Chọn đổi mới quản lý làm đột phá là lựa chọn đúng đắn

Chọn đổi mới quản lý làm đột phá là lựa chọn đúng đắn

Chúng tôi vẫn coi GS Trần Hồng Quân là “người trong cuộc” quản lý  đại học hôm nay, mặc dù ông đã thôi ở  cương vị đứng đầu ngành học quan trọng này 12 năm trước, và đã thôi mọi chức vụ quản lý  nhà nước tiếp theo đó từ vài năm nay. Nhưng hình như còn “mắc nợ” với GD ĐH  nên ông lại làm Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập. Và vì vậy, quản lý đại học vẫn luôn là nỗi trăn trở trong ông. Ông thầm lặng dõi theo tất cả mọi vấn đề liên quan đến lĩnh vực này, mà mới đây là Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hành động của Bộ GD-ĐT và diễn đàn trên báo chí. Có một sự cộng hưởng nào đó, để hôm nay, ông “dốc bầu tâm sự” với chúng tôi:

uki
GS. Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và TS. Nguyễn Danh Bình - Tổng biên tập Báo GD&TĐ trong cuộc phỏng vấn

- Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ GD-ĐT về đổi mới đại học lần này chọn đổi mới quản lý làm điểm đột phá là sự lựa chọn đúng đắn. Với GD nói chung và GD đại học nói riêng, tôi chưa lúc nào hết trăn trở về nó, nhất là chuyện quản lý đại học, bởi vì đó chính là cái “nút” của toàn hệ thống. Sốt ruột lắm.

PV: Nhưng phải nói rằng Đảng, Nhà nước và ngành GD-ĐT đã có  nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp đúng đắn, tích cực nhằm cải thiện tình hình, và đã có những kết quả đáng ghi nhận…

GS Trần Hồng Quân:

Đó là điều khẳng định, không ai có thể phản bác điều này. Nếu có phác thảo nào đó về bức tranh GD ĐH hôm nay, tôi cũng sẽ nhấn mạnh điểm này. Đó là những dấu hiệu tích cực.

Chưa bao giờ GD-ĐT chịu áp lực lớn và trực tiếp như bây giờ.  Áp lực từ yêu cầu nhân lực, yêu cầu tiếp thu, sử dụng và phát triển công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến. Áp lực do những lạc hậu của nền đại học chúng ta.

Cũng chưa bao giờ  chúng ta có điều kiện tốt để phát triển GD như bây giờ. Ngân sách được dành tỉ lệ  cao chưa từng có, cùng nhiều điều kiện khác về chủ trương chính sách.

Song, cũng phải nói rằng hiện nay dư luận băn khoăn lo lắng nhiều về những bất cập của giáo dục.

PV: Có một sự  thực mà bản thân chúng ta cũng đã thừa nhận, đó là chất lượng đào tạo ĐH chưa đáp ứng yêu cầu. Theo ông, nguyên nhân trực tiếp là gì?

GS Trần Hồng Quân:


Tôi cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do tư duy GD luôn lạc hậu so với thực tiễn vốn không ngừng vận động, đặc biệt là tư duy quản lý. Đây là một trở  ngại trong quá trình giải quyết những vấn đề mấu chốt như chi phí đào tạo chẳng hạn. Đã đến lúc chúng ta không thể duy ý chí để nói rằng không cần nhiều tiền vẫn làm GD có chất lượng được. Làm sao có thể so sánh tương đương chất lượng sản phẩm 200-300 USD với vài nghìn USD? Cho nên cũng đừng so sánh hiệu quả GD xưa và nay. Thời thuộc Pháp toàn Đông Dương chỉ có rất ít trường lớp nhằm đào tạo tinh hoa và cho người giàu thì nguồn lực dành cho GD lúc đó rõ ràng là tập trung hơn rất nhiều so với một nền GD cho 95% dân số.

Phải thừa nhận rằng, tư duy quản lý GD của ta còn lạc hậu. Rất nhiều bài học đổi mới cơ chế kinh tế chưa được mổ xẻ để vận dụng vào quản lý GD. Tư duy quản lý phải làm sao để cho từng tế bào xã hội có động lực tự thân để phát triển. Không nên tiếp tục cách quản lý bao cấp, tập trung và quan liêu và kết quả là thiếu niềm tin vào sự sáng tạo, sự chín chắn và cả lòng tốt của các nhà giáo, nhà khoa học. Những đặc điểm này còn khá rõ trong quản lý công. Nhìn riêng trong lĩnh vực ĐH-CĐ, có thể nói các trường ngoài công lập đang là một đối chứng về quản lý cho quản lý công. Có thể kiểm chứng điều này ở ĐH Hoa Sen, CĐ Saigon Tech, ĐH Kinh doanh và công nghệ, ĐH dân lập Hải Phòng, ĐH công nghệ Sài Gòn…

PV: Vậy thì theo ông, một cách khái quát nhất, đổi mới quản lý đại học là phải làm gì?

GS Trần Hồng Quân:


Phải tạo được một hành lang pháp lý đủ rộng để đảm bảo cho các cơ sở đào tạo không cần phá rào mà vẫn đủ cơ hội để sáng tạo, phát huy cao nhất quyền tự chủ của mình. Cái hành lang pháp lý còn hẹp như hiện nay dễ tạo thói quen xấu là phá rào, làm mất tính nghiêm minh của pháp luật. Chúng ta dứt khoát không chấp nhận phá rào, nhưng rào phải hợp lý. Đừng biến cái bất hợp lý thành pháp lý. Ở đây có vấn đề về phân cấp quản lý. Điều này phải xác định cho rõ ràng: Nhà nước (mà đại diện là cơ quan quản lý nhà nước, từ cấp Bộ đến cấp Vụ; Vụ chính là Bộ trong một lĩnh vực cụ thể) có trách nhiệm xây dựng hành lang pháp lý và kiểm soát, đánh giá việc thực hiện trong hành lang pháp lý này. Quyền tự chủ thì phải giao cho cơ sở, nhưng không phải cho hiệu trưởng toàn quyền mà phải là có Hội đồng trường cao hơn- một tổ chức quyền lực thực sự chứ không phải chỉ có chức năng tư vấn. Mô hình quản lý trường ĐH cũng còn nhiều vấn đề cần bán. Tuy nhiên, có một nguyên tắc bất di bất dịch: Được giao quyền tự chủ cao nhưng nhà trường cũng đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật (không phá rào) và trước xã hội.

Cũng cần nhấn mạnh lại, quyền tự chủ chỉ được phát huy tốt trong hành lang pháp lý rộng, từ đó tạo nên uy tín xã hội của nhà trường và đây cũng chính là ưu thế cạnh tranh của cơ sở.

Một trách nhiệm xã hội quan trọng, không riêng gì của cấp nào, đó là phải minh bạch. Chủ trương 3 công khai của Bộ GD&ĐT là một chủ trương tiến bộ thể hiện tính minh bạch này.

PV: Về chi phí  đào tạo, theo ông, cần đổi mới thế nào?


GS Trần Hồng Quân:


Quan điểm của tôi là dứt khoát phải nâng chi phí đào tạo lên, tối thiểu cũng phải được 1200 USD/1SV/năm. Tất nhiên, đưa việc này ra là động chạm đến nhiều vấn đề, nhưng phải dũng cảm đương đầu, và phải trình bày ngọn ngành với Quốc hội và Bộ Chính trị. Nếu không, chính chúng ta sẽ dìm đại học xuống, ta không thực sự có một nền đại học đúng nghĩa. Tôi cho rằng báo chí phải vào cuộc làm rõ chuyện này.

Vấn đề là nguồn  đâu để nâng chi phí đào tạo lên tối thiểu 1200 USD? Lại liên quan đến tư duy quản lý. Nhà nuớc phải lựa chọn ưu tiên để tập trung lo trước hết cho lĩnh vực ưu tiên đó. Không có bất cứ một công trình vĩ đại nào quan trọng và cấp bách hơn đầu tư để vực nền đại học chúng ta lên. Nó sẽ tạo ra sức bật cho toàn xã hội.

Thứ hai, phải coi GD đại học là một dịch vụ và phải phân chia trách nhiệm chi phí cho dịch vụ này (Nhà  nước, người học, xã hội). Phải quyết được  định hướng chủ trương đã, rồi tính dần giải pháp, chứ đừng quá băn khoăn về giải pháp mà lùi mục tiêu.

Người học phải đóng học phí tương xứng. Dân ta còn nghèo, phải được vay tín dụng. Mức cho vay phải đủ trả học phí cao, ngoài ra còn đảm bảo đời sống tối thiểu. Đây là hình thức cung ứng dịch vụ trả góp, lãi suất thấp hoặc không lãi, thời hạn trả lãi phải đủ dài.

Với qui  mô đại học hiện nay và sẽ còn tăng lên đến chừng 10%/năm, đòi hỏi tổng quỹ tín dụng sẽ rất lớn. Ngân sách nhà nước không thể và không nên gánh một mình. Hãy huy động hầu hết ngân hàng thương mại cổ phần vào cuộc. Nhà nước phải bù lỗ do chênh lệch giữa lãi suất thương mại và lãi suất chính sách, và lỗ do rủi ro khó đòi. Đây là cơ chế “nửa bao cấp”, cần thiết trong vài thập niên tới.

Để nâng chi phí đào tạo, chúng ta phải có một bài toán thật cụ thể, khoa học, trong đó có tính đến cả quy mô, chất lượng và chi phí. Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập đang có ý tưởng xây dựng đề tài nghiên cứu về vấn đề này. Bài toán nâng chi phí đào tạo là rất khó nhưng không thể không giải quyết, miễn là các bên có liên quan hãy cùng ngồi với nhau để nhìn nhận bài toán này. Đương nhiên, tiền chỉ là một trong những điều kiện cần, mà chưa đủ. Còn nhiều yếu tố quan trọng khác như đội ngũ thầy giáo, nội dung chương trình, phương pháp, cơ sở vật chất, quản lý…Đó là những câu chuyện khác phải bàn.

PV: Trân trọng cảm  ơn GS.

Nguyễn Danh Bình - Nguyễn Thị Trâm (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.