“Chồng bò, vợ lết” viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường

Hai vợ chồng với hai đôi chân đều bị liệt, đến với nhau bằng tình yêu thương và lòng quyết tâm vượt qua nghịch cảnh. Hai người lê lết khắp nơi kiếm sống với mục đích duy nhất là để con mình được sống, được trưởng thành. Một câu chuyện cổ tích giữa đời thường chừng như không bao giờ có thực.

Hai vợ chồng lê lết khắp nơi kiếm sống.
Hai vợ chồng lê lết khắp nơi kiếm sống.
Nghịch cảnh cuộc đời và đám cưới trong nước mắt

Đến thôn Đoàn Kết (xã Hưng Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) hỏi thăm nhà ông Lê Văn Tuất và bà Nguyễn Thị Mụng, từ làng trên đến xóm dưới ai ai cũng biết. 

Dẫn chúng tôi vào ngôi nhà nằm sâu hun hút trong làng, cụ Bá - năm nay đã 85 tuổi - rơm rớm nước mắt nói: “Nhắc đến vợ chồng chú Tuất, ai ai cũng thương cảm. Chắc hiếm có cặp vợ chồng nào như chú ấy, hai vợ chồng kiếm sống bằng hai đôi bàn tay, chồng bò, vợ lết với một nghị lực phi thường”.

Hình ảnh trước mặt khiến chúng tôi không cầm được lòng: Ông Tuất bò đi trước, còn bà Mùng lết theo sau trên con đường cát dẫn vào nhà. Thấy khách, hai vợ chồng mừng lắm. 

Rồi họ xoắn xuýt nói chuyện, mời nước. Hai vợ chồng năm nay đều đã 57 tuổi, tài sản có được là một ngôi nhà đơn sơ vừa đủ che nắng, che mưa nhưng luôn rộn ràng tiếng cười trẻ thơ. 

Với mọi người, có thể không là đáng kể, nhưng với vợ chồng ông Tuất, đó như một câu chuyện cổ tích mà ban đầu ông bà không bao giờ nghĩ đến.

Kể về cuộc đời mình, ông Tuất ngậm ngùi: “Khi mới sinh ra, tui cũng lành lặn, bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng khi lên 3 tuổi, tui không may bị sốt cao, nằm mê man, rồi lên cơn co giật. Khỏi bệnh một thời gian, hai chân tui cứ teo dần rồi không còn sức để bước đi nữa”. 

Là con cả trong một gia đình nông dân nghèo có đến 8 anh em, cuộc sống của ông vô cùng vất vả. Với hai chân bị liệt, hàng ngày, ông Tuất phải bò lết theo bố mẹ và các em ra ngoài đồng mót khoai, mót sắn để kiếm ăn qua ngày. Hết mùa khoai, mùa sắn, ông lại bò lết khắp nơi nhặt nhạnh những gì có thể ăn được.

Lớn lên, ông bắt đầu tập tành đan lát, đục đẽo để kiếm cái nghề kiếm sống. Bằng ý chí kiên trì của mình, những đồ đan lát, đục đẽo dưới bàn tay của ông đều rất đẹp và tỉ mỉ, ai nhìn cũng thích. 

Chính vì vậy trong làng, ngoài xóm nếu ai cần đan lát những vật dụng sinh hoạt trong nhà như rổ, rá hay đục đẽo cối xay..., đều đến cõng ông về nhà để ông làm cho, vì ở làng này không ai qua được tay nghề của ông. Kể đến đây, ánh mắt ông không giấu được niềm hạnh phúc: “Nhờ vậy mà tui có vợ đó”.

Duyên số đến với ông vào năm 26 tuổi. Thời điểm đó, nhà của bà Mụng (vợ ông bây giờ) mướn ông về để đẽo cối xay và đan lát những vật dụng phục vụ cho sinh hoạt trong gia đình, nhờ vậy hai người gặp được nhau. 

Ông làm việc cho nhà bà Mụng gần 1 tháng trời, thế là trái tim đồng cảm của hai người cùng chung số phận được gần nhau hơn. Bà Mụng cũng như ông, bị bại liệt từ nhỏ nên chỉ lê lết quanh nhà, không dám ra ngoài vì mặc cảm. 

Rồi hai người thương nhau, tình yêu nảy nở. Hết thời gian làm việc ở nhà bà Mụng, ông Tuất vẫn bò lết sang nhà bà chơi dù 2 nhà cách nhau chừng 2 cây số.

Biết chuyện, gia đình hai bên đều phản đối. “Hai đứa bây đứa bò, đứa lết, lấy nhau về lấy chi mà ăn, ai chăm sóc bây? Một đứa đã khổ rồi, hai đứa thì lấy chi mà sống”. Những lời trách móc, ngăn cản khi biết chuyện tình của hai người lúc bấy giờ càng làm cho câu chuyện của họ thêm “nổi tiếng”. 

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những lời can ngăn, đàm tiếu, hai ông bà càng yêu thương, gắn bó với nhau hơn. “Chúng con đến với nhau bằng tình yêu chân chính và sẽ vượt qua nghịch cảnh bằng hai đôi bàn tay còn lại” - Ông Tuất hứa trước gia đình hai bên trong đám cưới thấm đẫm nước mắt. 

Ngày cưới, không rộn ràng tiếng nhạc, không giấy đăng ký kết hôn mà chỉ là những lời chúc phúc và chai rượu nhạt đơn sơ thay lời thông báo câu chuyện tình yêu của họ với anh em, làng xóm.

Cuộc mưu sinh và tài sản quý giá nhất của đôi vợ chồng bại liệt

Sau ngày cưới, cảm thông với hoàn cảnh vợ chồng ông Tuất, dân trong làng, người góp cây tre, người bó tranh, người góp sức, giúp vợ chồng ông dựng một túp lều tranh che nắng, che mưa. Được một thời gian, thấy cuộc sống quá khó khăn, vợ chồng ông bà lặng lẽ rời khỏi làng quê nghèo để mưu sinh.

Ông Tuất nhớ lại: “Khi ra khỏi làng, vợ chồng tui đón xe khách vào Quảng Trị với 20.000 đồng trong túi. Rồi chúng tôi lê lết khắp các khu chợ, hàng quán, khu vực đông người để xin ăn”. 

Cứ vậy, từ Quảng Trị vào Huế rồi Quảng Bình, bất kể thời tiết nắng mưa, hai ông bà lặng lẽ kiếm sống qua ngày. Có những ngày, ông bà phải bò hàng chục cây số, đến nỗi hai đầu gối trầy xước sưng tấy, chảy máu để xin ăn. 

Tối đi đến đâu ngã lưng ngủ đến đó, mái che, vòm quán vỉa hè, chân cầu hay thậm chí những gốc cây đều là nơi trú ngụ của ông bà, ở đâu ông bà cũng có thể gối đầu ngủ được.

“Tại sao có nghề đan lát, đục đẽo trong tay nhưng ông không kiếm sống bằng nghề đó mà đi ăn xin?” - Tôi hỏi. Ông Tuất thật thà: “Ngày đó ở làng, khi chúng tôi cưới nhau, nhiều người dị nghị lắm. 

Ở đó lại khó kiếm sống, không vượt qua được mặc cảm, nên chúng tôi phải đi kiếm sống nơi khác. Ra khỏi làng, với hai đôi chân đều bị liệt, tiền không, vậy nên đi xin ăn là con đường duy nhất để chúng tôi tồn tại. 

Cứ mỗi lần màn đêm buông xuống, hai vợ chồng lại nhìn nhau mà khóc. Mỗi lần lê lết xin ăn, nhìn người ta quây quần bên con trẻ, chúng tôi chỉ biết gục mặt xuống đất khóc thầm. Nhưng khóc chán rồi cũng phải gắng gượng để kiếm sống, tôi động viên vợ: “Mình phải sống, phải dành dụm tiền, rồi mình phải có con. Con là tài sản quý giá nhất”".

Thế rồi, hạnh phúc vỡ òa đã đến với ông bà khi sau 7 năm lê lết kiếm sống, bà Mụng mang thai. Không thể tả hết sự vui mừng của hai người khi đón nhận tin này. 

Ngay sau đó, ông Tuất quyết định phải đưa bà Mụng về lại quê nhà để nghỉ dưỡng. Bà Mụng về ở nhờ nhà ngoại để tiện bề chăm sóc, còn ông Tuất tiếp tục lặn lội khắp nơi ăn xin, lấy tiền nuôi vợ con. 

Những tháng ngày bà Mụng mang thai là những ngày gia đình nội ngoại hai bên lo lắng tột cùng, ai cũng lo sợ chẳng may đứa bé sinh ra cũng tật nguyền như bố mẹ. 

Đến ngày trở dạ, thấy cảnh người đàn bà tật nguyền bụng mang dạ chửa lết đến bệnh viện sinh con, chồng bò bên cạnh, ai cũng xót xa. Do sức khỏe mẹ yếu, người con sinh ra chỉ nặng 1,2 kg, là một bé trai kháu khỉnh, ông bà đặt tên cho con là Lê Văn Tuấn.

Sau khi sinh, bà Mụng phải nằm lại bệnh viện gần một tháng. Những ngày đó, hình ảnh ông Tuất bò đi bò lại khắp bệnh viện để chăm vợ, chăm con, ai thấy cũng cảm động. 

Sẵn có ít vốn dành dụm được sau những tháng ngày đi ăn xin, vợ chồng ông quay lại kiếm sống bằng việc đan lát, đục đẽo những vật dụng hàng ngày. 

“Nhờ lòng yêu thương, giúp đỡ của làng xóm, vợ chồng tui tự trang trải được cuộc sống. Ngày đứa con trai tui chập chững những bước đi đầu đời, tui với ông ấy nhìn nhau rồi ôm nhau khóc, khóc vì mừng. 

Một phần ba cuộc đời, thấy con mình đi được mà hai vợ chồng ngỡ như là trong mơ. Một ước mơ đơn giản nhưng vợ chồng tui chẳng bao giờ có được” - Bà Mụng kể mà hai hàng nước mắt cứ lăn dài trên khuôn mặt đậm màu sương gió.

Từ đó, hai vợ chồng ông bà đùm bọc nhau, người đan lát, người đục đẽo thuê, rảnh rỗi thì trồng rau, trồng sắn để rau cháo qua ngày nuôi con khôn lớn. 

Học hết đến cấp 2, do hoàn cảnh quá khó khăn, không có tiền để nuôi con ăn học tiếp, ông bà cho Tuấn đi học nghề sữa chữa điện gia dụng. 

“Thằng Tuấn nói với vợ chồng tui, cha mẹ khổ, hoàn cảnh như vậy, nên con phải có nghề sớm để nuôi cha mẹ. Rồi mai mốt có tiền, ổn định, con lại học tiếp, như vậy mới vẹn được đôi đường” - Bà Mụng nói. 

Và thế là mọi chuyện diễn ra thuận lợi như dự tính. Có nghề sớm, anh Tuấn giúp bố mẹ bớt khó khăn. Rồi Tuấn lấy vợ và có con lại càng làm cho ông Tuất, bà Mụng thêm tự tin hơn vào cuộc sống. 

“Gần đây, cháu vừa mua cho vợ chồng tui chiếc xe lăn để làm phương tiện đi lại, công nhận sướng thật chú à. Tui không nghĩ là sẽ có ngày được như vậy đâu” - Bà Mụng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng thôn Đoàn Kết - cho biết: “Cuộc sống của gia đình ông Tuất, bà Mụng tuy khó khăn vất vả, người bò, người lết, nhưng họ luôn biết nương tựa vào nhau để sống đầm ấm, hạnh phúc. Họ là một tấm gương sáng về nghị lực vươn lên trong cuộc sống khiến dân làng ai cũng khâm phục và quý mến”.
Theo laodong.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.