“Siêu bão” đổ bộ vào thời điểm “nhạy cảm”
Theo thông tin từ BCĐ TƯPCTT, hiện nay trên thế giới đang có 9 cơn bão đang hoạt động cùng lúc. Trong đó cơn bão Mangkhut là mạnh nhất.
“Với cấp gió hiện tại, bão Mangkhut đạt Cấp 5-cấp lớn nhất trong thang bảng Quốc tế-mạnh hơn cơn bão Harvy đã đổ bộ vào nước Mỹ năm 2017 (Cấp 4)”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng BCĐ TƯPCTT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Hiện tại, “Siêu bão” MangKhut với cường độ cấp 17 đang hoạt động ở vùng biển phía Đông Philippines và bắt đầu ảnh hưởng đến Luzon; dự báo sẽ đi vào Đông Bắc Biển Đông trong sáng ngày 15/9 với sức gió cấp 14-15, giật cấp 17; có khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta vào ngày 17/9 (Thứ Hai).
“Hoàn lưu của cơn bão (gió mạnh cấp 6 trở lên) có bán kính rất rộng, từ 400-500 km tính từ tâm bão, hiếm có từ trước tới nay”, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nói.
Dự báo khi đổ bộ, cường độ của bão tuy có giảm so với hiện nay nhưng vẫn rất mạnh (cấp 11-12, giật cấp 14) và gây mưa lớn cho Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trong các ngày từ 17-18/9. Bão có thể gây sóng lớn cao 14 m ở khu vực Bắc Biển Đông, cao 5 m ở quần đảo Hoàng Sa, giữa Biển Đông; tổ hợp nước biển dâng và sóng ở khu vực ven bờ cao từ 4-5 m.
“Trong những ngày gần đây, hướng, cường độ, hoàn lưu bão khá ổn định, gần như không thay đổi. Dự báo của các cơ quan dự báo các nước đều thống nhất. Đây là đặc điểm rất đáng chú ý”, ông Hoàng Đức Cường cho biết.
Với những diễn biến này, vùng bị ảnh hưởng trực tiếp là 27 tỉnh, thành phố từ khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hoá. Trong đó, Quảng Ninh được xác định là trọng điểm.
Khu vực bão đổ bộ có đặc điểm là trung tâm kinh tế, xã hội của vùng với số lượng dân tập trung đông. Các hoạt động trên biển, đảo, đới bờ và đất liền với số lượng rất lớn, đặc biệt là du lịch ven biển và trên các đảo, nuôi trồng thuỷ sản.
Tại các tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều hoạt động khai thác khoáng sản; dân cư, hệ thống công trình giao thông, cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất trong các đợt mưa lũ trước đang được khắc phục bước đầu.
Thời điểm bão đổ bộ là khi lúa vụ hè thu đang ở trong giai đoạn trổ bông và chuẩn bị thu hoạch.
Đặc biệt, hệ thống đê điều, hồ chứa thuỷ lợi có nhiều trọng điểm, xung yếu; các hồ chứa thuỷ điện trên lưu vực sông Hồng và hầu hết hồ chứa khác ở Bắc Bộ đến Nghệ An đã đầy nước.
“Như vậy khả năng rất lớn có thể xảy ra lũ lớn trên hệ thống các sông lớn khu vực phía Bắc; cùng với đó là cảnh báo lũ quét, sạt lở đất”, ông Hoàng Đức Cường tổng hợp.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai họp trực tuyến với 27 tỉnh thành phố bàn biện pháp đối phó với cơn bão Mangkhut |
Cần chủ động, tập trung chỉ đạo quyết liệt
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhắc lại những hậu quả mà cơn bão DAMREY (có cường độ và diễn biến tương đương) đã đổ bộ vào Bắc Bộ cuối tháng 9/2005, gây nước dâng cao từ 3,5-4,5 m, thiệt hại hết sức nghiêm trọng đối với hệ thống đê biển, các công trình và hoạt động phát triển kinh tế, xã hội ở ven biển, cũng như lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ) và khẳng định: “Đây là cơn bão rất mạnh, dự báo đổ bộ vào khu vực đông dân cư, có rất nhiều tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, nhiều hoạt động du lịch, có rất nhiều lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, nhiều cơ sở kinh tế hết sức quan trọng, nhiều công trình, dự án lớn đang thi công.Vì vậy, cần có sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, chủ động triển khai sớm các phương án ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước”.
Phó Thủ tướng yêu cầu BCĐ TƯPCTT, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (UBQG ƯPSC - TKCN), các bộ, ngành, địa phương, nhất là các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ chủ động xây dựng ngay phương án ứng phó, kiểm tra lại lực lượng, vật tư, phương tiện, phương án … để bảo đảm ứng phó hiệu quả nhất.
“Yêu cầu BCĐ TƯPCTT phối hợp với cơ quan dự báo khí tượng thủy văn xác định và thông báo thường xuyên trên phương tiện thông tin đại chúng và các hệ thống thông tin chuyên dùng thường xuyên cập nhật, công bố vùng nguy hiểm trên biển để tàu thuyền, phương tiện vận tải không đi vào và chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Lực lượng bộ đội biên phòng, ngành thủy sản, ngành giao thông vận tải và chính quyền các địa phương phải chủ động phối hợp nắm thông tin đầy đủ từng tàu thuyền, phương tiện trên biển rà soát, kiểm đếm tất cả các tàu thuyền, phương tiện còn hoạt động trên biển (kể cả các tàu vận tải, tàu du lịch), nhất là các phương tiện hoạt động xa bờ để hướng dẫn di chuyển tránh trú an toàn.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, tuyệt đối không để tàu thuyền ra khơi đi vào vùng nguy hiểm. Đồng thời, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại các khu vực neo đậu, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi vào tránh trú.
“Tổ chức, hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với các lồng bè, khu vực nuôi trồng thủy hải sản; chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn về người và tài sản đối với các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển”, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Đối với khu vực trên đất liền, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo hướng dẫn thực hiện tốt việc chằng chống nhà cửa, trụ sở, kho tàng, trường học, biển quảng cáo, cắt tỉa cành cây.
“Đặc biệt, phải có giải pháp bảo vệ an toàn mái nhà của người dân, các công trình hạ tầng; các cột – tháp cao; triển khai phương án bảo đảm an toàn cho các công trình, bến cảng, khu công nghiệp ven biển, các dự án đang thi công, kho tàng, hầm lò, hệ thống truyền tải điện, bãi thải khai thác khoáng sản...”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu chủ động rà soát các khu vực nguy hiểm (khu vực nguy cơ bị ngập do nước biển dâng, sóng lớn, khu vực có nguy cơ sạt lở ven biển, cửa sông...), các công trình không bảo đảm an toàn để chủ động xây dựng phương án sẵn sàng sơ tán dân khẩn cấp khi bão đổ bộ vào. Riêng đối với các địa phương dự báo có mưa lớn cần quan tâm triển khai các giải pháp như chống ngập úng vùng trũng thấp, ngập úng đô thị; lũ trên các tuyến sông, bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập.
Đối với các tỉnh miền núi, Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, thông báo cho người dân để chủ động phòng tránh và kiên quyết sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ động chỉ đạo thực hiện tiêu thoát nước đệm để chống úng cũng như các giải pháp khác để bảo đảm an toàn cho các diện tích lúa và hoa màu.
Đối với hồ chứa thủy lợi, thủy điện, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương chủ động chỉ đạo vận hành bảo đảm an toàn các hồ chứa, tránh thiệt hại cho hạ du.
Đối với hệ thống đê điều, Phó Thủ tướng yêu cầu phải kiểm tra, triển khai ngay các biện pháp gia cố bảo đảm an toàn hệ thống đê điều; đặc biệt là các trọng điểm xung yếu; Chuẩn bị vật tư, phương tiện, nhân lực sẵn sáng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
“Đây là cơn bão đặc biệt nguy hiểm, do đó các bộ, ngành Trung ương, chính quyền các cấp phải chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chỉ đạo, ứng phó kịp thời. Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống lụt bão, UBQG ƯPSC - TKCN, các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng thành lập các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Ghi nhận nỗ lực của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc thông tin về các đợt thiên tai, bão lũ vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để kịp thời thông tin về diễn biến bão và các biện pháp phòng tránh, khắc phục để người dân biết, chủ động đề phòng.
Bình luận