Chủ đề của năm 2018 là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”

GD&TĐ - Chính phủ ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP Hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2017.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Tại Nghị quyết số 138/NQ-CP, Chính phủ thống nhất chủ đề của năm 2018 là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục phát huy kết quả đạt được, không chủ quan, khẩn trương khắc phục hạn chế, yếu kém; tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức; tiếp tục đoàn kết, nhất trí, đổi mới mạnh mẽ, năng động, sáng tạo, quyết tâm hành động, xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, trong sạch, liêm chính; nỗ lực thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ ngay từ những ngày đầu năm, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và 5 năm 2016 - 2020.

Chuẩn bị tốt Tết Nguyên đán Mậu Tuất

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện cho Nhân dân đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, không để người dân bị thiếu đói, nhất là vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 22/12/2017 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2018;

Chỉ thị số 48/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018; Công điện số 1882/CĐ-TTg ngày 08/12/2017 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân 2018.

Các bộ, cơ quan ngang bộ theo chức năng, thẩm quyền được giao chủ động giải quyết các kiến nghị của địa phương; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét. Văn phòng Chính phủ tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết các kiến nghị của các địa phương.

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương cần tiếp tục tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh, chú trọng thực hiện các giải pháp cải thiện mạnh mẽ các chỉ số còn dư địa, thấp điểm, thấp hạng; thúc đẩy tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn thuộc phạm vi quản lý, quyết tâm phấn đấu đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN - 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.

Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể.

Trong đó tập trung cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành; bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định; thường xuyên tổ chức đối thoại chính sách với doanh nghiệp, kịp thời xử lý những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp.

Tăng cường kỷ cương trong xây dựng thể chế pháp luật

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, xây dựng kế hoạch, xác định rõ tiến độ thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý, nhất là những dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, 2019 và chương trình xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh năm 2018 để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập của quy định pháp luật hiện hành liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng thể chế pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, không để xảy ra tình trạng xin rút, xin lùi, nợ đọng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong chương trình.

Công tác xây dựng thể chế pháp luật năm 2018 rất nặng nề, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ưu tiên thời gian, trực tiếp chỉ đạo, đổi mới cách làm, nâng cao chất lượng công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; phân công trách nhiệm cụ thể, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; tập trung nguồn lực cho công tác này, nhất là việc tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, xây dựng dự án luật; lập kế hoạch, lộ trình phù hợp, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Chính phủ, hạn chế tối đa việc xin điều chỉnh tiến độ; Chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và các cơ quan của Quốc hội trong suốt quá trình nghiên cứu, soạn thảo, đặc biệt là khâu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh...

Cải cách thủ tục hành chính

Chính phủ yêu cầu các địa phương phải đổi mới công tác đối thoại, tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về các vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật; chủ động gửi các phản ánh, kiến nghị về bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành để xử lý theo thẩm quyền, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp.

Các cơ quan hành chính nhà nước tổ chức triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; cắt giảm các cuộc họp, giấy tờ hành chính và chế độ báo cáo không cần thiết; tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh và giảm chi phí cho doanh nghiệp; xem xét, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, chấn chỉnh hành vi nhũng nhiễu, thờ ơ, vô cảm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Đồng thời, các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 theo đúng tiến độ; trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật cho việc ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và xây dựng Chính phủ điện tử theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành; xây dựng, hoàn thiện Kiến trúc Chính phủ điện tử của bộ, ngành, địa phương bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Khung Kiến trúc Chính phủ Việt Nam; phấn đấu đến cuối năm 2018, 100% các đơn vị thuộc bộ, ngành trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; tập trung triển khai có hiệu quả hệ thống thông tin một cửa điện tử tại các bộ, ngành, địa phương.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thống nhất việc triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, chia sẻ dữ liệu dùng chung giữa các bộ, ngành, địa phương; bảo đảm an toàn thông tin mạng, gắn kết giữa bảo đảm an toàn thông tin với phát triển Chính phủ điện tử và chính quyền điện tử các cấp; có biện pháp kiên quyết xử lý đối với trường hợp đưa tin xấu, độc, bịa đặt, vu khống dưới các hình thức trên mạng xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.