Chủ trương một, biện pháp phải mười
Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết số 01 của Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành kèm theo 242 nhiệm vụ, công việc cụ thể để các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay từ ngày đầu tháng 1/2018.
Đề cập đến những kết quả toàn diện về kinh tế-xã hội đạt được trong năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2017, Chính phủ đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được Quốc hội giao; trong chỉ đạo điều hành luôn kịp thời, nhịp nhàng; giữ vững được sự ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, an sinh xã hội.
Qua thực tiễn phát triển đất nước trên các mặt trong năm 2017, nhiều bài học kinh nghiệm quý đã được rút ra. Đó là các cấp, các ngành phải không ngừng phấn đấu, nỗ lực, thực hiện trên tinh thần quyết liệt, bám sát nhiệm vụ, nêu cao trách nhiệm.
Phải có sự tập trung rà soát, đối thoại, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quyết liệt trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thường xuyên tiến hành đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình; theo dõi sát diễn biến tình hình, chỉ đạo xử lý kịp thời các tình huống đặt ra.
Phải phát huy được tinh thần đoàn kết, nhất trí, cộng sự, quyết liệt, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cùng nhau hỗ trợ trong xử lý công việc, giải quyết khó khăn, vướng mắc. Có sự ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển...
Nhấn mạnh ý nghĩa của năm 2018 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, bên cạnh những thuận lợi, nước ta vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức; yêu cầu đặt ra đối với các bộ, ngành, địa phương là cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết nhất trí, đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luật tại Hội nghị |
Tăng trưởng năm 2018 phải đạt trên mức Quốc hội thông qua
Hội nghị đã thống nhất chủ đề của năm 2018 là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành; thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Nghị quyết số 01 năm 2018 của Chính phủ.
Bảo đảm tăng trưởng năm 2018 phải đạt trên mức Quốc hội thông qua. Đồng thời, phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế, của từng ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp, gắn với đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược.
Tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn tái cơ cấu kinh tế. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm cho người dân có cuộc sống tốt hơn cả về vật chất và tinh thần.
Đề cập tới các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết cần tiếp tục tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; kiểm soát chặt chẽ lạm phát theo mục tiêu. Bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống.
Quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu đầu tư; tạo các điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, khuyến kích mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, coi đây là một trong những động lực quan trọng cho phát triển đất nước. Đẩy nhanh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư tư nhân, xã hội hóa các nguồn lực đầu tư. Thu hút có chọn lọc các dự án FDI; kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI. Phấn đấu tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2018 là 34% GDP.
Thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, mở rộng thị trường; phấn đấu năm 2018 tăng kim ngạch xuất khẩu khoảng 10%. Xây dựng, phát triển mạnh các thương hiệu quốc gia, trước hết là lương thực, nông sản, rau quả, trái cây, thủy sản Việt Nam.
Đi liền với đó là kiểm soát tốt nhập khẩu, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp; kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu qua đường tiểu ngạch đối và tạm nhập, tái xuất.
Phát triển mạnh thị trường trong nước; mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phân phối, bán lẻ; quản lý và kiểm soát tốt sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài; khuyến khích, kích cầu tiêu dùng trong nước.
Tăng cường quản lý thị trường, giá cả; xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, buôn lậu, hàng giả; bảo đảm cân đối cung-cầu hàng thiết yếu, không để sốt giá, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.
Tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu
Về công nghiệp, tiếp tục tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu. Thúc đẩy cơ cấu lại công nghiệp, đẩy mạnh hơn nữa phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, sản phẩm cạnh tranh, thân thiện môi trường.
Thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, tạo chuyển biến rõ nét trong nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch; xây dựng môi trường du lịch thân thiện, văn hóa, an ninh, an toàn cho du khách; phấn đấu đạt mục tiêu 15-17 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2018.
Quan tâm hơn nữa đến công tác phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Tập trung thực hiện hiệu quả chính sách đối với người có công, người nghèo; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, hộ nghèo.
Triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về công tác y tế, dân số trong tình hình mới. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ trong đời sống, sản xuất.
Hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động; phấn đấu đạt tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế cao hơn 85,2%....
Thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; cần có sự phối chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ này.
Xây dựng bộ máy hành chính trong sạch; hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung mạnh vào cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính.
Đổi mới phương thức, lề lối làm việc, xây dựng đội ngũ cán bộ có tinh thần phục vụ cao, kịp thời giải quyết, xử lý các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp.
Không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại tố cáo.
Tăng cường đối thoại, giải quyết khiếu nại tố cáo ngay từ cấp cơ sở. Xử lý nghiêm những trường hợp kích động, lôi kéo công dân khiếu kiện đông người hoặc lợi dụng khiếu kiện để gây rối.