Chọn trường hay chọn thầy?

Chọn trường hay chọn thầy?

(GD&TĐ) - Chuyện chọn cho con được học ở trường có môi trường giáo dục tốt là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên thế nào là một trường học có môi trường giáo dục tốt lại không phải ai cũng biết. Bởi vậy, hằng năm cứ sắp đến mùa tuyển sinh dư luận xã hội lại nóng lên và xảy ra bao chuyện bi hài quanh chuyện chọn trường, chạy trường cho con. Xin được kể ra những sai lầm thường mắc phải khi các bậc phụ huynh chọn trường cho con.

Chọn cho oai

Có một thực tế là rất nhiều người chọn trường mà không cần biết con sẽ học như thế nào, chỉ chọn cho bố mẹ được oai, oách. Họ không cần biết con vào trường sẽ học với giáo viên nào, hoạt động giáo dục thực chất trường đó ra sao, mà chỉ nghĩ con vào học trường đó là sẽ hơn hẳn các trường khác. Và họ tỏ ra rất tự hào về chuyện ấy. Có người là công chức hẳn hoi mà tranh luận với bạn: “Con tao học trường huyện, dù có xếp trung bình, còn hơn con mày được xếp loại giỏi ở quê”. Có lần tôi còn nghe ông thợ hồ nói mỉa anh bạn khi anh này khoe con học giỏi: Đúng là cái đồ nhà quê, tôi nghèo mấy vẫn cho con xuống huyện học. Tìm hiểu được biết anh cũng nhà quê 100%, quanh năm đầu tắt mặt tối kiếm tiền vẫn gắng cho con xuống trường “chất lượng cao” (trường chuyên cũ của huyện) để học, nhưng con không theo được bạn nên chán học, đâm chơi bời lêu lổng. Ở thành phố, câu chuyện này còn phổ biến hơn. Giáo viên thành phố có câu: Tuyển chọn “phụ huynh giỏi” chứ học sinh nào mà chả giỏi. Vâng trường, lớp mà có nhiều “phụ huynh giỏi” thì dễ làm phong trào lắm. Ngược lại, nhà giàu cũng luôn tìm đến trường có danh tiếng, chuyện tốn kém không đặt thành vấn đề!

Chọn trường hay chọn thầy? ảnh 1
Không ít phụ huynh vẫn tin là chọn trường có tiếng sẽ giúp trẻ học giỏi hơn.       Ảnh: Minh Thành

Chọn trường, quên chọn thầy

Chọn những trường có danh tiếng cho con học, về lí thuyết thì không sai, nhưng sai ở chỗ danh tiếng ấy được tạo dựng như thế nào và ai phong. Những người am hiểu về giáo dục đều thấy được vai trò lớn của GV đối với việc học. Vậy, vấn đề là con học với ai chứ không phải học ở trường nào. Ở trường bình thường được học với GV tốt, sẽ tốt hơn nhiều học ở trường được coi là danh tiếng nhưng do GV bình thường dạy. Tôi đã từng “gan ruột” với hiệu trưởng một trường có thương hiệu ở TP Thanh Hóa: Đội ngũ GV ở đây chắc mạnh lắm? Anh bảo: Cũng thế cả thôi, nhà trường có chọn được đâu, trên quyết định ai về cũng phải nhận. Mà trên thì có chọn GV giỏi cho mình đâu, còn bao nhiêu mối quan hệ nữa chứ. Vấn đề là phải tạo thương hiệu ông ạ! Một anh bạn thân dạy ở một trường được coi là có thương hiệu khuyên chân tình: Con đứa nào thật giỏi hãy cho vào đấy học, còn giỏi thường đến khá vào đó là hỏng ngay. GV họ chỉ lo dạy HS đội tuyển để lấy giải tạo danh tiếng, chứ HS khác họ có quan tâm đến đâu.

Không kiểm định được chất lượng trường xin học cho con

Thường những trường nổi như cồn chưa hẳn chất lượng thật đã cao. Nhìn chung trường PTTH phụ huynh dễ đánh giá khi lấy kết quả thi vào Đại học hàng năm, còn trường tiểu học và THCS “người ngoài cuộc” rất khó biết chất lượng thật như thế nào. Có chuyện, Sở GD&ĐT về khảo sát chất lượng khi đang tiến hành thay SGK ở một huyện, yêu cầu được khảo sát ở một trường mạnh nhất huyện và một trường yếu nhất huyện. Phòng GD&ĐT dẫn về một huyện luôn là cánh chim đầu đàn với bao Bằng khen, cờ thi đua của sở, Bộ và một trường nhiều năm không đạt Tiên tiến cấp huyện. Kết quả rất bất ngờ, HS hai trường có chất lượng hạnh kiểm, văn hóa ngang nhau!

Có một thực tế là các trường có thương hiệu mạnh, lãnh đạo nhà trường rất giỏi “đánh bóng” thương hiệu. Họ không bỏ lỡ một cơ hội nào để tên trường họ được biểu dương trong các đợt thi đua. Có thể nhiều năm họ không quan tâm văn nghệ, trò chơi dân gian cho HS, nhưng nếu có kì thi, họ mời thầy về và đầu tư hết mức. Vì thế chất lượng HS có thể không cao hơn trường khác, nhưng khi giao lưu, thi thố họ luôn đạt thành tích cao. Một Hiệu trưởng từng tâm sự: Muốn có nhiều HS giỏi phải đầu tư, phải biết làm… tình báo nữa. Chuyện HS tiên tiến, HS giỏi cuối năm họ cho tất (trong khi các trường lại làm rất ngặt nghèo), bởi: Thu tiền của con người ta cả năm, chả lẽ cuối năm không cho họ tờ giấy khen!

Một môi trường giáo dục tốt là ở đó HS được phát triển bình thường, được khơi gợi để phát triển tư duy sáng tạo, tự khẳng định mình, dưới sự hướng dẫn của thầy. Triết lí GD này đã được GS Hồ Ngọc Đại và đồng nghiệp kiên trì thực hiện ở Trường Thực nghiệm Giảng Võ và mang lại nhiều thành công (GS Ngô Bảo Châu từng là HS của trường). Có thể về kết quả nhất thời (như thi HS giỏi chẳng hạn) những trường làm nghiêm túc sẽ không bằng những trường đầu tư tạo thương hiệu bằng cách luyện gà nòi, nhưng cái được là tinh thần học tập, ý chí tiến thủ, khả năng sáng tạo, những đức tính rất cần của người lao động, được xây dựng và củng cố.

Minh Túy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.