Ông Ngô Nguyễn Phúc Bửu Lộc (34 tuổi, chồng cũ của bà Đỗ Thị Kim Huê - ca sĩ Nhật Kim Anh) vừa gửi đơn khiếu nại tới Chánh án TAND Tối cao, liên quan đến quyết định giám đốc thẩm ngày 23/2 của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM.
Theo quyết định giám đốc thẩm, bản án phúc thẩm vụ án Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn ngày 28/8/2020 của TAND TP Cần Thơ bị hủy bỏ và công nhận bản án sơ thẩm ngày 23/3/2020 của TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ).
Cụ thể, chấp nhận thay đổi người trực tiếp nuôi cháu Ngô Bửu Long (gần 6 tuổi, con chung của hai đương sự) từ ông Bửu Lộc sang cho Nhật Kim Anh trông nom, chăm sóc và giáo dục. Tuy nhiên, ông Bửu Lộc cho rằng bản án sơ thẩm đã có nhiều sai phạm nghiêm trọng.
Có vi phạm tố tụng?
Theo chồng cũ Nhật Kim Anh, việc Ủy ban Thẩm phán Cấp cao tại TP.HCM theo yêu cầu kháng nghị của nguyên đơn, công nhận bản án sơ thẩm để thi hành là không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến quyền lợi của ông và con trai.
Trình bày trong đơn khiếu nại, ông Bửu Lộc chỉ ra tòa cấp sơ thẩm đã xét xử vắng mặt ông cùng luật sư trong khi đó chỉ là lần mở phiên tòa lần thứ 1.
Thực tế trước đó, TAND quận Ninh Kiều đã có 5 lần đưa vụ án ra xét xử, 3 lần hoãn, một lần không mở phiên tòa. Song, nguyên nhân của những lần hoãn tòa trước đều do phía tòa án, lần gần nhất là xem xét thay đổi thẩm phán.
Do đó, khi phân công thẩm phán mới thì ngày 20/3/2020 được tính là lần mở phiên tòa thứ 1. Do đó, khi bị đơn và luật sư vắng mặt và có đơn xin hoãn thì TAND quận Ninh Kiều bắt buộc phải hoãn xử.
Ngoài ra, tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện VKSND quận Ninh Kiều cũng đã đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa. "Việc HĐXX sơ thẩm không đánh giá chứng cứ do đại diện VKS trình trước HĐXX là vi phạm điểm b, khoản 2, Điều 266 Bộ luật Tố tụng Dân sự", đơn của ông Bửu Lộc nêu.
Trong khi đó, quyết định giám đốc thẩm nhận định: "Tòa án cấp sơ thẩm quyết định xét xử vắng mặt bị đơn theo quy định tại khoản 2, Điều 227 Bộ luật Tố tụng Dân sự là đúng pháp luật".
Chứng cứ chứng minh thu nhập không được ghi nhận?
Tại bản án sơ thẩm được Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM công nhận và có hiệu lực thi hành, ghi nhận: "Phía ông Lộc không cung cấp chứng từ thể hiện có tài sản riêng, tại biên bản làm việc thì xác định đang làm việc tại nơi cư trú, thu nhập cố định trên giấy tờ hàng tháng hơn 9 triệu đồng nhưng cũng không cung cấp chứng từ gì thể hiện cho điều này".
Về điều này, ông Bửu Lộc trình bày quá trình cung cấp chứng cứ cho tòa sơ thẩm để giải quyết vụ án, ông đã nộp tất cả chứng cứ chứng minh đủ điều kiện để nuôi dưỡng cho con trai Bửu Long.
Cụ thể, tài liệu ghi nhận ông Bửu Lộc có nhiều tài sản có giá trị, bao gồm: 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất do ông là chủ sở hữu; giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thể hiện chồng cũ Nhật Kim Anh nắm 43% cổ phần; báo cáo tài chính của công ty; hợp đồng cho thuê ôtô đứng tên ông chủ sở hữu, hợp đồng bảo hiểm cho con trai...
Song, ông Bửu Lộc cho rằng TAND quận Ninh Kiều đã không đưa các chứng cứ này vào hồ sơ vụ án, để rồi nhận định bị đơn không chứng minh được có tài sản riêng để đảm bảo việc nuôi con.
Trong căn cứ kháng nghị, TAND Cấp cao tại TP.HCM phân tích: "Ông Lộc không có nhà riêng, mà vẫn cùng cháu Long sống cùng với cha mẹ đẻ, thu nhập của ông Lộc chỉ ở mức trung bình... Từ đó, cho thấy bà Huê có điều kiện đầy đủ hơn ông Lộc về kinh tế để chăm sóc, nuôi dưỡng con chung tốt hơn".
Bên cạnh đó, người khiếu nại cho rằng nội dung Nhật Kim Anh khởi kiện là đòi thay đổi trực tiếp quyền nuôi con sau ly hôn.
Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM phân tích trong kháng nghị cho rằng bị đơn cản trở Nhật Kim Anh thăm con, mà điều này đã được bản án phúc thẩm về ly hôn ngày 16/3/2018 tuyên xử: "Ông Lộc cùng các thành viên gia đình không được cản trở bà Huê trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung".
Do đó, theo bị đơn, trường hợp Nhật Kim Anh cho rằng ông và gia đình ông cản trở cô ta thì có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án quận Ninh Kiều buộc gia đình ông phải chấp hành theo bản án ly hôn phúc thẩm trước đó, "chứ không phải là khởi kiện một yêu cầu đã được tuyên xử trước đó để xử lại bằng một vụ án khác".