Dù không may mắn khi bị khuyết tật ở chân từ nhỏ, nhưng chị Nguyễn Thị Hằng Nga (36 tuổi) trú tại tổ 1, thôn Bình An, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế) hằng ngày vẫn một mình gánh vác mọi công việc nặng nhọc, nuôi hai con nhỏ ăn học đến trường như bao người mẹ khác. Chị chỉ có một ước mong, đó là con mình hạnh phúc như bao bạn bè cùng trang lứa.
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ hai gian của người anh trai chị Nga, nơi chị và hai đứa con nhỏ đang mượn tạm để có chỗ chui vô chui ra. Thấy người lạ bước vào nhà, chị nhanh miệng “hỏi dò”, rồi lê lết đôi chân khuyết tật lấy nghế mời khách ngồi. Và cứ thế tôi được nghe chị kể về câu chuyện cuộc đời mình, những thước phim buồn được quay chậm.
Chiếc xe lăn, người bạn đồng hành cùng chị Nga đưa đón 2 con đi học.
Cuộc đời chị Nga từ nhỏ đến lớn trải dài đau khổ. Khi cất tiếng khóc chào đời, chị vẫn phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Năm 2 tuổi không may bị di chứng hậu sởi, khiến đôi chân của chị vĩnh viễn bị tật không còn cơ hội đi lại bình thường như bao người khác, mơ không thấy muốn không được….
Không chịu khuất phục trước số phận, dù bị tật nhưng chị vẫn cố gắng bươn trải từ nghề này qua nghề khác để kiếm sống. Nhưng cuộc sống của chị vẫn không thể nào ổn định, luôn có những gánh nặng, khó khăn trên đôi vai bé nhỏ của chị.
Bước vào tuổi 20, cũng là cái tuổi đẹp nhất của đời con gái, chị theo một người thân ở quê vào miền Nam phụ giúp công việc bán trà. Cũng chính nơi đây, chị đã gặp được một nửa hạnh phúc của mình, đó là người đàn ông hơn chị tới 10 tuổi.
Cuộc sống không hôn thú tưởng chừng hạnh phúc, đôi vai của chị sẽ được san sẻ vì từ đây sẽ có người gánh vác mệt nhọc, khó khăn. Chị cứ ngỡ đây là món quà mà cuộc đời này đã ban cho một người phụ nữ có số phận trớ trêu như chị.
Khi chị sinh người con trai đầu lòng, mơ ước về một cuộc sống tốt hơn được thắp sáng. Hai vợ chồng quyết định trở về Huế sinh sống rồi lập nghiệp, nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, trở lại quê nhà, cuộc đời chị xảy ra biến cố.
Đang bụng mang dạ chửa đứa con thứ hai, chị đau đớn khi biết người đàn ông đầu ấp tay gối bao nhiêu năm qua đã bỏ mẹ con chị đi không một lời từ biệt. Chị đã đi qua những tháng ngày ấy một cách khó nhọc.
Ba mẹ con sống bằng… 30 nghìn/ngày
Thương con, chị Nga cố gồng mình bươn chải, xin ít vốn của mẹ mở quán tạp hóa nhỏ để buôn bán, mua thêm cái bàn may sửa quần áo cho bà con xung quanh để kiếm thêm thu nhập.
Ngôi nhà của người anh trai cho mượn còn có mảnh đất trống, chị lấy đó nuôi thêm con gà con vịt, ngoài số tiền hỗ trợ tàn tật 400.000 đồng/tháng và số tiền chị dành dụm được cũng chỉ đủ cho lo cho cuộc sống hằng ngày của ba mẹ con.
Hằng ngày chị dậy rất sớm, 4h sáng phải nấu cháo cho các con ăn trước khi đưa chúng đến trường. Trở về dọn dẹp nhà cửa, buôn bán, đi chợ rồi lại vội vã quay xe đến trường đón con. Vất vả là vậy, nhưng chị vẫn tranh thủ giờ rảnh rỗi may áo quần thuê kiếm thêm thu nhập, đêm đến lại ngồi bên con nhắc nhở chuyện học hành.
Dạy con kiến thức cho buổi đến trường.
Bà Nguyễn Thị Quý (43 tuổi), người hàng xóm thân thiết nhất với chị Nga kể: “Ở đây hầu như cô Nga chỉ sống với bà con làng xóm như chúng tôi chứ không có người thân. Mẹ và anh trai thì qua Lào làm ăn sinh sống, người em trai lập nghiệp ở xa. Dù gia cảnh nghèo khó, bản thân lại tàn tật nhưng được cái là Nga rất cần cù, chịu thương chịu khó, biết cố gắng vươn lên số phận nghiệt ngã của bản thân mình”.
Tiếp nối câu chuyện còn giang dở của bà Quý, bà Trần Thị Quyết (62 tuổi) cũng là một người hàng xóm của chị Nga tiếp lời: “Con Nga tội lắm! Nó mở hàng tạp hóa ra đó chứ bán ngày cũng chỉ được 30.000 đồng, hôm nào nhiều thì được 50.000 đồng không đủ chi tiêu. Có hôm, ba mẹ con không có chi ăn, hàng xóm chúng tôi lại thay phiên nhau giúp đỡ cho mấy mẹ con nó, người thì mang cho ít gạo, kẻ thì cho ít thịt, bó rau để ba mẹ con nó ăn sống qua ngày, chứ phụ thuộc vào gian hàng tạp hóa nhỏ lẻ ấy thì có ngày ba mẹ con chúng ôm nhau mà chết đói”.
Từ ngày hai em Trần Nguyễn Quang Bình (7 tuổi) và Nguyễn Thị Hoài An (5 tuổi) đi học, mặc cho mưa gió, đau ốm, chị Nga vẫn đều đặn đưa đón con mỗi ngày bốn lần trên chiếc xe quay được nhà nước hỗ trợ cho cách đây hai năm. Bù lại, nghĩa nặng công dày của mẹ, Bình học rất chăm chỉ, ngoan ngoãn, năm nào cũng đạt học sinh giỏi của trường. Trận lũ trái mùa cách đây vài hôm, chị Nga bị nước cuốn khi trên đường đón con đi học về, thế nhưng với nghị lực của một người từng trải thì đó chỉ là một “ tai nạn nhỏ ”. Nhiều người khuyên chị, mình đi lại không được thì cứ để con tự đến trường, không yên tâm, chị vẫn cố gắng trên chiếc xe lăn hằng ngày đưa đón các con.
Trong thâm tâm của chị dù nghèo khổ, vất vả đến mấy nhưng bản thân chị cũng sẽ cố gắng để lo cho con. Chị Nga chia sẻ: “Đôi lúc nghĩ về hoàn cảnh của mình chị muốn chết đi cho xong, nhưng nghĩ lại chết cũng không giải quyết được điều gì, phải nghĩ về con và cố gắng sống để nuôi con ăn học đến nơi đến chốn”. Nghĩ vậy nên chị lúc nào cũng tự động viên mình lạc quan trong cuộc sống, mỉm cười để con cái được yên tâm học hành, mong sao tuổi thơ của chúng lớn lên trong ấm no, hạnh phúc.
Qua cuộc chuyện trò, tôi thấy chị là một người phụ nữ, một người mẹ tuyệt vời. Đôi vai của chị vẫn còn đó những gánh nặng, nhưng sẽ không làm ý chí của chị khuất phục, bởi bên chị vẫn còn 2 người con ngoan và hàng xóm thân thiết là hậu phương khi chị cần.