Chủ động bắt nhịp

GD&TĐ - Năm 2023, phương án thi tốt nghiệp THPT, trong đó có đề thi tiếp tục giữ ổn định.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Việc này được Bộ GD&ĐT thông báo sớm, là căn cứ giúp các trường THPT chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, công tác ôn tập trước kỳ thi ngay từ đầu năm học. Giải pháp mang lại hiệu quả trong ôn tập tốt nghiệp THPT ở những năm qua tiếp tục được duy trì. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chung của nhà trường.

Qua hơn nửa chặng đường năm học 2022 - 2023, từ kết quả kỳ I tại các địa phương, có thể thấy, hoạt động đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học được tăng cường. Tổ chức dạy học, các kế hoạch giáo dục trong nhà trường đều thực hiện nghiêm túc. Việc không còn ảnh hưởng của đại dịch, học sinh đến trường học trực tiếp là thuận lợi giúp bảo đảm chất lượng giáo dục.

Ghi nhận thực tế, nhiều cơ sở giáo dục, địa phương đã đặt ra mục tiêu cụ thể trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Đi kèm với mục tiêu này là các giải pháp phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, nhà trường. Trong đó, điểm chung là ưu tiên đội ngũ giàu kinh nghiệm, chuyên môn vững vàng để dạy học, ôn tập cho học sinh lớp 12.

Đưa ra lộ trình ôn tập dài hơi theo từng giai đoạn, tăng tiết, tăng buổi hợp lý. Phân loại trình độ học sinh để tổ chức lớp ôn tập đạt hiệu quả tốt nhất. Chủ động hướng dẫn học trò tham khảo, làm quen với cấu trúc đề thi trong quá trình dạy học và ôn tập. Tổ chức các đợt thi thử cấp trường, tỉnh/thành giúp học sinh nắm vững hình thức thi, cách thức làm bài thi và rèn luyện tâm lý, tạo tâm thế tốt khi tham gia kỳ thi chính thức…

Tuy nhiên, một số khó khăn trong dạy học, ôn tập trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cũng cần được nhận diện. Như, một bộ phận thầy trò có tâm lý trông chờ vào đề thi tham khảo. Việc học online thời gian dài trong năm học 2021 - 2022 khiến không ít học sinh có biểu hiện mất kiến thức căn bản, ảnh hưởng không nhỏ đến tiếp thu kiến thức ở chương trình lớp 12. Cũng có trường hợp học sinh do chọn sai tổ hợp nên tâm lý bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, ý thức học chưa tốt, chưa nhận thức được tầm quan trọng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT nên học tập thiếu tích cực… còn tồn tại ở nhiều em.

Lưu ý về công tác ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm nay, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), cho rằng: Các nhà trường cần tổ chức ôn tập cho học sinh bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12.

Cùng với đó, lưu ý nội dung kiến thức có liên quan, tiếp nối ở lớp 10, 11 theo hướng khai thác, vận dụng kiến thức đã học trong chương trình, đáp ứng theo các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Với học sinh, cần chủ động hệ thống hóa kiến thức và luyện tập kỹ năng khai thác, vận dụng kiến thức theo hệ thống câu hỏi, dạng bài tập với cả 4 mức độ. Qua đó, giúp các em nắm vững kiến thức một cách có hệ thống; làm chủ kiến thức để khai thác, sử dụng trong tình huống khác nhau của đề kiểm tra, đánh giá, thi.

Từ thực tế các kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhận diện cả thuận lợi và khó khăn, bài học kinh nghiệm rút ra đầu tiên có lẽ là cần chú trọng các khâu kiểm tra, đánh giá, quan tâm đến đánh giá thực chất để có chất lượng đầu ra. Phân cấp mạnh hơn, gắn trách nhiệm của tổ chuyên môn, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm với kết quả đầu ra của học sinh. Công tác quản lý giám sát của lãnh đạo các cấp, từ sở GD&ĐT đến cấp trường phải sát và thường xuyên hơn… Bên cạnh ý thức học tập, phấn đấu của học sinh, vai trò của gia đình cũng vô cùng quan trọng bởi không thể có kết quả giáo dục tốt nếu chỉ phó mặc cho giáo viên, nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ