Từ đầu tháng 4, số ca mắc Covid-19 bắt đầu tăng, đặc biệt, trước thông tin biến thể phụ là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột ngột số ca mắc tại Ấn Độ và một số quốc gia khiến nhiều người lo ngại về một làn sóng dịch mới.
Tuy vậy, chuyên gia khuyến cáo cần bình tĩnh trước các thông tin về dịch bệnh, không chủ quan, lơ là để tránh xu hướng tăng số ca mắc bệnh, nhất là trong trường học.
Tuân thủ các biện pháp phòng dịch
GS.TS Phan Trọng Lân. Ảnh: INT. |
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong ngày 24/4 có 1.907 ca Covid-19 mới, trong đó có 101 ca nặng. Trong ngày, có 227 ca được công bố khỏi bệnh. Theo ông Phan Trọng Lân để phòng chống dịch Covid-19 trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo thông điệp 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác. Trong đó, ghi nhớ việc đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, phương tiện giao thông, tại không gian kín và các địa điểm bắt buộc, khử khuẩn nhất là vệ sinh tay và tiêm phòng vắc xin Covid-19 đúng lịch, đủ liều.
Bác sĩ Nguyễn Thị Lan, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang - Hà Nội cho biết, so với trước đây, triệu chứng của Covid-19 hầu như không có sự thay đổi nhiều. Đa số bệnh nhân vào viện với các biểu hiện gần giống với cúm và các loại sốt virus khác như hắt hơi, sổ mũi, đau rát họng, ho khan, sốt, đau mỏi người...
Một số trường hợp vào khám với triệu chứng ho khan dai dẳng 5 - 7 ngày không đỡ, đi khám được test nhanh sàng lọc thì có kết quả dương tính. Các bệnh nhân nhập viện chủ yếu là các đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen, đái tháo đường, đột quỵ não, người già)... Hầu hết, bệnh nhân không phải can thiệp thở oxy.
Việc chăm sóc, điều trị bệnh nền cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại bệnh viện đều cần có sự phối hợp của bác sĩ chuyên khoa tương ứng với bệnh nền. Covid-19 có thể kết hợp gây ra những biến chứng nặng trên bệnh lý nền người bệnh mắc phải.
Nhóm độ tuổi mắc cũng đa dạng, cả trẻ con, người lớn, người già. Có trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ não không đi ra khỏi nhà vào viện chỉ với biểu hiện sốt. Ngay lập tức được sàng lọc test nhanh và có kết quả dương tính.
Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, việc đánh giá tình hình dịch Covid-19 sẽ dựa trên 3 yếu tố. Thứ nhất là virus SARS-CoV-2. Đến thời điểm này, biến thể phụ Omicron đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau.
Biến thể này hiện đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới và đang chiếm ưu thế. Các chuyên gia nhận thấy đây là biến thể có đặc tính lây lan nhanh, nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng những ca nặng.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng lưu ý, các đối tượng như người lớn tuổi, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai dễ chuyển biến nặng và có nguy cơ tử vong khi mắc Covid-19.
Thứ hai là môi trường sống, hành vi của người dân. Biến thể Omicron có đặc điểm lây lan nhanh. Hiện nay, hầu hết các nước đã mở cửa, nới lỏng toàn bộ các biện pháp phòng chống dịch kể cả ở những nước có sự lây nhiễm cao.
Cùng đó việc giao lưu đi lại sau 3 năm đại dịch gia tăng rất lớn, thậm chí ngay trong nước cũng làm gia tăng sự giao tiếp. Những sự giao lưu này đã tạo điều kiện cho virus lây lan sang đối tượng khác.
Thời gian qua, hoạt động phòng chống dịch của chúng ta đạt hiệu quả nhờ đẩy mạnh tiêm vắc-xin. Vì thế, người dân có tâm lý chủ quan với biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn, chính điều này làm gia tăng sự lây nhiễm. Thực tế, hiện nay số mắc tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc, nơi đang có sự giao mùa, thời tiết này thuận lợi cho sự phát triển của virus.
Thứ ba, chúng ta đã bao phủ vắc-xin phòng chống dịch Covid-19 rất sớm. Với liều cơ bản, chúng ta bao phủ gần như 100% cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên, mũi 3, 4 cũng đạt tỷ lệ cao 80 - 90%, việc tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi mũi 1 cũng lên đến 90%, mũi 2 là gần 70%. Tuy nhiên có nơi, có chỗ tỷ lệ tiêm chưa đạt như mong muốn, đặc biệt ở đối tượng nguy cơ cao.
Ông Phan Trọng Lân khẳng định, đa phần các trường hợp mắc Covid-19 đều có triệu chứng nhẹ. Virus SARS-CoV-2 tiếp tục tồn tại, do đó để không ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội và cuộc sống, chúng ta phải tập trung bảo vệ tối đa đối tượng nguy cơ cao, là người cao tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, kể cả lực lượng y tế tuyến đầu. Mục tiêu trong giai đoạn tới là giảm tử vong, không gây quá tải cho hệ thống y tế.
Người dân cần tiêm chủng đúng, đủ liều vắc-xin Covid-19. Với đối tượng tiêm mũi 1, 2, 3, 4 thì tiếp tục theo dõi. Trong thời gian tới khi mà các khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêm chủng chỉ tập trung vào nhóm đối tượng nguy cơ cao, thì mỗi quốc gia phải có đánh giá đầy đủ trên các đối tượng đã tiêm chủng, và ở mỗi đợt dịch.
Công tác vệ sinh được tiến hành thường xuyên ở các trường học. Ảnh minh họa: Thế Đại. |
Nhà trường chủ động phòng chống dịch
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố chủ động giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, tổ chức đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục, giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng, để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Y tế để chủ động phát hiện sớm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Do Covid-19, từ đầu năm 2020 - 2022, hơn 2,2 triệu học sinh và trẻ mầm non Hà Nội đã nhiều lần chuyển từ học trực tiếp sang trực truyến. Trong đó, giai đoạn giữa năm 2021, học sinh Thủ đô phải học trực tuyến tới 9 tháng. Hà Nội là địa phương cho học sinh ở nhà lâu và quy mô lớn nhất cả nước thời điểm đó.
Thời gian này, trước thông tin dịch Covid-19 có dấu hiệu tăng, nhiều phụ huynh bày tỏ sự lo lắng. Chị Nguyễn Lan Hương (Cầu giấy, Hà Nội) cho biết, từ khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát thì gia đình cũng lơ là trong công tác phòng bệnh. Tuy nhiên, gần đây, khi dịch bệnh có chiều hướng tăng thì cả nhà đều chủ động phòng dịch hơn. “Vợ chồng tôi đã nhắc các con thực hiện nghiêm túc đeo khẩu trang khi tiếp xúc chỗ đông người, dùng riêng bình nước khi ở trên lớp học và mang theo dung dịch khử khuẩn trong cặp sách để sử dụng mọi lúc mọi nơi”, chị Lan Hương cho hay.
Từng trải qua 3 năm học ứng phó với dịch bệnh Covid-19 nên dù lo lắng nhưng các trường học trên địa bàn Hà Nội đều có kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh, sẵn sàng có phương án nếu tình hình dịch bệnh chuyển biến xấu.
Cô Lưu Thị Lập, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu (quận Đống Đa, TP Hà Nội), cho biết, việc dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Tuy nhiên, việc trải qua một thời gian dài sống chung với dịch bệnh nên trường có nhiều kinh nghiệm và sẵn sàng có các phương án chủ động, linh hoạt trong kế hoạch giảng dạy, ôn tập cho học sinh nhất là học sinh lớp 12.
Cô Trần Thị Quyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Nghĩa (quận Hà Đông) - cho hay, ngoài phòng dịch Covid-19, nhà trường luôn chú ý phòng chống các dịch bệnh theo mùa khác như: Sốt xuất huyết, cúm A, thủy đậu... Đặc biệt là khi thời tiết nồm ẩm dễ phát sinh mầm bệnh.
Theo cô Quyên, công tác phòng chống dịch bệnh là một trong các nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt năm học của nhà trường. Không đợi đến “lúc có dịch mới phòng”, theo định kỳ mỗi năm học 2 lần, nhà trường chủ động phối hợp với phụ huynh tiến hành tổng vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ phòng học cũng như trang thiết bị phục vụ bán trú của học sinh, phát quang bụi rậm phòng tránh dịch sốt xuất huyết…
Cô Nguyễn Thị Liên, Trường Mầm non Hoa Sen (Hà Nội) cho rằng, phụ huynh học sinh không nên hoang mang trước những thông tin thiếu kiểm soát liên quan đến dịch bệnh.
Dù số ca mắc có thể tăng lên nhưng trường học, gia đình, và các em học sinh sẵn sàng ứng phó, đồng thời đã có nhiều kinh nghiệm để ứng phó trong những năm qua. Giáo viên cần chủ động trong công tác phòng chống dịch, đồng thời ổn định tâm lý cho học sinh yên tâm học tập, thi cử.
Liên quan đến thông tin “Hà Nội sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến khi có học sinh mắc Covid-19” xuất hiện trên mạng xã hội, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định thông tin trên là không chính xác. Sở không có phát ngôn nào về việc dạy học trực tuyến trong thời điểm hiện nay.
Công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó có dịch Covid-19 được toàn ngành GD-ĐT Hà Nội duy trì từ đầu năm học 2022 - 2023 đến nay. Các phòng GD&ĐT, nhà trường cần thận trọng khi chia sẻ những thông tin về dịch bệnh khi chưa có căn cứ của cơ quan chuyên môn, tránh gây hiểu lầm, gây hoang mang trong phụ huynh và học sinh.
Theo ghi nhận tại một số trường học trong những ngày gần đây, số lượng học sinh nghỉ học do sốt, cảm cúm nhiều hơn so với thời điểm cuối tháng 3. Tuy nhiên, trong số đó, học sinh mắc Covid-19 chiếm số lượng ít, việc dạy học tại các trường vẫn diễn ra bình thường.
Thời điểm này là những tuần cuối cùng của năm học 2022 - 2023, học sinh toàn thành phố đang chuẩn bị cho các kỳ kiểm tra cuối năm học. Học sinh lớp 9 và lớp 12 đang tập trung ôn tập cho kỳ thi chuyển cấp, tốt nghiệp. Thông tin không chính xác về dịch bệnh phần nào gây hoang mang, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của phụ huynh và học sinh, đặc biệt là các em cuối cấp.