Đó là gợi mở của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng khi phát biểu tại Đại hội Công đoàn Cơ quan Bộ GD&ĐT lần thứ III, nhiệm kỳ 2023 – 2028 (ngày 16/8).
Thuận lợi và thách thức đan xen
Đại hội Công đoàn Cơ quan Bộ GD&ĐT lần thứ III, nhiệm kỳ 2023 - 2028 là diễn đàn chính trị quan trọng, thể hiện nguyện vọng, ý chí quyết tâm và sự năng động của đoàn viên, thể hiện tinh thần đổi mới, tự chủ, hội nhập, phát triển vì mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thực hiện nhiệm vụ của công đoàn các cấp. Công đoàn Cơ quan Bộ tiếp tục đổi mới hoạt động, tổ chức phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động, xây dựng đội ngũ đoàn viên công đoàn và tổ chức Công đoàn Cơ quan Bộ GD&ĐT ngày càng vững mạnh.
Ngày 16/8, Công đoàn Cơ quan Bộ GD&ĐT tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2023 – 2028. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã đến dự và chúc mừng Đại hội. Cùng dự có ông Nguyễn Ngọc Ân – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận, nhiệm kỳ 2018 - 2023, Công đoàn Cơ quan Bộ GD&ĐT đã hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn; tích cực triển khai toàn diện các hoạt động và đạt được những kết quả đáng ghi nhận
Thứ trưởng nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhất đã được Công đoàn chú trọng làm tốt theo định hướng chỉ đạo của Đảng ủy, lãnh đạo Bộ là, luôn quán triệt, động viên toàn thể đoàn viên, công chức, viên chức và người lao động tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, lao động giỏi, lao động sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã giao cho ngành Giáo dục; đặc biệt là các mục tiêu, nhiệm vụ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Đại hội. |
Theo Thứ trưởng, nhiệm vụ đặt ra trong 5 năm tới còn hết sức nặng nề. Thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen. Những thành tựu mà ngành giáo dục và đào tạo đạt được trong thời gian qua là những động lực to lớn để tiếp tục chặng đường đổi mới, đạt được mục tiêu Đảng, Nhà nước giao phó.
Tuy nhiên, chặng đường tiếp theo, chúng ta cũng cần xác định những khó khăn, thách thức dưới cả hai khía cạnh là: nguồn lực eo hẹp và tình hình quốc tế, khu vực ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.
Ngoài ra, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động sâu sắc đến đời sống, việc làm, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội. |
Sớm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra
Thứ trưởng nhấn mạnh, thời gian qua, Đảng ủy, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã có nhiều chủ trương, giải pháp, biện pháp tích cực, chỉ đạo quyết liệt nhằm sớm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra từng năm.
Trong bối cảnh đó, đòi hỏi Công đoàn cơ quan Bộ phải đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động; là cầu nối để triển khai toàn diện các chủ trương, nghị quyết của Đảng ủy, lãnh đạo Bộ, các chỉ đạo của Công đoàn cấp trên và cụ thể hóa các nội dung để triển khai đến đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động thực hiện có hiệu quả.
Tán thành với mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp nhiệm kỳ 2023 – 2028, Thứ trưởng đề nghị, Đại hội nghiêm túc tiếp thu, bổ sung vào văn kiện để tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ tới.
Các đại biểu biểu quyết thông qua một số nội dung của Đại hội. |
Gợi mở một số vấn đề cần tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ tới, Thứ trưởng trao đổi, Công đoàn cần tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động. Tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị.
Đồng thời tích cực, chủ động tham gia tham gia xây dựng, chỉnh đốn, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, coi đây cũng là trách nhiệm và quyền lợi chính trị của đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động và tổ chức công đoàn.
Công đoàn Cơ quan Bộ GD&ĐT 'đổi mới - dân chủ - đoàn kết - phát triển'
Cùng với đó, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng để mọi đoàn viên nhận thức sâu sắc và đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm trước của cán bộ công đoàn các cấp, phát huy trí tuệ, nỗ lực phấn đấu vượt khó khăn, thách thức, cùng với cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần cùng với ngành giáo dục thực hiện thành công Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Đại biểu tham dự Đại hội. |
Mặt khác, Công đoàn cơ quan Bộ cần đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, hiệu quả có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cơ quan, đơn vị.
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức. Chú trọng thực hiện tốt công tác đoàn viên, từ việc phát triển đoàn viên mới, quản lý đoàn viên đến việc nâng cao chất lượng đoàn viên và chăm lo lợi ích đoàn viên.
Ngoài ra, Công đoàn cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng lấy nhu cầu chính đáng của số đông đoàn viên, người lao động làm cơ sở hoạt động; lấy đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động làm mục tiêu; lấy công đoàn cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu; công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở phục vụ đoàn viên, người lao động. Xây dựng nguồn lực đủ mạnh để hoạt động Công đoàn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân được vinh danh khen thưởng. |
Toàn cảnh Đại hội. |
Theo Báo cáo của Ban Chấp hành Công đoàn Cơ quan Bộ GD&ĐT, đầu nhiệm kỳ 2018 - 2023, cơ cấu tổ chức gồm có 11 công đoàn cơ sở và 22 công đoàn trực thuộc với 898 đoàn viên; trong đó có 423 đoàn viên nữ (chiếm 47,1%). Đến nay, Công đoàn Cơ quan Bộ có 10 công đoàn cơ sở, 21 công đoàn trực thuộc với 939 đoàn viên; trong đó có 448 đoàn viên nữ (chiếm 47,71%).
Hiện có 159 tiến sĩ (chiếm 16,93%), 415 thạc sĩ (chiếm 44,20%), 300 đại học (chiếm 31,95%), 65 trình độ khác (chiếm 6,92%); lý luận chính trị cao cấp 220 (23,43%), lý luận chính trị trung cấp và sơ cấp 433 (46,11%).