Nhiều trường học chưa bảo đảm an toàn
Các trường học là nơi tập trung số lượng lớn học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ, nhân viên phục vụ. Để duy trì công việc học tập, đào tạo, nghiên cứu cần một khối lượng lớn cơ sở vật chất kỹ thuật, trong đó hầu hết là chất dễ cháy như bàn, ghế, bệ, bục, hồ sơ, tài liệu, tiềm ẩn nguy cơ gây cháy, nổ.
Bên cạnh đó, cháy cũng có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như do sơ xuất trong việc dùng lửa để nấu thức ăn, để thực hành thí nghiệm, hút thuốc lá, đốt cỏ rác. Tại nhiều trường, học sinh chưa có khái niệm về mức độ nguy hiểm của lửa vì vậy thường hay dùng lửa để nghịch như lấy diêm đốt giấy để sưởi ấm vào mùa đông, dùng lửa để đùa nghịch.
Ngoài ngọn lửa trực tiếp gây ra cháy thì việc sử dụng các thiết bị điện cũng có thể làm phát sinh nguồn nhiệt. Ở các trường học luôn có nhu cầu lớn về việc dùng điện, như để đun nấu, sưởi ấm, là quần áo, chăn màn, tiến hành các thí nghiệm, chiếu sáng.
Quá trình sử dụng thiết bị điện quá công suất chịu tải của dây dẫn và các thiết bị bảo vệ, sử dụng sai quy định gây ra các hiện tượng quá tải, lâu ngày không kiểm tra đường dây dẫn điện nên bị chạm chập.
Thực hiện kế hoạch “Tổng kiểm tra công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố”, Công an thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 231 lượt trường học, cơ sở giáo dục không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ngoài ra, có đến 356 trường học, cơ sở giáo dục trong số 1.317 cơ sở không bảo đảm về PCCC.
Lý giải về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Văn Thắng - Phó trưởng Công an quận Thanh Xuân cho biết: Đa phần các trường học, cơ sở giáo dục, nhóm lớp tư thục đều thuê hoặc sử dụng, thay đổi công năng từ nhà dân, chung cư mini làm lớp học. Do không được thiết kế làm cơ sở giáo dục nên các địa điểm này không được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC.
Đặc biệt, do nhu cầu lớn nên rất nhiều cơ sở mầm non, nhóm trẻ có số trẻ vượt quá quy định. Đội ngũ giáo viên mầm non chủ yếu là phụ nữ nên việc ứng phó và xử lý sẽ rất khó khăn khi xảy ra cháy, nổ. Ngoài ra, tại một số trường học công lập được xây dựng lâu năm, cơ sở vật chất xuống cấp cũng không đáp ứng được yêu cầu về PCCC.
Nguy cơ cháy, nổ tại các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội hiện nay còn đến từ các bếp ăn tập thể tại trường. Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, có hơn 50% số trường học hiện có bếp ăn bán trú. Đây là nguồn có thể xảy ra cháy nổ cao nếu như những người vận hành không am hiểu, thiếu kỹ năng PCCC.
Chủ động phòng ngừa sự cố cháy nổ
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an Thành phố Hà Nội), từ đầu năm 2019 đến nay, trên toàn thành phố chỉ xảy ra một sự cố cháy tại trường học, không gây thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, nhiều trường học, chưa chấp hành nghiêm túc các quy định, không bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC, nhất là tại các quận có mật độ dân cư và giao thông đông đúc.
Kiểm tra công tác PCCC tại Trường Mầm non tư thục Mặt trời đỏ, Đoàn kiểm tra của Công an quận Thanh Xuân đánh giá, đơn vị này chưa được trang bị đầy đủ về phương tiện và chưa thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng trang thiết bị PCCC hiện có.
Tại Trường THCS Nhân Chính, đoàn kiểm tra phát hiện nhà trường chưa lắp đặt hệ thống báo cháy tự động theo quy định; máy bơm chữa cháy động cơ xăng không hoạt động, máy bơm chữa cháy động cơ điện có hoạt động tuy nhiên khi thử áp lực nước không đạt; không lắp đặt đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn...
Theo Thiếu tá Nguyễn Tiến Nam - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an Thành phố Hà Nội), đối với những vi phạm do thiếu sót về trang, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ, sau khi được nhắc nhở, các trường học đã chủ động bổ sung, khắc phục theo yêu cầu.
Còn tại các công trình không bảo đảm do vi phạm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hoặc thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 05/2017/NQ-HĐND, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các giải pháp khắc phục, đồng thời tăng cường tập huấn, tuyên truyền kiến thức để giáo viên, học sinh chủ động phòng ngừa sự cố cháy nổ.
Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Thời gian tới, sở sẽ tăng cường kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp chủ quan, lơ là PCCC trong nhà trường.
Đối với những trường học, cơ sở giáo dục tư thục, đặc biệt là các cơ sở mầm non, nhóm trẻ, nếu phát hiện vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, Sở sẽ đề nghị UBND các cấp ban hành quyết định đình chỉ hoạt động. Những cơ sở mới xin cấp phép thì việc tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy là yêu cầu bắt buộc.
Chính quyền các địa phương cần chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra; chỉ đạo, quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống PCCC theo đúng quy chuẩn; thực hiện đầy đủ quy định về thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC đối với các công trình được cải tạo, mở rộng và xây mới.
Việc tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC trong tất các cơ sở trường học là rất quan trọng. Các trường cần đẩy mạnh công tác tự kiểm tra và khắc phục tại chỗ các tồn tại thiếu sót; Thực hiện nghiêm chế độ huấn luyện cho lực lượng PCCC cơ sở, cán bộ giáo viên và học sinh, từng bước đưa kiến thức an toàn PCCC vào chương trình học.