Chọn đúng nghề, cách nào?

GD&TĐ - Năm 2024 là năm cuối cùng thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học theo Chương trình GDPT hiện hành.

Học sinh dự chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại Trường Đại học Vinh ngày 13/1.
Học sinh dự chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại Trường Đại học Vinh ngày 13/1.

Việc chuẩn bị sớm từ tìm hiểu thông tin ngành, trường đại học, lên kế hoạch ôn tập, quyết tâm cao đối với kỳ thi sẽ gia tăng cơ hội đạt mục tiêu theo sở thích, sở trường của các em.

Băn khoăn trước ngã rẽ

Năm 2024, Bộ GD&ĐT giữ ổn định Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm không làm xáo trộn việc dạy học, ôn tập ở các trường. Tuy nhiên, trước kỳ thi quan trọng, khóa học sinh cuối cùng học Chương trình GDPT hiện hành không tránh khỏi những lo lắng, băn khăn.

Tại Chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2024 tổ chức tại Trường ĐH Vinh (Nghệ An), em Cao Thị Đỗ Quyên - lớp 12A2, Trường THPT Thái Lão (huyện Hưng Nguyên) nêu câu hỏi: “Khó khăn hiện nay đối với học sinh cuối cấp là chưa định hướng rõ ràng nghề nghiệp tương lai. Vì vậy, nhiều học sinh muốn biết xu hướng nghề nghiệp trong 5 năm tới”.

Tổ tư vấn gồm đại diện Bộ GD&ĐT, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương và trường khối ngành quân sự… đã có nhiều chia sẻ thiết thực cho các em trước ngưỡng cửa quan trọng.

PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương cho rằng, xu hướng ngành nghề có nhiều cơ hội việc làm trong tương lai là tâm tư của phần lớn học sinh.

Ở cấp học này, các em cần được trải nghiệm nhiều nghề nghiệp để có thể khám phá sở thích, đam mê, đưa ra lựa chọn đăng ký xét tuyển đại học phù hợp và khi tốt nghiệp đáp ứng được nhu cầu thị trường nhân lực. Tuy nhiên do khó khăn, hạn chế nhất định nên học sinh không có nhiều trải nghiệm này.

“Xu hướng ngành nghề có sự chuyển biến trong nội bộ chứ không dịch chuyển quá lớn từ ngành nghề này sang ngành nghề khác. Từ ngành nghề yêu thích, các thí sinh nên chọn trường phù hợp với năng lực bản thân”, PGS.TS Vũ Thị Hiền lưu ý. Các thầy cô trong tổ tư vấn cũng đưa ra lời khuyên thí sinh nên chọn ngành trước khi chọn trường. Sau đó mới đưa ra nguyện vọng 1, 2, 3 vào trường đại học phù hợp năng lực bản thân và điều kiện gia đình.

Học sinh đặt câu hỏi về phương thức tuyển sinh, điểm xét tuyển ưu tiên của trường đại học năm 2024.

Học sinh đặt câu hỏi về phương thức tuyển sinh, điểm xét tuyển ưu tiên của trường đại học năm 2024.

Nhiều học sinh lại quan tâm đến việc chọn ngoại ngữ nào để có nhiều cơ hội việc làm. Theo TS Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội, các chương trình ngôn ngữ đều có định hướng nghề nghiệp như truyền thông, du lịch, thương mại…

Ở nhiều vị trí nghề nghiệp, người có ngoại ngữ tốt kết hợp kiến thức chuyên ngành sẽ có thế mạnh trong bối cảnh hội nhập. Tuy nhiên, trước khi quyết định chọn ngoại ngữ, thí sinh xem thuận về ngôn ngữ nước nào. Khi đã lựa chọn được ngôn ngữ yêu thích mới tính tới thị trường lao động.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, tình trạng “làm trái ngành” do nhiều thí sinh chọn sai từ đầu. Các em không được hướng nghiệp sớm, không có thông tin đầy đủ trước khi lựa chọn hoặc chịu những tác động khách quan khác dẫn tới chọn sai. Việc thầy, cô giáo có mặt trong buổi tư vấn là để hạn chế tối đa tình trạng thí sinh sau này làm trái ngành, nghề đã chọn và được đào tạo.

Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng mỗi ngành, nhóm ngành có nhu cầu việc làm khác nhau ở mỗi thời điểm. Có ngành hiện tại nhu cầu việc làm lớn nhưng 5 - 7 năm nữa bão hòa. Vì vậy, để lựa chọn ngành có cơ hội việc làm tốt, cần có thông tin dự báo nhu cầu nhân lực thời điểm sau khi sinh viên ra trường. Quan trọng nhất là có năng lực, kỹ năng tốt, một sinh viên giỏi thì không sợ làm trái ngành.

Học sinh Nghệ An tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2024 tại Trường Đại học Vinh.

Học sinh Nghệ An tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2024 tại Trường Đại học Vinh.

Không đánh giá thấp bản thân

Em Bình Nguyên - Trường THPT chuyên Đại học Vinh thi lấy chứng chỉ IELTS 2 lần đều đạt 6.5 điểm, không như kỳ vọng bản thân. Trong 3 năm THPT, em cố gắng có học bạ “đẹp” để kết hợp chứng chỉ IELTS xét tuyển đại học. Tuy nhiên năm nay, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân mà em yêu thích không xét tuyển học bạ THPT. Vì thế, nam sinh chuyển hướng, tập trung cho bài thi đánh giá năng lực. Em băn khoăn không biết 3 tháng nữa có kịp đạt kết quả tốt hay không.

TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho hay, thí sinh đừng vội “định vị năng lực” của mình là thấp khi chưa thực sự tham gia kỳ thi này.

“Nhiều em tưởng rằng năng lực của mình không tốt, nhưng thực tế có thể ở mức cao hơn. Thái độ với bài thi, cách học tập như thế nào, mục đích và quyết tâm ra sao chính là yếu tố quyết định kết quả của bất cứ kỳ thi nào. Vì vậy, hãy bình tĩnh, tự tin để có kết quả như mong muốn”, TS Nguyễn Quốc Chính cho hay.

Trường Đại học Ngoại thương là một trong số lựa chọn được học sinh khá, giỏi nhiều trường THPT tại Nghệ An quan tâm. Tuy nhiên, các em cũng bày tỏ băn khoăn về phương thức xét tuyển năm 2024 liên quan đến kết quả học bạ. Theo đó, năm nay nếu thí sinh sử dụng phương thức xét học bạ THPT kết hợp một số chứng chỉ, thì điều kiện bổ sung phải đạt ngưỡng điểm thi tốt nghiệp THPT của 3 môn tổ hợp xét tuyển đại học bất kỳ mà nhà trường đưa ra từ 24 điểm trở lên.

PGS.TS Vũ Thị Hiền cho biết, đây là cách để nâng cao chất lượng đầu vào, đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT và học bạ của thí sinh. Tuy nhiên, đại diện Trường Đại học Ngoại thương cũng khuyên thí sinh không quá áp lực với điểm mới này. Vì nếu có năng lực, nắm vững kiến thức suốt quá trình học THPT, việc có điểm thi tốt nghiệp 3 môn tổ hợp xét tuyển đại học từ 24 điểm trở lên là điều không quá khó.

Một học sinh đến từ Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An) đặt vấn đề: Em đoạt giải Ba kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, kết hợp với một số tiêu chí đủ điều kiện đăng ký xét tuyển vào lớp tài năng Đại học Bách khoa Hà Nội. Tuy nhiên, với kết quả tương đương, những bạn học sinh trường THPT chuyên lại được ưu tiên hơn trong xét tuyển. Điều này liệu có công bằng với học sinh “trường thường”, bởi cùng nỗ lực, phấn đấu trong học tập, và kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh Nghệ An ra đề chung, không có đề riêng với học sinh trường chuyên?

Với câu hỏi này, PGS.TS Vũ Duy Hải - Phó Trưởng phòng Tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội phân tích, vấn đề công bằng trong tuyển sinh được nhiều thí sinh nêu ra trong mỗi mùa tư vấn. Thực tế các trường ĐH đã cố gắng đưa ra phương án tối ưu nhất, để tạo cơ hội cho thí sinh. Về phía Đại học Bách khoa Hà Nội, với hình thức xét tuyển này, tỷ lệ điểm “thành tích” chỉ chiếm tối đa 40%, điểm “hồ sơ” kết quả THPT chiếm 40%.

Cùng đó, trường dành 20% điểm số cho nội dung phỏng vấn trực tiếp. Đây chính là phần để ban giám khảo ghi nhận năng lực học sinh. Và tin rằng, nếu các em “trường thường” có quá trình học tập nghiêm túc, năng lực, trải nghiệm, đam mê, sẽ tạo ấn tượng cho ban giám khảo và cơ hội đạt điểm không thua kém, thậm chí cao hơn các bạn trường chuyên.

“Sở thích đam mê ảnh hưởng nhiều đến việc làm trái ngành hay không. Đôi khi làm đúng ngành, nhưng không yêu thích sẽ dễ chán nản. Còn làm công việc yêu thích thì ngày làm việc trôi qua nhanh chóng, lao động có khả năng sáng tạo, chính là không làm trái ngành”, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

giám sát an toàn là gìKhám phá mbti là gì