Có những cuộc đời phụ nữ chẳng bao giờ biết cảm giác của hôn nhân hạnh phúc. Thế nhưng, từ những đau khổ trải qua đó đã trở thành chất liệu để họ sáng tác nên những tác phẩm kinh điển, để đời.
Cuộc hôn nhân đau đớn
Bạch Vy là một nhà văn nổi tiếng trong lịch sử văn học hiện đại Trung Quốc. Bà cũng từng là một mỹ nhân có tiếng. Trong lần gặp mặt đầu tiên, nhà văn Lỗ Tấn đã phải thốt lên: “Có người nói cô giống như tiên nữ đấy”.
Bạch Vy sinh ra trong một gia đình giàu có họ Hoàng. Theo lẽ thường, con cái những nhà này sẽ có mối hôn sự tốt nhưng Bạch Vy thì không. Sau này, mẹ bà nhận được ơn giúp đỡ của một góa phụ làng bên nên đã ép buộc con gái phải là vợ của con trai góa phụ đó. Gia cảnh nhà đó không thật sự tốt và chẳng ai ngờ rằng nhà họ Hoàng sẵn sàng gả con.
Sau khi kết hôn, cuộc sống của bà khổ sở như xuống địa ngục vì mẹ chồng khắc nghiệt. Bạch Vy phải sống trong sự chèn ép, chà đạp, thậm chí đánh đập hàng ngày của chồng và mẹ chồng. Trong mắt gia đình đó, Bạch Vy giống như một món đồ mà mẹ chồng mua để con trai mình chơi đùa.
Nhiều lần bà chạy trốn nhưng thất bại. Có lần, bà chạy về nhà đẻ mình để mong được sự che chở, thoát khỏi biển khổ nhưng không. Bố mẹ Bạch Vy cảm thấy con cái đi lấy chồng còn về như thế này là một sự sỉ nhục nên đuổi bà ra ngoài. Cuối cùng, người chú ruột cưu mang và tìm cách để Bạch Vy đi trốn.
Người chú thậm chí còn sắp xếp cho cháu gái đi học trường Cao đẳng Sư phạm. Để đoạn tuyệt với quá khứ, bà quyết cắt tóc ngắn, thay đổi bản thân. Thế nhưng gia đình vẫn không buông tha Bạch Vy. Cha bà cảm thấy con gái như thế làm bại hoại gia phong nên vẫn chưa từ bỏ ý định bắt con về nhà.
Để tránh mặt cha, Bạch Vy trốn sang Nhật Bản học tập sau khi được em gái mình và vài người bạn giúp đỡ.
Bà đã vừa học vừa làm ở Nhật Bản. Tài năng của Bạch Vy cũng dần dần nở rộ. Năm 1926, bà còn dựng một vở kịch ba màn và tự đóng vai chính và biểu diễn ở trường.
Ở Nhật, Bạch Vy gặp được Dương Tao - người đàn ông bà vừa yêu vừa hận. Lúc này, họ Dương đang đau đớn vì tình yêu tan vỡ nên cần một người khỏa lấp nỗi cô đơn. Bạch Vy vừa vượt qua bể khổ, Dương Tao lại đau đớn bởi thất tình. Cả hai đồng cảm và tạo nên mối quan hệ gắn kết nơi đất khách quê người.
Dương Tao đã tỏ tình với Bạch Vy: “Em không biết anh yêu em nhiều thế nào. Anh yêu trái tim, tinh thần và cả bóng tối của em. Anh yêu tính cách chăm chỉ của em. Vì vậy linh hồn anh đã hoàn toàn giao cho em rồi. Em là những gì anh tìm thấy trên thế giới này, người phụ nữ lý tưởng nhất để tìm đến”.
Lúc đó, Bạch Vy chưa trải qua tình yêu chân chính bao giờ nên rất coi trọng Dương Tao, bà coi ông như sự cứu rỗi của mình. Họ Dương đẹp trai, lãng tử và có tài năng chơi violin.
Thế nhưng, nói về tình yêu thì Dương Tao chỉ có “chót lưỡi đầu môi” chứ không hoàn toàn thật lòng, lúc nào cũng canh cánh về tình yêu đã tan vỡ với bạn gái cũ.
Bởi vậy, dù cả hai là người yêu nhưng Bạch Vy lúc nào cũng phải “lấy nước mắt rửa mặt” vì sự vô tâm, lạnh lùng của người yêu.
Tình yêu của Bạch Vy dành cho Dương Tao rất lớn nhưng đối phương không đáp lại. Thậm chí, gã thanh niên còn thẳng thắn nói lại rằng mình còn yêu người khác. Bạch Vy mặc kệ, vẫn đuổi theo Dương Tao.
Sau này, họ Dương mệt mỏi nhưng không dám chia tay trực tiếp mà bỏ đi không từ biệt, tự mình về nước. Khi về nhà, ông lại viết thư qua cho Bạch Vy nói rằng mình vẫn còn yêu người cũ và không muốn dối trá thêm nữa.
Bạch Vy đau đớn khôn cùng, quyết định quay về Hàng Châu tìm người yêu. Ai ngờ vừa gặp, Dương Tao đã mắng mỏ bà bằng hàng loạt từ ngữ nặng nề nhất.
Bạch Vy rời đi và bắt đầu chuyên tâm vào chuyện học tập, mặc kệ chuyện yêu đương. Những năm tháng này đã giúp bà có được thành tựu trong văn học nhờ ngòi bút sắc bén của mình.
Sau này, bà đã về nước để hoạt động sáng tác văn học và cùng một nhóm văn học cách mạng cùng nhà văn Lỗ Tấn.
Khi ở đây, bà nhận được tin dữ khi người em gái từng giúp mình trốn thoát ngày nào cũng bị cha mẹ ép kết hôn. Bà viết rất nhiều là thư để trách móc cha. Chính vì điều này, mối quan hệ hai cha con của Bạch Vy tan vỡ. Cho đến tận sau này, bà vẫn nhận mình là họ Bạch chứ chẳng liên quan gì đến họ Hoàng hết.
Năm 1927, Dương Tao cũng quay về Thượng Hải và dấn thân vào làng văn học. Lúc đó, Bạch Vy đã có tên tuổi và chỗ đứng trong ngành dưới sự giúp đỡ của vài nhà văn nổi tiếng. Bà viết báo tạp chí, đồng thời viết tiểu thuyết, kịch bản.
Họ Dương về nước lại chủ động tìm đến Bạch Vy. Sau 3 năm gặp lại, cuộc sống yên bình của Bạch Vy lại bắt đầu không còn yên ả. Bà vẫn chưa buông bỏ được người đàn ông mình yêu đến “chết đi sống lại” bao năm.
Khi cuộc sống ổn định, Bạch Vy nghĩ đến chuyện kết hôn. Lúc đó bà đã 33 tuổi, Dương Tao đồng ý. Họ cùng nhau đi chụp ảnh cưới, gửi thiệp mời và đặt tiệc.
Thế nhưng trong ngày diễn ra hôn lễ, Dương Tao bỏ trốn và không xuất hiện. Bạch Vy một mình đi chào hỏi quan khách và thất thần vì cảnh tượng xấu hổ mình đang phải trải qua.
Đây chính là “đòn chí mạng” khiến Bạch Vy tỉnh táo hẳn. Bà chợt nhận ra mình như một trò đùa tình cảm của chính Dương Tao. Sau đó, bà tập hợp lại thư từ của mình và Dương Tao qua nhiều năm, bán cho nhà xuất bản để xuất bản thành sách có tựa đề: “Last Night” (Đêm cuối).
Bà viết rõ ràng rằng: “Ký ức giống như kiếp trước, quên đi kiếp trước thì sẽ quên hết tất cả, tình yêu tan vỡ dù có cố gắng nối cũng chẳng nhặt lại nổi, quét sạch tất cả”.
Cuộc gặp mặt sau 10 năm
Tình cảm tan vỡ, bệnh tật nối tiếp, Bạch Vy ốm nặng sau tất cả mọi chuyện. Thậm chí bà không thể sáng tác nổi, cuộc sống rơi vào cảnh tủi hổ khổ sở vô cùng.
Lúc đó, nhiều người bạn đã đến để giúp đỡ Bạch Vy xây dựng lại tất cả. Thế nhưng từ trong những tháng ngày đau đớn đến cùng cực, Bạch Vy đã liên tiếp cho ra đời những tác phẩm xuất sắc, gây tiếng vang lớn.
Năm 1938, bà đến Trùng Khánh và tiếp tục việc sáng tác. Thời điểm ấy, tên tuổi của Bạch Vy đã tỏa sáng rực rỡ. Thế nhưng bà lại đổ bệnh nặng và trong những ngày đó, Dương Tao xuất hiện. Đây là lúc cách thời điểm Dương Tao trốn chạy khỏi đám cưới tròn 10 năm.
Dương Tao cầu hôn với Bạch Vy, muốn nối lại tình xưa: “Ngày xưa anh không biết yêu em, anh muốn nói cho em biết rằng anh thực sự biết mình đã yêu em”.
Tuy nhiên, lúc này Bạch Vy không còn ngu dại như xưa, bà quay sang thẳng thừng nói: “Bi kịch tôi chịu đủ rồi, tôi không muốn trở thành nhân vật chính của bi kịch nữa”.
Tình cảm muộn màng rẻ mạt hơn cả cỏ dại. Bạch Vy từng “bày hết tim gan” vì tình yêu với Dương Tao nhưng nhận về chỉ toàn đớn đau, sự chê cười cùng hàng loạt lời dối trá.
Họ Dương khiến Bạch Vy bị tổn thương sâu sắc, mài mòn những gì gọi là tình yêu trong tâm hồn. Bà không còn chịu đựng được những sự hành hạ như thế nữa. Có thể Bạch Vy còn yêu nhưng những đớn đau do Dương Tao mang đến, bà chịu không nổi.
Năm 1944, Dương Tao kết hôn và sinh được 3 người con. Bạch Vy suốt đời không lấy chồng, sống một mình tại Bắc Kinh.
Năm 1983, con trai của Dương Tao là Dương Bắc Thần đến Bắc Kinh với mong muốn gặp lại người yêu cũ của cha mình. Ông muốn viết một cuốn tiểu sử cho người cha đã khuất từ lâu.
Ông nhớ lại cảnh tượng lúc đó: “Trước khu chung cư có một hàng cây dương cao vút, lá bay lả tả. Khi cánh cửa mở ra, một bà cụ ngồi trên ghế đan ngắn, tay buông thõng mềm mại. Trên mặt đất có vài cuốn tạp chí”.
Lúc này, Bạch Vy đã quá già yếu và không thể đi lại một mình. Dương Bắc Thần không dám trực tiếp nói ra thân phận thật sự của mình, chỉ nói rằng mình đến từ Chương Châu, Phúc Kiến. Bạch Vy nhìn người thanh niên ấy, khẽ cười rồi nói: “Người yêu cũ của tôi cũng đến từ Chương Châu”.
Một lúc sau, bà nói tiếp: “Tôi chỉ có người yêu đấy thôi đó”.
Từ đầu đến cuối, Bạch Vy chỉ yêu Dương Tao nhưng chính người đàn ông đó đã khiến trái tim bà tan nát đến cùng cực mất rồi!