Thông tư số 29 của Bộ GD&ĐT về quy định dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực, các nhà trường tại Yên Bái chủ động, linh hoạt trong việc thích ứng.
Các bậc phụ huynh vẫn còn lo ngại về vấn đề tự học, tự ôn luyện của con em mình. Nhiều ý kiến cho rằng, trong xã hội phát triển, học sinh tiếp cận với nhiều thiết bị công nghệ và dễ sa đà vào các trò chơi trên mạng xã hội, theo đó lơ là việc học nếu không có sự kèm cặp của các thầy cô giáo.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều trường học tại Yên Bái đã có phương án, vận động giáo viên dạy ôn luyện thi không thu tiền đối với các em học sinh cuối cấp (lớp 9, lớp 12).
Đây là phương án giúp phụ huynh học sinh và bản thân các em giảm lo lắng, tự tin hơn trước kỳ thi.

Cô Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (TP. Yên Bái) cho biết: “Ngoài việc tuyên truyền tới giáo viên của nhà trường thực hiện đúng Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT, nhà trường mở các lớp học ôn, luyện thi miễn phí đối với học sinh. Nhà trường cũng sẽ tổ chức các buổi ngoại khóa, ví dụ như “Ngày hội STEM” để nâng cao sự tự tin cho các em, qua đó cũng thúc đẩy tinh thần tự học, rèn luyện. Giúp các em nâng cao khả năng tự học và ôn luyện trước những kỳ thi quan trọng”.
Ngoài việc mở các lớp học miễn phí cho các em, thầy cô giáo còn hướng dẫn học sinh tận dụng các tài nguyên học tập trực tuyến. Việc này giúp các em mở rộng thêm nguồn tài liệu và cách thức học tập. Bên cạnh đó, các trường cũng đang hỗ trợ học sinh bằng cách cung cấp tài liệu ôn tập, sách giáo khoa và các tài nguyên học tập khác.
Cô Hoàng Thu Phiêu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Tân Nguyên (huyện Yên Bình, Yên Bái) chia sẻ: “Trước, nhà trường cũng tổ chức dạy thêm 4 lớp, thời điểm này trong kế hoạch ôn thi học sinh vào 10 có 90 tiết thì học kỳ I đã dạy được 50 tiết, còn 40 tiết. Giải pháp hiện tại của nhà trường là động viên giáo viên dạy miễn phí cho các em ôn luyện.
Nhà trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn để hướng dẫn cho học sinh cách tự học, tự bồi dưỡng. Trước kia giáo dục không dạy thêm, học thêm nhưng học sinh vẫn đỗ đại học, nhờ tự học, tự bồi dưỡng. Bước đầu có những khó khăn, vướng mắc do các em quen với việc lúc nào cũng có cô giáo hướng dẫn. Tuy nhiên, qua triển khai 1 tuần qua, học sinh đã có ý thức tự học được nâng lên”.
“Do việc thiếu giáo viên, nên những giáo viên của nhà trường hiện nay đã thừa giờ. Cũng rất mong muốn có nguồn kinh phí để hỗ trợ cho các giáo viên dạy bồi dưỡng các lớp cuối cấp”, cô Phiêu nói thêm.
“Đây là việc tốt giúp nâng cao ý thức tự học của học sinh. Chương trình học chính khóa phải có nội dung phù hợp với nội dung để học sinh ôn thi. Vừa dạy kiến thức cơ bản, vừa dạy những nội dung phù hợp với khả năng của học sinh để ôn thi tốt nghiệp. Chủ trương là đúng đắn. Bước đầu sẽ có khó khăn, về sau các cô phải tìm ra giải pháp phù hợp với phẩm chất của học sinh, giúp các em có thể tự học, tự ôn mọi nơi, mọi lúc”, cô Hoàng Thu Phiêu bày tỏ.