Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Phiên khai mạc Diễn đàn châu Á Bo Ao

Diễn đàn châu Á Bo Ao (Bác Ngao) đã được khai mạc tại thành phố Bo Ao, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Hội nghị là sự kiện quan trọng, kỷ niệm 20 năm hoạt động của Diễn đàn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và có bài phát biểu tại Lễ khai mạc của Diễn đàn. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và có bài phát biểu tại Lễ khai mạc của Diễn đàn. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Diễn đàn lần này có sự tham dự của nguyên thủ/người đứng đầu Chính phủ các nước Bangladesh, Brunei, Kazakhstan, Campuchia, Chile, Hàn Quốc, Indonesia, Lào, Malta, Mông Cổ, New Zealand, Sri Lanka, Trung Quốc, Việt Nam, Singapore, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 và Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Diễn đàn cũng thu hút sự tham gia của nhiều học giả, doanh nghiệp, báo chí trong khu vực và thế giới. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu khai mạc Diễn đàn. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và có bài phát biểu tại Lễ khai mạc của Diễn đàn.

Diễn đàn châu Á Bo Ao năm nay có chủ đề “Một thế giới đang thay đổi: Chung tay tăng cường quản trị toàn cầu và thúc đẩy hợp tác Vành đai và Con đường”, gồm hơn 60 hoạt động, hội thảo diễn ra từ ngày 18 - 21/4/2021. Diễn đàn tập trung vào các nội dung: Tổng quan kinh tế thế giới 2021, những biến chuyển trong cấu trúc thương mại quốc tế, khu vực; khoa học công nghệ, chuyển đổi số khai phá tiềm năng của các nước; kết nối kinh tế, thương mại, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp; y tế và việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; nâng cao năng lực ứng phó với dịch bệnh; thúc đẩy phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, một số phiên của Diễn đàn đã trao đổi về chiến lược kinh tế tuần hoàn kép của Trung Quốc và sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Tại phiên khai mạc, các Lãnh đạo nhấn mạnh yêu cầu tăng cường phối hợp giữa các nước trong: Ứng phó với đại dịch COVID-19, đặc biệt là đảm bảo nguồn vaccine cho người dân; phục hồi kinh tế thông qua thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư, đảm bảo hoạt động của chuỗi cung ứng khu vực, kết nối cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế số; thúc đẩy hợp tác về khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. 

Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao thành tựu của Diễn đàn trong 20 năm qua; mong muốn Diễn đàn tiếp tục là kênh trao đổi giữa chính khách, học giả, doanh nghiệp các nước về những vấn đề quan trọng của khu vực.

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có, Chủ tịch nước nhấn mạnh không quốc gia nào có thể đơn độc giải quyết những khó khăn này; chỉ có hợp tác và đoàn kết mới đem lại thành công. Các nước cần chung tay hành động vì sự phát triển bao trùm, bền vững và an toàn cho mọi người dân.

Chia sẻ với Diễn đàn, Chủ tịch nước nhấn mạnh một số lĩnh vực các nước cần đặc biệt quan tâm là: Đẩy mạnh hợp tác trong kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh, bảo đảm cơ hội tiếp cận vaccine với chi phí hợp lý; ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, đảm bảo chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm; huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế bền vững và bao trùm, hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững 2030; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số. 

Về hợp tác Việt Nam - Trung Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hai nước là những quốc gia láng giềng gần gũi, đã cùng hợp tác ngăn chặn dịch COVID-19, duy trì tăng trưởng kinh tế và trở thành điểm sáng ở khu vực, thế giới. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện, hiệu quả, bình đẳng, cùng có lợi với Trung Quốc, cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt - Trung ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Theo baotintuc.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...