên 6.700 USD, gấp hơn 2 lần bình quân của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều chỉ còn 0,36 %. Bên cạnh đó, Quảng Ninh chú trọng xây dựng nông thôn mới, là địa phương có xã đạt kiểu mẫuđầu tiên trong cả nước đó là xã Việt Dân, thị xã Đông Triều.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Những thành tựu đạt được là tiền đề, nền tảng quan trọng, tạo đà cho Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững hơn nữa, tiếp tục là một trong những cực tăng trưởng kinh tế, có sức hấp dẫn, lan tỏa trong vùng kinh tế trọng điểm phía bắc nói riêng, khu vực miền Bắc và cả nước nói chung”.

Bên cạnh những thành tựu trong phát triển kinh tế, xã hội những năm qua, Chủ tịch Quốc hội chỉ ra tồn tại, hạn chế mà tỉnh Quảng Ninh cần khắc phục như tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng; chất lượng tăng trưởng và năng lực hội nhập quốc tế chưa cao.

Hiệu quả của khu vực đầu tư nước ngoài còn thấp, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa có nhiều đột phá. Năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế. Đặc biệt, sự thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đang đòi hỏi cần sớm giải quyết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ