Chống lạm thu: Hy vọng từ một "quyền năng" mới

Chống lạm thu: Hy vọng từ một "quyền năng" mới

(GD&TĐ) - Mấy ngày gần đây, câu chuyện thu chi trong trường học lại được nhắc lại, nhân sự xuất hiện của một cái tên khá mới mẻ: Hội đồng giám sát cộng đồng trường học, với chức năng chính, nói một cách nôm na là giám sát việc thực hiện việc thu - chi những khoản kinh phí do cha mẹ học sinh, do xã hội đóng góp cho nhà trường.

Phụ huynh HS luôn mong muốn các khoản thu - chi trong trường học công khai, minh bạch
Phụ huynh HS luôn mong muốn các khoản thu - chi trong trường học công khai, minh bạch
 

1. Với danh nghĩa một tổ chức xã hội, tự nguyện của cộng đồng cha mẹ học sinh và đại diện dân cư trên địa bàn, thành phần của Hội đồng này sẽ gồm đại diện cha mẹ học sinh do hội cha mẹ học sinh trường giới thiệu, đại diện các hội: cựu giáo chức, cựu chiến binh, khuyến học, phụ nữ... Cơ quan có trách nhiệm tập hợp, công nhận việc thành lập hội đồng với các thành viên như trên là Mặt trận Tổ quốc (cấp phường xã với trường mầm non, tiểu học, THCS; cấp quận, huyện với cấp THPT). Hội đồng này chịu sự quản lý nhà nước của phòng GD&ĐT hoặc Sở GD&ĐT. “Quyền năng” của Hội đồng nói trên không chỉ nằm ở giám sát thu chi nguồn huy động xã hội hóa của nhà trường mà còn tham gia xây dựng quy chế chi tiêu nguồn kinh phí đó. 

Trả lời các cơ quan báo chí, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - cha đẻ của Đề án thành lập Hội đồng giám sát cộng đồng trường học, ông Nguyễn Tùng Lâm cho biết, có những quy định chặt chẽ cho hoạt động của Hội đồng này như phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ gửi cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, HĐND, UBND xã phường hoặc quận, huyện, thành phố; mặt khác, các phòng GD&ĐT cũng có trách nhiệm tập hợp báo cáo, kiến nghị của hội đồng giám sát các trường gửi Sở GD&ĐT; nếu những kiến nghị xác đáng và có căn cứ, phải có yêu cầu, chỉ đạo ngược lại với nhà trường... Ông Nguyễn Tùng Lâm kỳ vọng, đây sẽ là một nhân tố góp phần làm minh bạch, hiệu quả việc thu chi trong trường học.

“Hội đồng giám sát cộng đồng trường học” sẽ được thí điểm tại 5 trường học và cơ sở giáo dục thuộc quận Hoàng Mai (Hà Nội) từ năm học 2013 - 2014. Điều này cũng cho thấy mong mỏi và quyết tâm của lãnh đạo ngành Giáo dục Thủ đô trong việc chấm dứt nỗi ám ảnh lạm thu mỗi đầu năm học mới.

Những thiết bị hiện đại giúp quá trình dạy và học hiệu quả hơn. Ảnh: Gia Linh
Những thiết bị hiện đại giúp quá trình dạy và học hiệu quả hơn.  Ảnh: Gia Linh
 

2. Thế nhưng, bên cạnh sự kỳ vọng, không phải không có những băn khoăn, kể cả từ phía phụ huynh và nhà trường, xung quanh đề án mới mẻ này. Nhiều người cho rằng, Hội cha mẹ phụ huynh học sinh với những quy định rõ ràng về hành lang pháp lý đã khiến xã hội thất vọng không những vì sự hoạt động không hiệu quả mà còn trở thành “cánh tay nối dài” của nhà trường, giúp lãnh đạo nhà trường dễ dàng hơn trong việc “gợi ý” các khoản thu. Vậy thì, thêm một Hội đồng giám sát mang quyền lực lớn hơn, nếu Hội đồng này đứng về phía nhà trường thì quả thực phụ huynh học sinh thành “một cổ ba tròng”. Bởi, việc vận động các tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường tham gia đóng góp phục vụ cho sự phát triển của nhà trường cũng là một nhiệm vụ của Hội đồng này...

Cũng có người thắc mắc, quyền lợi của những thành viên Hội đồng này chưa được nhắc đến, kinh phí hoạt động của Hội đồng này từ đâu? Nếu không được trả “công cán” xứng đáng dẫn đến hoạt động “phất phơ”, làm cho có thì việc tổ chức này trở thành một “cánh tay” khác của nhà trường không phải là chuyện khó xảy ra.

Đó là chưa kể đến, nếu theo cơ cấu tổ chức như trên thì tối thiểu mỗi hội đồng cũng phải có tối thiểu 5 thành viên. Thử làm một phép tính, nếu áp dụng đề án này đại trà, với hơn 2.000 trường học trên địa bàn Hà Nội, đồng nghĩa với trên 2.000 Hội đồng giám sát cộng đồng trường học, sẽ “ngốn” thêm hơn chục ngàn người - một con số không hề nhỏ, làm cồng kềnh thêm bộ máy. Có ý kiến cho rằng, chính sự tham gia của quá nhiều tổ chức xã hội vào Hội đồng cũng là một nhược điểm có thể dẫn đến hoạt động chệch choạc, kém hiệu quả.

Có cả những băn khoăn từ người trong cuộc. Bởi, nếu những thành viên của Hội đồng không nắm vững hoạt động của nhà trường, có những ý kiến tham mưu chưa chính xác thì chắc chắn nhà trường sẽ gặp khó; kể cả Ban đại diện cha mẹ phụ huynh học sinh cũng vậy. “Các vị nghĩ sao khi chuyện trong nhà, trong gia đình mình lại do người hàng xóm hoặc người xa lạ xen, có ý kiến giải quyết” – có ý kiến ví von.

3. Từ câu chuyện này, không ít người đã nghĩ xa hơn. Đó là khi sự hạn chế trong xử lý sai phạm - một trong những lý do cơ bản khiến lạm thu trở thành “căn bệnh” nan y, khó chữa thì việc có thêm một Hội đồng giám sát cũng chỉ là cách giải quyết phần ngọn, không giúp giải quyết rốt ráo được vấn đề.

Cái mới thường hay gây tranh cãi, đó là chuyện thường tình. Kể cả những người đưa ra ý tưởng này cũng đã nghĩ đến chuyện làm sao để Hội đồng giám sát cộng đồng trường học không là yếu tố cản trở hoạt động của nhà trường, của Ban đại diện cha mẹ học sinh; cũng như không phải tổ chức làm “bình phong” cho nhà trường thực hiện những hình thức thu chi không chính đáng. Tuy nhiên, giữa lý thuyết và thực tế, giữa văn bản và thực hiện là một khoảng cách xa, rất xa. Nhưng, chúng ta có quyền hy vọng, nếu thực sự toàn xã hội cùng vào cuộc một cách tâm huyết để làm thanh sạch môi trường giáo dục.

Tuệ Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.