Chủ tịch CĐGDVN: Không để nhà giáo nào không có Tết

Chủ tịch CĐGDVN: Không để nhà giáo nào không có Tết

Xung quanh vấn đề này, ông Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có những chia sẻ trên Báo Giáo dục & Thời đại.

Quan tâm hỗ trợ các thầy cô giáo

* Công đoàn Giáo dục Việt Nam có những chương trình, hoạt động gì hỗ trợ nhà giáo trong những Tết đến Xuân về?

- Đội ngũ nhà giáo cả nước đang cùng với cả dân tộc đón chào năm mới Canh Tý 2020. Thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT; Công đoàn Giáo dục Việt Nam tập trung sức, huy động các nguồn lực ở trong và ngoài Ngành, quan tâm hỗ trợ cho các thầy giáo, cô giáo trên cả nước, nhất là các thầy giáo, cô giáo đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo hoặc đang phải chống chọi với bệnh tật, khó khăn.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT, Đài truyền hình Việt Nam, Ban Công đoàn Quốc phòng vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ nhà giáo, người lao động trong ngành quyên góp, hỗ trợ để tổ chức Chương trình “Tết sum vầy - Mừng Xuân, ơn Đảng” cho đội ngũ cán bộ nhà giáo, người lao động, chiến sỹ bộ đội biên phòng, học sinh các trường học vùng khó khăn thuộc huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum và huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và hiện vật quy ra tiền).

Ngoài ra, Công đoàn Giáo dục Việt Nam trích khoảng 400 triệu đồng từ “Quỹ Xã hội Công đoàn Việt Nam” để thăm hỏi, động viên và trao quà cho CBNGNLĐ bị bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc công đoàn các đơn vị trực thuộc và công đoàn các trường học tại một số địa phương; trao quà hỗ trợ cho cán bộ nhà giáo, người lao động bị bệnh hiểm nghèo phải điều trị tại các bệnh viện Trung ương trên địa bàn TP. Hà Nội trong những ngày Tết.

Ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam
 Ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Trước đó, trong tháng 12/2019; hỗ trợ cán bộ nhà giáo, người lao động bị bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền gần 500 triệu đồng.

Công đoàn Ngành cũng đã có văn bản chỉ đạo Công đoàn các Đại học, Trường Đại học và trường cao đẳng Sư phạm trực thuộc, Công đoàn Giáo dục các tỉnh/thành phố quan tâm, chăm lo Tết cho giáo viên, nhất là những giáo viên ốm đau, bệnh tật, có hoàn cảnh khó khăn, không để nhà giáo nào không có Tết.

Những giải pháp căn cơ

* Nói đến tiền thưởng ngày Tết luôn khiến các thầy, cô giáo chạnh lòng, bởi với nhiều thầy cô, tiền thưởng luôn là điều xa xỉ. Là người đứng đầu Công đoàn Giáo dục Việt Nam, điều này có khiến ông trăn trở, suy nghĩ gì không?

- Tiền thưởng Tết đối với giáo viên luôn là câu chuyện còn nhiều trăn trở của các nhà trường. Chuyện mức thưởng nơi hàng chục triệu đồng, nơi vài trăm ngàn đồng vẫn làm “đắng lòng” các thầy cô giáo và nhất là những người làm công tác Công đoàn như chúng tôi; mặc dù điều này không chỉ xảy ra trong ngành Giáo dục mà còn diễn ra ở nghiều ngành, địa phương khác.

Đối với các trường đại học, nhất là các trường đại học tự chủ, các trường ngoài công lập do tự cân đối được kinh phí nên thưởng Tết cho các thầy cô giáo ở mức khá hoặc cao so với mặt bằng chung của xã hội.

Nhưng đối với các trường học công lập khối phổ thông, do mọi chi phí đều do ngân sách cấp, việc có được khoản tiền thưởng Tết đều phải do nhà trường “thắt lưng, buộc bụng” cả năm trời nhưng cũng còn rất hạn hẹp.

Cha ông ta có câu “Một nén tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”. Cán bộ Công đoàn Ngành Giáo dục chúng tôi luôn mong muốn rằng Tết đến, Xuân về, mỗi nhà giáo sẽ nhận được một khoản tiền thưởng xứng đáng, đủ để có một cái Tết sung túc, ấm cúng. Điều đó thực sự là một sự động viên to lớn cho đội ngũ Nhà giáo khi bước vào năm mới.

Ông Vũ Minh Đức tặng quà Tết cho giáo viên trong Chương trình Tết sum vầy tại Đồn biên phòng 669 xã Đăk Nhoong (ĐăkGLei, Kon Tum). Ảnh: Công đoàn Giáo dục Việt Nam cung cấp
 Ông Vũ Minh Đức tặng quà Tết cho giáo viên trong Chương trình Tết sum vầy tại Đồn biên phòng 669 xã Đăk Nhoong (ĐăkGLei, Kon Tum). Ảnh: Công đoàn Giáo dục Việt Nam cung cấp

* Theo ông, để giáo viên có một cái Tết vẹn tròn niềm vui, chúng ta cần có những hành động hoặc giải pháp căn cơ nào?

- Tôi cho rằng, điều rất quan trọng là chính sách tiền lương của nhà giáo trong thời gian tới đây cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tính đến đặc thù của nhà giáo (nhất là khối giáo dục phổ thông) để đảm bảo cho nhà giáo có thể sống bằng chính đồng lương của mình ở mức khá so với mặt bằng xã hội.

Từ đó giúp họ có những khoản tích lũy nhất định để chi tiêu vào dịp Tết. Đồng thời, có quỹ tiền thưởng (trong đó có thưởng Tết) trong tổng quỹ tiền lương để chăm lo cho đội ngũ giáo viên

Bên cạnh đó, các nhà trường cần tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiết giảm các khoản chi không cần thiết nhằm có thêm nguồn thu, tích lũy vào quỹ tiền thưởng. Mặt khác, tạo thêm nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật để quỹ tiền thưởng nhiều hơn.

Lãnh đạo các nhà trường cần công khai, minh bạch trong sử dụng ngân sách, đầu tư mua sắm, minh bạch trong các khoản thu hợp pháp của Nhà trường, tạo sự công bằng và đồng thuận trong phân phối quỹ tiền thưởng. Như vậy sẽ giải quyết cơ bản được việc chăm lo cho giáo viên có cái Tết trọn vẹn.

Xin cảm ơn ông!

“Tôi cũng mong cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, có sự động viên cả về vật chất và tinh thần đối với đội ngũ nhà giáo nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộcông Vũ Minh Đức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.