Chồng lấn về quy hoạch là rào cản trong phát triển kinh tế, xã hội

GD&TĐ - Cử tri cho rằng, sự chồng lấn về quy hoạch là rào cản trong quá trình, tiến trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, vùng và quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Chồng lấn về quy hoạch là rào cản trong phát triển kinh tế, xã hội.
Đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Chồng lấn về quy hoạch là rào cản trong phát triển kinh tế, xã hội.

Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) nêu rõ, từ Kỳ họp thứ 6 đến nay, cử tri cho rằng Chính phủ, Thủ tướng đã tích cực quan tâm giải quyết vấn đề còn tồn đọng, bất cập trong các kiến nghị của cử tri; đặc biệt thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chính phủ đã quy định về cơ chế quản lý tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia với các nội dung chủ yếu như phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhất là các cấp cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp trong quản lý và tổ chức thực hiện.

Đại biểu cho biết, cử tri cũng cho rằng sự chồng lấn về quy hoạch là rào cản trong quá trình, tiến trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, vùng và quốc gia.

Thực hiện Quyết định số 866/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì đối với việc thăm dò, khai thác khoáng sản bauxite, sản xuất alumin, nhôm kim loại đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông, đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ sinh thái vùng Tây Nguyên và phù hợp với Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các công trình trọng điểm tại Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng chưa thể triển khai thực hiện do vướng về mặt pháp lý, chồng lấn về mặt quy hoạch vùng dự trữ mỏ khoáng sản, rất khó khăn cho địa phương trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất dự trữ khoáng sản để phát triển kinh tế xã hội (KTXH).

Đại biểu nhấn mạnh, để xử lý chồng chéo giữa quy hoạch dự trữ mỏ và khai thác khoáng sản với các quy hoạch phát triển KTXH của Việt Nam như: Quy hoạch phát triển KTXH tổng thể quốc gia, Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch vùng – liên vùng; quy hoạch vùng tỉnh… thì vấn đề quan trọng nhất là cần có sự phối hợp, tính toán toàn diện và sự chủ động trong quản lý và thực hiện quy hoạch để bảo đảm sự phát triển bền vững cho đất nước.

Đại biểu Siu Hương (Đoàn ĐBQH) tỉnh Gia Lai: Đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, sớm có giải pháp giải quyết các kiến nghị của cử tri.
Đại biểu Siu Hương (Đoàn ĐBQH) tỉnh Gia Lai: Đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, sớm có giải pháp giải quyết các kiến nghị của cử tri.

Thảo luận ở hội trường, đại biểu Siu Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai) cho hay, theo số liệu báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 có nêu: Chính phủ, các Bộ, ngành vẫn còn 5 kiến nghị chưa giải quyết, trả lời và vẫn chưa nêu rõ lý do chưa trả lời, giải quyết để cử tri biết, theo dõi.

Mặc dù các kiến nghị này đã quá thời gian trả lời theo quy định, trong đó Văn phòng Chính phủ chưa trả lời 1 kiến nghị, Bộ Tài chính chưa trả lời 4 kiến nghị nên đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành sớm có giải pháp giải quyết các kiến nghị của cử tri.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ