Chồng hư tại ai?

GD&TĐ - Lâu nay, dân gian thường hay đổ thừa “con hư tại mẹ, tại cha/ cháu hư là tại cả bà lẫn ông”. Còn về chuyện chồng “hư”, nhiều gia đình đã kết luận là do cả bậc sinh thành lẫn người vợ đã “chiều quá hóa hư”.

Chồng hư tại ai?

Gánh nặng... chồng 

Chị Kiều Trang 34 tuổi, có hai con trai đang tuổi ăn tuổi lớn. Công việc bán đồ bảo hộ lao động ở một ki ốt thuê trên phố Lê Duẩn (Hà Nội) chiếm mất nhiều thời gian của chị. Anh Hoàng, chồng chị làm công chức nên nhàn rỗi và có thời gian nhiều hơn. Vậy nhưng nếu không bia bọt bù khú với bạn bè thì anh Hoàng lại mải mê với điện thoại thông minh - chẳng đỡ đần chị việc đón con hay kèm con học.

Hễ chị Trang nhắc giục chồng là anh cáu bẳn rồi mặc kệ vợ con muốn làm gì thì làm. Hai đứa trẻ giờ cũng mê điện thoại thông minh như bố. Mẹ cấm không cho dùng nhưng hễ thấy mẹ hay bố về nhà, sểnh điện thoại ra là chúng chộp lấy, hết chơi game lại chát chít.

Mỗi lần chị phạt con là hai đứa con lại gào khóc kêu lên: Tại sao bố được chơi mà con không được chơi.

Là trụ cột kinh tế gia đình giữa thời buổi khó khăn, chị Trang thấy đuối sức. Đã vậy còn phải đối phó với chồng, con - khiến chị rơi vào tình trạng chán nản. Phàn nàn, tâm sự với mẹ chồng để bà có ý kiến góp ý với con trai thì bà bênh con trai chằm chặp, rằng “đàn ông, con trai cũng phải có tí rượu bia cho vui anh vui em, nếu không, nó đã là đàn bà rồi”.

Khi vợ tự nhận vai “người hầu”

Chia sẻ với một người bạn học có kiến thức về tâm lí, chị Trang được giải thích rằng bố mẹ chồng đã nuôi dưỡng thói hư của con trai. Những ông con trai kiểu này chỉ trở thành những “đứa trẻ to xác” và hậu quả là vợ con sau này phải gánh chịu. Người đàn ông vô tích sự trong nhà đã không làm nổi vai trò trụ cột, cùng vợ chăm lo gánh vác việc nhà thì chớ, còn gây ảnh hưởng xấu tới thế hệ con cái.

Theo nhìn nhận và đánh giá của các chuyên gia tư vấn thì “thủ phạm” làm hư chồng còn chính là những người vợ.

Lúc mới cưới, vì yêu chồng, nhất nữa là chưa vướng bận con nhỏ, nhiều phụ nữ thường chiều chồng, tình nguyện làm hết mọi việc. Lâu ngày thành thói quen nên chồng cho mình đương nhiên được quyền thư thả và coi việc nhà là chuyện riêng của vợ chứ không phải trách nhiệm và bổn phận của mình.

Nói công bằng, chính tư tưởng bao biện thái quá đã biến phụ nữ trở thành người hầu, biến chồng con thành một trở lực rất khó chịu và người phụ nữ lại trở thành nạn nhân của chính mình.

Chị Lê Minh Châu, giáo viên Trường THPT Hai Bà Trưng (Hà Nội) nhìn nhận: Tham gia chia sẻ mọi vấn đề gia đình là trách nhiệm của cả hai vợ chồng. Làm việc nhà cũng là nhiệm vụ để rèn luyện kỹ năng lo toan cho tổ ấm của chồng, cũng là để tỏ rõ đức nghiệp của người làm chồng.

Vợ chân yếu tay mềm nhưng cũng phải gánh vác trăm việc không tên lớn nhỏ, từ việc kiếm tiền đến luôn tay làm việc nhà và dạy con học bài. Thế nên, nhìn từ góc độ nào, thực tế đáng tiếc là các ông chồng lười biếng, ỷ lại cho vợ gánh vác mọi việc nhà đều là bất công, không thể chấp nhận.

Các bà vợ cần có cuộc nói chuyện nghiêm túc với chồng và khéo léo tìm cách buộc chồng phải trở thành gương tốt cho con cái.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn khẳng định: “Nhiều chị em hay nhận lỗi về mình, cho rằng chồng hư là do mình không tìm hiểu kỹ, không khéo léo, không chiều chuộng chồng, nên anh ấy sinh hư. Mỗi con người phải chịu trách nhiệm về chính cuộc đời mình”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.