Trong bối cảnh cách ly xã hội, các hoạt động nghệ thuật trực tuyến vẫn diễn ra tưng bừng, như một nguồn khích lệ, động viên tinh thần gửi đến tuyến đầu chống dịch.
Từ “vũ điệu rửa tay” đến “phòng thu dã chiến”
Sau bản hit “Ghen Cô-vy” của ca sĩ trẻ Min và Erik, rất nhiều những nghệ sĩ nổi tiếng của nhạc nhẹ Việt Nam đương đại cũng đã khởi động các dự án khác nhau mang theo thông điệp tích cực về đấu tranh chống dịch bệnh Covid-19.
Không thể ra ngoài giao lưu, tương tác trực tiếp với người hâm mộ, quay video ngoại cảnh, các ca sĩ tập trung cho chất lượng âm nhạc và tính lan truyền của tác phẩm. Chưa bao giờ, tính năng phát video trực tuyến qua mạng xã hội lại được tận dụng tối đa như hiện nay.
Gần đây, ca sĩ người Mỹ Kyo York đã đăng tải ca khúc “Trống Cơm - chống Covid - 19”. Trong ca khúc này, Kyo York giản dị với áo dài cách tân, ngồi vui vẻ hát “Trống Cơm” theo lời mới bằng tiếng Anh và tiếng Việt. “Mọi người nếu có cách ly/ Không nên trốn tránh/ Tiếp xúc thêm người xung quanh/ Hãy tránh xa Corona”.
Kyo York phấn chấn chia sẻ bài hát đã đạt đến 200.000 lượt xem trong ngày đầu tiên. Ca khúc được các khán giả đánh giá rất cao về tính sáng tạo và gần gũi, nhất là ở cách chơi chữ “Trống – Chống” của chàng trai ngoại quốc rất giỏi tiếng Việt này. Nhịp điệu vui tươi của bài hát cũng đem lại một luồng cảm xúc mới mẻ, lạc quan cho khán giả.
Ca sĩ Tuấn Hưng đã phát hành MV “Việt Nam ơi! Cùng nhau đồng lòng!” trên YouTube. MV có sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng như Xuân Hinh, Thanh Thanh Hiền, Vân Dung, Xuân Bắc, Quang Thắng, Tự Long....
Trong video, các nghệ sĩ gạo cội phía Bắc cùng nhau cất tiếng ca để động viên tinh thần chống dịch. Từ lời ca đến phong cách biểu diễn đều giản dị, gần gũi như những người bạn hát cho nhau nghe.
Điều đặc biệt là ca sĩ Tuấn Hưng đã tự lắp đặt phòng thu dã chiến ngay tại quán của mình và mời lần lượt từng nghệ sĩ đến thu âm. Trước đó, anh cũng đã tổ chức một show diễn trực tuyến nhằm động viên tinh thần những “chiến sĩ áo trắng” đầu tuyến.
Anh cho biết trên trang cá nhân, tổng số tiền quyên góp từ chương trình sẽ được nam ca sĩ gửi tận tay đến đội ngũ y, bác sĩ đang ngày đêm tận tụy bảo vệ sức khỏe người dân.
Đấu giá trực tuyến tác phẩm hội họa
Nghệ thuật tạo hình vốn lặng lẽ hơn các hoạt động âm nhạc. Nhưng không vì thế mà các họa sĩ không sáng tạo, tìm ra cách riêng của mình trong việc truyền tải các thông điệp tích cực.
Trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp, một chương trình đấu giá tác phẩm nghệ thuật trực tuyến mang tên “Vượt qua đại dịch Covid-19” do Indochine Art và Báo An ninh Thủ đô phối hợp khởi động. Toàn bộ số tiền đấu giá được dành tặng cho các y, bác sĩ và các cơ quan y tế đang miệt mài chiến đấu với dịch bệnh.
Các phiên đấu giá được tổ chức lần lượt từ ngày 29/3 đến ngày 12/4, nghĩa là chiếm gần như toàn bộ số ngày cách ly xã hội. Mỗi phiên đấu giá gồm khoảng 12 tác phẩm tạo hình với các loại hình, chủ đề, chất liệu khác nhau.
Tuy nhiên, tất cả đều có chung một thông điệp về tương lai tốt đẹp, sự trân trọng những giá trị cuộc sống và nhắc nhở về mối liên kết giữa mỗi cá thể sống với cộng đồng, với thiên nhiên.
Cố vấn chương trình, họa sĩ Vũ Huy Thông bộc bạch: “Chương trình “Vượt qua đại dịch Covid-19” trước hết đề cao tinh thần của giới nghệ sĩ nói riêng và toàn xã hội nói chung trong những ngày khó khăn chiến đấu với dịch bệnh.
Tính hàn lâm về nghệ thuật không phải là ưu tiên số một. Ở đây, các nghệ sĩ sẽ được dùng chính tài năng của mình để góp tiếng nói nhằm đánh thức niềm tin, sự lạc quan và tôn vinh ý nghĩa của cuộc sống”.
Họa sĩ Vũ Huy Thông cũng tham dự chương trình với tác phẩm tranh sơn dầu “Tuổi thần tiên”. Trong tác phẩm này, anh vẽ chân dung trong sáng của một em nhỏ theo phong cách hiện thực.
Anh vui vẻ cho biết: “Đó là niềm tin vào tương lai tươi sáng ngời trong đôi mắt trẻ thơ. Cũng như tôi, rất nhiều các họa sĩ ở nhiều lứa tuổi đã tham gia chương trình. Ngay từ lần phát động, chúng tôi đã nhận được tới hơn 300 tác phẩm từ khắp nơi”.
Đại diện cho thế hệ trẻ, họa sĩ 9x Vũ Tuấn Việt cho biết: “Lần này tôi gửi tác phẩm “Tự tình” mang phong cách hội họa lập thể, đề tài sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc ít người miền núi phía Bắc. Trong tác phẩm, người con trai và người con gái giao tiếp với nhau qua âm nhạc và ánh mắt. Những ngày dịch bệnh, con người có vẻ xa cách nhau hơn, nên tôi muốn gửi gắm một thông điệp nhỏ về mối quan hệ cộng sinh người – người”.
Vũ Tuấn Việt tốt nghiệp Khoa Hội họa - Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam năm 2016. Các tác phẩm của anh thường hướng đến sự tìm tòi về bản thể và chạm đến các đề tài gay gắt về con người trong xã hội đương đại.
Vũ Tuấn Việt đã giành được nhiều thành tựu trong các chương trình Nghệ thuật cộng đồng. Đại dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng nhiều, khiến anh đã phải trì hoãn các chuyến thực địa dự án của mình.
“Các sáng tác của tôi đang thay đổi dần theo thời gian, dần thoát ly cái tôi cá nhân mà hướng đến thế giới xung quanh. Trong đại dịch, chúng tôi vẫn tập trung thực hiện các sáng tạo của mình, để hẹn ngày trở lại”, Vũ Tuấn Việt lạc quan chia sẻ.