Chồng bị trầm cảm sau màn đánh ghen kinh hoàng của vợ

Khi một ai đó, đặc biệt là người “đầu gối tay ấp” của mình, bị trầm cảm thì mọi thứ trở nên thật khắc nghiệt, bạn cần dũng cảm hơn để vượt qua hoàn cảnh này.

Chồng bị trầm cảm sau màn đánh ghen kinh hoàng của vợ

Chồng trầm cảm vì vợ cuồng ghen

Căn bênh trầm cảm giờ đây không còn quá xa lạ đối với mọi người nhất là trong cuộc sống hiện đại đầy áp lực và lo toan. Anh Đức Thành (Long Biên, Hà Nội) thường xuyên đến khám bệnh tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. 

Khi gặp bác sĩ, anh Thành chỉ thổ lộ được vài điều với bác sĩ về chứng trầm cảm, mất cảm giác đời sống vợ chồng gần 2 năm sau khi lãnh đòn thù tình của chính vợ anh.

Theo anh, sau lần vợ đánh ghen kinh hoàng, anh thấy sợ chính người vợ của mình, không còn cảm giác yêu thương, ham muốn của một người đàn ông nữa. Sau khi thăm khám tổng thể, bác sĩ cho biết anh bị rối loạn cương dương độ 3, đồng thời trầm cảm khiến bệnh càng nặng hơn. Các bác sĩ phải cho anh dùng thuốc và tích cực điều trị tâm lý cho anh.

Hệ lụy của việc bạn đời mắc trầm cảm là rất lớn, điển hình là vụ án mạng xảy ra tại Vĩnh Lương, TP.Nha Trang, Khánh Hòa đã gây rúng động dư luận đầu năm 2015. 

Theo đó, đối tượng Lê Văn Nhạn (SN 1986) đã nhẫn tâm ra tay sát hại vợ mình không thương tiếc. Trong khi hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, Nhạn bất ngờ dùng chiếc chày gỗ đánh liên tiếp vào vùng đầu và mặt chị vợ.

 Nguyên nhân dẫn đến vụ trọng án đau lòng này chính là căn bệnh trầm cảm của Nhạn tái phát, khiến anh ta bất ngờ nảy sinh tính hung dữ, ra tay sát hại vợ mình.

Được biết, đầu năm 2014, Nhạn xin vào làm công nhân may mặc tại một công ty ở Nha Trang nhưng không hiểu sao chỉ vài tháng sau lại xin nghỉ việc. Sau đó, Nhạn tiếp tục đâm đơn vào một công ty khác nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó đã bị công ty này sa thải. 

Không có công ăn việc làm, Nhạn lầm lì, ít nói và có nhiều biểu hiện bất thường trong đó có việc đòi tự vẫn. Gần đây gia đình có đưa Nhạn đi khám bệnh thì được các bác sĩ chẩn đoán: Nhạn bị bệnh trầm cảm . Tuy được các bác sĩ khuyến cáo phải nhập viện điều trị, nhưng do gia cảnh khó khăn nên Nhạn chỉ mua thuốc về uống.

Trước khi xảy ra vụ việc, Nhạn đã dùng dao cắt tĩnh mạch, rạch bụng để tự vẫn, nhưng được mọi người trong gia đình phát hiện kịp thời. Đến buổi trưa cùng ngày, vợ Nhạn đi mua thuốc chữa trị vết thương mà chính Nhạn gây ra, nhưng khi về đến nhà thì xảy ra sự việc đau lòng trên. 

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Viện sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai, người bị mắc bệnh trầm cảm luôn có tâm lý tự cô lập, tách mình ra khỏi cộng đồng xã hội bạn bè, người thân. Do đó trong quá trình điều trị bệnh trầm cảm, vai trò của người bạn đời là vô cùng quan trọng giúp người bệnh tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống.

Chồng bị trầm cảm sau màn đánh ghen kinh hoàng của vợ - Ảnh 1

Vợ giúp chồng thoát khỏi chứng trầm cảm. Ảnh minh họa.

Làm gì khi chồng bị trầm cảm?

Bác sĩ Tuấn phân tích, khi trầm cảm, người chồng thích ở một mình và thờ ơ với mọi thứ. Điều người vợ cần nhớ là phải kiên nhẫn, không được nổi đóa, la hét hoặc quá cương quyết trong những lúc như thế. Hãy nhớ, trầm cảm là bệnh kinh niên đòi hỏi sự quan tâm và chăm sóc thật nhiều.

Để giúp chồng có bước đi đúng đắn và thoát khỏi căn bệnh này, bạn hãy tìm một nơi có phương pháp trị liệu tốt và đưa chồng bạn đến đó. Đừng giao cho anh ấy bất kỳ việc gì phải động não nhiều trong thời gian này. Ngoài ra, bạn cũng nên chủ động đưa chồng đi khám bệnh với bác sĩ chuyên khoa, đừng để anh ấy phải đi một mình.

Khi một ai đó bị trầm cảm, anh ta sẽ rất thụ động, vì vậy bạn không nên trông mong họ làm những điều họ thích thú trước đây. Bạn chỉ nên khuyên chồng từ từ làm những việc mà anh ấy từng thích, nhưng đừng bao giờ thúc giục. 

Có thể bắt đầu bằng việc đi bộ cùng nhau, kể những câu chuyện hay và truyền cảm hứng, cố gắng tìm những thứ sẽ làm anh ấy cười hoặc những tấm hình của anh ấy ngày xưa để khơi gợi lên những cảm xúc tích cực.

Ở bất cứ thời điểm nào, nếu chồng bạn bắt đầu đề cập đến việc tự tử, không nên xem nhẹ chuyện này. Ngược lại, nếu chồng bạn tỏ ra sợ sệt, sợ nguy hiểm, cũng đừng làm ngơ. Nên báo ngay với bác sĩ về việc này. Đừng để anh ấy ở một mình trong nhà. 

Bất kể sự thay đổi nào trong thái độ như thể hiện tình yêu với bạn bè nhiều hơn, viết chúc thư, hay giải quyết những vấn đề về tài chính có thể là dấu hiệu cho thấy ý định tự sát, bạn nên lưu tâm.

Dù hiện tại chồng bạn hiện đang được đặt dưới sự giám sát của một bác sĩ chuyên khoa, nhưng bạn cũng nên hỗ trợ anh ấy. Hãy tìm đến những người bạn thân, các thành viên trong gia đình, người có thể lắng nghe để được giúp đỡ trong thời gian khủng hoảng này. Bạn cũng cần ăn uống lành mạnh và nghỉ ngơi hợp lý để có đủ sức khỏe chăm sóc khi chồng bị bệnh.

“Thật khó khăn khi thấy người yêu mình gặp rắc rối và thậm chí điều đó có thể lấy đi niềm vui của bạn. Nhưng nếu bạn có cách chăm sóc tốt, biện pháp điều trị hiệu quả, sự hỗ trợ, tính kiên nhẫn, bạn có thể giúp chồng mình tìm lại cuộc sống tốt đẹp ngày nào”, bác sĩ Tuấn khuyên.

Theo doisongphapluat

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ