Chống tham nhũng - không thể làm nửa vời

Chống tham nhũng - không thể làm nửa vời

(GD&TĐ) - Vấn nạn tham nhũng,  tiêu cực  là kẻ thù, là “giặc nội xâm” làm nghèo đất nước, làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào sự tồn vong của chế độ. Hiện nay, nó đang bị “điểm mặt chỉ tên” mà minh chứng rõ nhất, mới nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI Trung ương Đảng khóa XI) “Về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, điều đó thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước, bằng những chủ trương biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ.

Thời gian qua, đã có những vụ việc, những nhân vật là cán bộ lãnh đạo từ cấp trung ương đến địa phương bị truy tố, bị cách chức vì tội tham ô, tham những, từ đó đã góp phần tạo được niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước.

Tuy nhiên, khách quan mà nói, tham nhũng vẫn đang là vấn nạn, là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay. “Trận chiến” lần này có thể nói là không khoan nhượng để bảo vệ đất nước từ bên trong, quyết định sự tồn vong của chế độ, do đó, ngoài chủ trương biện pháp mạnh, phải có sự đồng tâm hiệp lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó không thể xem nhẹ vai trò của báo chí. 

Tâm lý chung của quần chúng nhân dân là, một khi đã phát hiện vụ việc tham nhũng thì cần phải phanh phui và xử lý thích đáng; không nể nang, nương nhẹ ai, không để xảy ra  chuyện “chìm xuồng” không để các “quan tham” “hạ cánh an toàn” và nhất là không thực hiện các biện pháp như xử lý nội bộ, xử cho qua chuyện, tránh làm theo kiểu "giơ cao đánh khẽ”… kỷ cương phép nước phải nghiêm và mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

Luật Phòng, chống tham nhũng đã được Quốc hội thông qua.  Từ cấp trung ương đến địa phương, và  các ban ngành cũng đã hình thành những bộ phận đặc trách chống tham nhũng. Tuy nhiên, nhân sự để thực hiện nhiệm vụ này, đòi hỏi phải là những cán bộ, đảng viên trong sạch, có bản lĩnh và lập trường, tư tưởng vững vàng. Tránh chạy theo hình thức, làm cho xong lần và đặc biệt phải biết dựa vào quần chúng nhân dân, vào cơ quan báo chí, coi đây là kênh thông tin, một đối tác quan trọng để phát hiện, tố giác các cá nhân tham nhũng, tiêu cực. 

Thực tế, trong xã hội ta hiện nay không phải hiếm gặp những câu chuyện đại loại người này người kia nói phải “chạy” thế nào, phải lo lót ra sao, phải phong bì, phong bao bao nhiêu v.v… để có việc làm, để được thăng chức. Đây là một đầu mối cần được quan tâm, vì “không có lửa làm sao có khói”. Điều quan trọng là phải tìm ra chính xác “mầm lửa” đó ở đâu.

Đảng đang kiên quyết chống tham nhũng; do vậy hơn lúc nào hết, các địa phương và các ngành chức năng phải làm nghiêm, xử lý đúng người đúng tội. Không có sự bao che, dung túng cho nhau từ cấp trên như một số vụ việc đã từng xảy ra trước đây, bởi lẽ làm như vậy sẽ chẳng thuyết phục được ai, chỉ tạo điều kiện cho những kẻ tham nhũng, cán bộ thoái hoá, biến chất có cơ sở để lẩn tránh, đối phó và “yên  tâm” tiếp tục…tham nhũng, sai phạm. 

Để cuộc chiến đấu chống  "giặc nội xâm" đạt được kết quả như mong đợi, đòi hỏi phải có sự đồng lòng nhất trí cao, phải mạnh tay, đều tay ở mọi ngành, mọi cấp. Có như vậy "giặc tham nhũng" mới không còn "đất sống" và Đất nước ta sẽ trở thành một "cơ thể khỏe mạnh" để phát triển bền vững trên con đường xây dựng một Nhà nước "của dân, do dân và vì dân".

Dân Hùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.